Việt Nam hiện đứng thứ 3 khu vực ASEAN về triển khai IPv6

Việt Nam hiện đứng thứ 3 khu vực ASEAN về triển khai IPv6

Việt Nam hiện đứng thứ 3 khu vực ASEAN về triển khai IPv6

Hội  thảo chủ đề “IPv6 với 4G LTE và Dịch vụ Nội dung” diễn ra chiều  ngày 4/5 là hoạt động trong chuỗi sự kiện nhân Ngày IPv6 Việt Nam 2018 (Ảnh: M.Quyết)

Hội thảo Ngày IPv6 Việt Nam 2018 với chủ đề “IPv6 với 4G LTE và Dịch vụ Nội dung” được Ban Công tác thúc đẩy IPv6 Quốc gia tổ chức hôm nay, ngày 4/5/2018, tại Hà Nội.

Trong phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải, Trưởng ban Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia nhận định, IPv6 đã không còn là công nghệ mới, IPv6  đã hiện diện ở khắp mọi nơi với số lượng người dùng ngày càng cao. Thế giới đã chứng kiến bước nhảy vọt trong chuyển đổi IPv6 với mức tăng trưởng đến 3000% từ năm 2012 đến cuối năm 2017. Hiện nay, tỉ lệ IPv6 toàn cầu đạt khoảng 22%, tăng trưởng bình quân 200% mỗi năm; tại Việt Nam, tỉ lệ ứng dụng IPv6 đạt khoảng 14%, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á, thứ 7 châu Á với hơn 6 triệu người dùng.  

Thứ trưởng cũng cho biết, sự phát triển mạnh mẽ của các xu hướng công nghệ mới như Internet of Things, Trí tuệ nhân tạo, Dữ liệu lớn trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 khiến số lượng các thiết  bị kết nối ngày càng nhiều, đặt  ra thách  thức lớn về mở rộng phát triển cơ sở hạ tầng mạng băng rộng để đảm bảo kết nối và định danh cho các thiết bị. “Với xu thế Internet di động ngày càng phát triển mạnh mẽ, việc triển khai IPv6 trên mạng di động 4G/5G là xu hướng tất yếu”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Trong 2 năm gần đây, phát triển mạng dịch vụ mạng viễn thông trên nền tảng 4G/5G là yếu tố quan trọng thúc đẩy mạnh mẽ tới việc triển khai IPv6; ngược lại việc triển khai IPv6 cho dịch vụ 4G/5G và các dịch vụ nội dung trên mạng Internet cũng mang lại những lợi ích to lớn như giúp tiết kiệm chi phí vận hành lâu dài, tính bảo mật cao hơn, đáp ứng được yêu cầu triển khai cho các thiết bị mới để mở rộng mạng lưới, phát triển dịch vụ.

Thực tế cũng cho thấy, các doanh nghiệp dẫn đầu về băng rộng, các doanh nghiệp dẫn đầu về triển khai IPv6 đều là các nhà sản xuất và cung cấp dịch vụ di động, dịch vụ băng rộng, các nhà cung cấp dịch vụ nội dung, ứng dụng đa quốc gia và các mạng xã hội lớn trên thế giới. Tiêu biểu có các mạng di động AT&T, Verison Wireless, T-Mobile … hay các nhà cung cấp dịch vụ nội dung lớn trên thế giới như Google, Facebook, Microsoft... Tại nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ, IPv6 được triển khai mặc định trong cung cấp dịch vụ di động 4G LTE.

Việt Nam hiện đứng thứ 3 khu vực ASEAN về triển khai IPv6

Thứ  trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải cho rằng, để tiếp tục thúc đẩy toàn diện hoạt động IPv6 trên mạng Internet Việt Nam, việc ứng dụng IPv6 trong dịch vụ nội dung, đặc biệt là dịch vụ 4G LTE cần tăng trưởng tốt hơn  (Ảnh:  M.Quyết)

Đề cập đến kết quả triển khai IPv6 tại Việt Nam, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải đánh giá, kết quả đạt được những năm gần đây là rất đáng khích lệ. Đối với cung cấp dịch vụ IPv6 băng rộng cố định (FTTH), FPT Telecom, VNPT là 2 doanh  nghiệp tiêu biểu, trong đó FPT Telecom đã có hơn 1,5 triệu khách hàng, VNPT cũng đã có hơn 1 triệu khách hàng. Mảng dịch vụ nội dung cũng có nhiều khởi sắc, với kết quả triển khai thành công chuyển đổi hoạt động với IPv6 của Báo điện tử VnExpress và sự gia tăng vượt bậc về số lượng website tên miền “.VN” hoạt động với IPv6.  “Tuy nhiên, để tiếp tục thúc đẩy toàn diện hoạt động IPv6 trên mạng Internet Việt Nam, việc ứng dụng IPv6 trong dịch vụ nội dung, đặc biệt là dịch vụ 4G LTE cần tăng trưởng tốt hơn”, Thứ trưởng nói.

Trong Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6, giai đoạn 3 (từ năm 2016-2019) là giai đoạn chính thức chuyển đổi các dịch vụ sang hoạt động với nền tảng IPv6, đây là giai đoạn quan trọng, thúc đẩy việc triển khai IPv6 đến từng đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp CNTT trong nước; chung tay đưa IPv6 lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng người dùng Internet tại Việt Nam. Thứ trưởng cho hay, để triển khai kế hoạch, trong năm 2018, Ban công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như: xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách; thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức; tư vấn đào tạo, hợp tác quốc tế; phát triển cơ sở hạ tầng, cung cấp dịch vụ trên nền IPv6.

Thứ trưởng bày tỏ sự tin tưởng rằng hội thảo Ngày IPv6 Việt Nam 2018 chủ đề “IPv6 với 4G LTE và Dịch vụ Nội dung” sẽ là cuộc trao đổi cởi mở giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp viễn thông, CNTT, các doanh nghiệp nội dung số để cùng nhau thảo luận, đóng góp ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm nhằm thúc đẩy sự phát triển của IPv6 tại Việt Nam trong thời gian tới.

Theo thông tin từ Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) - cơ quan thường trực Ban công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia, cũng nằm trong chuỗi sự kiện Ngày IPv6 Việt Nam 2018, Ban Công tác dự kiến sẽ tổ chức chương trình tập huấn và hội thảo về triển khai IPv6 dành cho khối cơ quan nhà nước trong thời gian từ ngày 9-11/5/2018  tại TP.HCM, với mục tiêu cung cấp các kiến thức cơ bản, các tình huống chọn lọc đã được triển khai, áp dụng thành công trên thực tế trong quy hoạch, triển khai hệ thống mạng, dịch vụ hoàn chỉnh trên nền tảng công nghệ IPv6.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận