Tự lắp màn hình 4K 84 inch trong 3 năm với 68 triệu đồng

Tự lắp màn hình 4K 84 inch trong 3 năm với 68 triệu đồng

Anh Trần Việt Anh (quận 7, TP HCM) là một người rất đam mê các thiết bị nghe nhìn. Nhưng thay vì mua các sản phẩm mới về sưu tầm và sử dụng, anh thường tự tay lắp ráp. Trong vòng 3 năm, anh đã tự tay nghiên cứu, lắp thành công một màn hình cỡ lớn, lên tới 84 inch, với tổng chi phí chỉ 68 triệu đồng. Đây là sản phẩm được anh tâm đắc vì thị trường chưa có màn hình hiển thị nào có kích thước lớn như vậy.

"Cách đây 3 năm, ý tưởng về một màn hình lớn cho nhu cầu riêng, cũng như muốn tạo ra một thiết bị chưa từng có thôi thúc trong đầu, khiến tôi chân tay không thể yên. Tôi cũng có một chút kiến thức về lĩnh vực nghe nhìn, nên bắt tay vào làm ngay", anh kể lại.

Nói là làm, anh lập tức lên mạng tìm hiểu thêm các công đoạn, nơi sản xuất linh kiện. Được 2 người bạn giúp đỡ, trong đó có anh Đỗ Hồng Phúc (hay còn gọi là Phúc 3D - nghệ danh khá nổi tiếng trong giới chơi phim HD và 3D) và một người nữa (giấu tên), công việc của anh cũng có phần thuận lợi hơn.

Lúc bấy giờ, hầu như không có nhà sản xuất nào có màn hình lớn trên 80 inch, chỉ có TV mới có kích thước này. Nhóm đã nghĩ ra cách là dùng tấm nền LCD của TV kết hợp với bo mạch điều khiển (Controller board) của màn hình để tạo nên thiết bị hoàn toàn mới. Theo anh Việt Anh, đây cũng chính là 2 thành phần quan trọng và đắt tiền bậc nhất.

Vấn đề đầu tiên là phải mua được linh kiện - đây là công đoạn khó khăn nhất. Ban đầu, do xác định chỉ làm màn hình độ phân giải Full HD, anh Việt Anh quyết định mua tấm nền loại này, với công nghệ IPS. Nhờ một số người quen, anh đã tiếp xúc với lãnh đạo một số nhà máy sản xuất màn hình. "Việc thuyết phục những người lãnh đạo nhà máy hết sức khó khăn và tốn rất nhiều thời gian. Phải gần một năm tôi mới có thể làm việc với họ được", anh Việt Anh cho biết.

Ảnh thực tế màn hình

Cũng do bo mạch điều khiển chủ yếu dành cho tấm nền màn hình dạng nhỏ, buộc nhóm phải nghiên cứu ra bo mạch mới phục vụ tấm nền lớn hơn. Do đó, anh phải cùng các kỹ sư nhà máy làm việc với nhau để nhờ họ chỉnh các thông số. Nhóm đã thành công trong việc sản sinh ra bo mạch điều khiển mới phù hợp màn hình cỡ lớn, dù mất một thời gian khá dài.

Nhưng sau đó, nhóm lại muốn chuyển qua màn hình độ phân giải cao hơn nên phải thay đổi mọi thứ từ đầu, kể cả việc thuyết phục đối tác. Cuối cùng, nhóm quyết định sử dụng tấm nền IPS kích thước 85 inch độ phân giải 4K loại cao cấp và tốt nhất, được sản xuất tại Hàn Quốc bởi LG Display. Panel được tích hợp công nghệ Ultra Wide Color Gamut cho khung màu cực rộng, đạt chuẩn thiết kế và hiển thị Y khoa, góc nhìn lên tới 178 độ và được phủ lớp chống chói, hạn chế tối đa sự phản chiếu ánh sáng.

tu-lap-man-hinh-4k-84-inch-trong-3-nam-voi-68-trieu-dong

Mặt sau màn hình.

"Tấm nền LCD được sản xuất ra thường có chất lượng không đồng đều nhau. Một số rất tốt, hoàn hảo, có khả năng hiển thị xuất sắc, một số lại không được như vậy. Vì thế, ở cấp độ nhà máy, người ta phân loại LCD thành phẩm theo các grade A+, A, A-, B, C. Tất nhiên A+ là cấp tốt nhất, đắt tiền nhất, chỉ trang bị cho những sản phẩm cao cấp, tôi lựa chọn loại này", anh Việt Anh kể lại.

Về bo mạch điều khiển, nhóm chọn Controller Board 4K, điều khiển One-chip thuộc loại tốt nhất, có khả năng đáp ứng độ sâu màu lên tới 10-bit thực. Anh cũng tăng thời gian đáp ứng (response time) xuống dưới 5 mili giây, trong khi hầu hết các TV hiện nay tới 16 mili giây.

Toàn bộ quá trình thực hiện lại này mất thêm khoảng 1 năm nữa.

Ngay khi có đầy đủ linh kiện, nhóm bắt tay vào công đoạn lắp ráp. Dù hoạt động được ngay, nhưng màu sắc, tương phản, cân bằng trắng... vẫn chưa đủ hài lòng. Anh lại mất thêm vài tháng chỉ để chỉnh sửa màu sắc cho thiết bị đến khi ưng ý.

"Màn hình sẽ không ưu tiên độ sáng rực rỡ mà chú trọng vào chất lượng hiển thị và độ chính xác màu sắc, vì vậy, xem phim rất dịu dàng, ấm áp, trong trẻo. Tôi đang kết nối với máy tính qua cổng DP, độ phân giải 4K@60Hz, ngồi duyệt web cả ngày nhưng không mỏi mắt", anh Việt Anh chia sẻ.

tu-lap-rap-man-hinh-68-trieu-trong-3-nam

Màn hình sau khi hoàn thành của anh Việt Anh.

Cuối cùng, các chi tiết như vỏ, loa, chân đế, các kết nối không quan trọng... đều bị loại bỏ. Theo anh, cách làm này không chỉ để giảm chi phí mà còn giúp máy trở nên thông thoáng hơn, tản nhiệt tốt hơn. Tổng giá tiền anh bỏ ra cho linh kiện là 68 triệu đồng. Trong khi đó, để mua một sản phẩm tương tự trên thị trường, số tiền bỏ ra phải gấp đôi, như một mẫu 84 inch của LG lên tới 120 triệu đồng, mẫu 85 inch của Samsung lên tới 138 triệu đồng, hay mẫu tương tự từ Sony lên tới 205 triệu đồng.

Bảo Lâm

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận