Vì sao scandal dữ liệu của Facebook không trở thành cuộc khủng hoảng lớn hơn?

Vì sao scandal dữ liệu của Facebook không trở thành cuộc khủng hoảng lớn hơn?

Đã gần bốn tuần trôi qua kể từ khi vụ bê bối dữ liệu Cambridge Analytica bùng nổ và có một số điều đáng ngạc nhiên đã xảy ra. Đúng hơn là, đã không xảy ra.

Cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất từ trước đến nay bắt nguồn từ vụ rò rỉ dữ liệu người dùng mà cho đến nay chỉ có Facebook phải "hứng mũi chịu sào". Google, một "chuyên gia" thu thập dữ liệu khác, đã không bị cuốn vào cuộc chiến - mặc dù Mark Zuckerberg đã dành một phần thời gian ở Washington trong tuần này để khuyến khích các nhà lập pháp xem xét rộng rãi hơn tất cả các công ty kinh doanh dựa vào thu thập dữ liệu hàng loạt.

Vụ rò rỉ dữ liệu người dùng Facebook chính xác là điều mà các nhà bảo vệ quyền riêng tư đã cảnh báo trong nhiều năm. Nhưng có vẻ như bê bối này vẫn "chưa đủ lớn" để có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng lớn hơn.

Vì sao scandal dữ liệu của Facebook không trở thành cuộc khủng hoảng lớn hơn?

Có một lý do rất rõ ràng cho điều này. Thất bại của Facebook chính là những lúng túng trong tiếp cận, phân bổ dữ liệu cá nhân của người dùng. Dữ liệu cá nhân người dùng được liên kết với sức mạnh "biểu đồ xã hội" của công ty – hệ thống các kết nối cá nhân mà mạng lưới của Facebook dựa vào. Mặc dù vậy, điều này vẫn chưa gây ra một cuộc tranh luận rộng rãi hơn.

Hãy nhìn vào gần 100 chính trị gia tham gia chất vấn Mark Zuckerberg trong hai phiên điều trần tuần này thì bạn sẽ hiểu. Họ có nhiều mối quan ngại nhưng không có câu hỏi nào đủ mạnh mẽ, đủ sức ảnh hưởng để nêu bật lên được vấn đề mà họ muốn nói là gì.

Nói một cách khác: khi nói đến việc lạm dụng dữ liệu cá nhân của các nền tảng Internet lớn nhất, thật khó có thể đưa ra một lý thuyết thuyết phục. Nhiều người cảm thấy có điều gì đó không ổn nhưng lại gặp rắc rối khi chỉ ra nó.

Một lý do khiến vụ việc Cambridge Analytica tạo ra được một cơn bão lớn đến như vậy là nó thực sự bộc lộ nguy hại rõ ràng. Rò rỉ dữ liệu trên quy mô lớn đến vậy quả thật gây sốc. Mặc dù chưa có bằng chứng nào cho thấy thông tin bị rò rỉ đã được sử dụng để tác động vào bầu cử Tổng thống Trump hoặc ủng hộ chiến dịch "Vote Leave" Brexit, chỉ những sự nghi ngờ của công chúng thôi đã là quá đủ để Facebook phải chao đảo.

Nhưng nếu Facebook đáng tin cậy, hãng đã không để chuyện này xảy ra từ cách đây nhiều năm. Hãng sẽ không chuyển dữ liệu người dùng, buôn bán dữ liệu cho các nhà phát triển ứng dụng như thế này. Kể từ khi vụ bê bối vỡ ra, Facebook đã đưa ra các biện pháp kiểm soát bổ sung và minh bạch hơn để có thể giải quyết các lo ngại liên quan đến ứng dụng.

Có rất nhiều vấn đề nổi cộm khác diễn ra trong phiên điều trần của Zuckerberg ở Washington. Nhiều người đã xoáy vào tầm ảnh hưởng của Facebook để nói đó là một nền tảng truyền thông độc quyền - tất cả mọi thứ từ sức mạnh thị trường và các tuyên bố về ảnh hưởng chính trị đến sự thất bại của Facebook trong việc ngăn chặn một số loại nội dung nhất định.

Nhưng việc trả lời cho câu hỏi cốt lõi từ vụ Cambridge Analytica còn khó hơn: Việc thu thập dữ liệu cá nhân đã gây ra những tác động cụ thể nào?

Điều này chỉ ra một vấn đề mà những người ủng hộ quyền riêng tư đã phải đối mặt từ lâu khi đề cập đến các công ty như Facebook và Google. Họ cũng đã có một số thành công trong việc giúp người sử dụng internet hiểu rằng họ, về mặt nào đó, họ đã trở thành sản phẩm mà các công ty rao bán cho các nhà quảng cáo. Nhưng khi thượng nghị sĩ Mỹ thách thức Zuckerberg về "bán dữ liệu của người dùng", CEO Facebook đã dễ dàng bảo vệ mình. Facebook không bán dữ liệu: hãng chỉ sử dụng dữ liệu để làm cho các quảng cáo nhắm đến mục tiêu hiệu quả hơn.

Liệt kê ra các tác hại cụ thể trong loại "nhắm tới mục tiêu" này cũng khó khăn không kém. Hãy xem nỗ lực của tổ chức bảo vệ quyền riêng tư quốc tế Privacy International trong tuần này, nhằm chỉ ra những điểm nguy hiểm: "Anh càng biết nhiều về ai đó, anh càng có thể thuyết phục, gây ảnh hưởng và nhắm mục tiêu đến họ". Nghe giống như một mô tả về mục đích quảng cáo, và cố gắng hạn chế truy cập vào khối dữ liệu sẵn có trên các nền tảng Internet lớn nhất cũng giống như việc cố gắng đưa vị thần trở lại vào chai.

Sự tức giận của Washington về việc người Nga can thiệp vào cuộc bầu cử – mối quan ngại về sức mạnh của các nền tảng trực tuyến - là không thể phủ nhận. Chúng ta cần phải làm gì đó. Các công ty internet lớn hoàn toàn đồng tình với việc bị quản lý: câu hỏi duy nhất chỉ là hình thức quản lý như thế nào.

Song dựa trên các cuộc điều trần tuần này ở Washington, có thể chắc chắn rằng sẽ không có một quy tắc nào về quyền riêng tư được đưa ra, để kiểm soát việc thu thập và sử dụng dữ liệu cá nhân. Người Mỹ đang tìm kiếm một dạng khuôn khổ toàn diện, thay vì tin tưởng vào Zuckerberg. CEO Facebook đã hứa trong tuần này rằng, sẽ mở rộng quy tắc bảo vệ trong Quy chế Bảo vệ Dữ liệu Tổng quát của Châu Âu cho người dùng Facebook trên toàn cầu.

Theo Financial Times, điều này từng là điều không thể tưởng tượng nổi đối với các nhà lập pháp Mỹ, khi hoan nghênh loại hình hỗ trợ pháp lý bên ngoài. Nhưng với việc chưa có câu trả lời rõ ràng nào, Mỹ rơi vào thế đột ngột phải chào đón những quy định pháp lý của Châu Âu.

Hoàng Lan

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận