Zeng Yuqun: Vị vua không ngai của ngành sản xuất pin điện Trung Quốc

Zeng Yuqun: Vị vua không ngai của ngành sản xuất pin điện Trung Quốc

Theo bảng xếp hạng tỷ phú xanh do Bloomberg bình chọn, tỷ phú 54 tuổi này chỉ xếp sau Elon Musk và đứng thứ 29 trong danh sách những người giàu nhất hành tinh năm 2022 của tạp chí Forbes. CEO Tesla có thể xuất hiện trên mặt báo nhiều hơn, nhưng về mặt “quyền lực” trong ngành, khó ai có thể sánh với tỷ phú người Trung Quốc.

CATL, gã khổng lồ sản xuất pin trụ sở tại thành phố ven biển Ninh Đức đang chiếm hơn 30% thị phần pin xe điện toàn thế giới. Khách hàng của công ty gồm nhiều thương hiệu nổi tiếng ngành xe hơi như Tesla, BMW hay Kia.

Zeng được nhiều người mô tả là một người hiểu biết, bộc trực và có phần thô ráp. Dưới sự dẫn dắt của ông, CATL có vốn hoá lên tới 1,2 ngàn tỷ NDT (179 tỷ USD), nhiều hơn cả General Motors và Ford cộng lại.

Với việc nắm cổ phần lớn trong nhiều dự án khai thác mỏ ở Trung Quốc, CHDC Congo và Indonesia, CATL có khả năng chi phối giá nguyên liệu thô đầu vào. Đặc biệt, trong bối cảnh chuỗi cung ứng pin toàn cầu căng thẳng, sức mạnh của công ty càng được phô diễn khi khách hàng phải xếp hàng dài để ký hợp đồng.

“Họ đang chi phối luật chơi. CATL thúc ép khách hàng ký kết hợp đồng dài hạn, lên tới 5 năm nhưng không sẵn lòng tuỳ chỉnh pin theo yêu cầu của các nhà sản xuất ô tô khác nhau”, Mark Greeven, giáo sư tại Trường Kinh doanh IMD ở Lausanne, Thuỵ Sĩ cho biết.

Zeng Yuqun: Vị vua không ngai của ngành sản xuất pin điện Trung Quốc

Kẻ thức thời là trang tuấn kiệt

Cơ duyên đưa Zeng đến với sản xuất pin xe điện đến từ năm 2010, sau cuộc gặp với Herbert Diess, giám đốc mua sắm của BMW tại thời điểm đó. Diess khi đó đang thực hiện “một sứ mệnh quốc tế”, nhằm thuyết phục các công ty sản xuất pin điện thoại chuyển hướng sang cung ứng cho xe hơi.

Ban đầu Zeng cho rằng việc chế tạo những viên pin khổng lồ dành cho xe hơi là điều không thể, nhưng ông nhanh chóng nhận ra tiềm năng của lĩnh vực này. Năm 2011, Zeng cùng một nhóm nhà đầu tư Trung Quốc mua lại 85% cổ phần mảng kinh doanh pin EV của tập đoàn điện tử Nhật Bản TDK mà họ gọi là CATL. BMW trở thành khách hàng quan trọng đầu tiên của công ty.

Đi lên quản lý từ vị trí kỹ sư chuyên môn, Zeng nổi tiếng là người chú ý tới từng chi tiết kỹ thuật nhỏ nhất. Khi BMW ký hợp đồng với CATL, Zeng tự mình soi kỹ từng dòng trong 800 trang yêu cầu kỹ thuật. Với sự đam mê và hiểu biết về công nghệ chế tạo pin, Zeng tạo ra vật liệu cực âm NMC (Lithium kết hợp Niken, Mangan và Coban), có ưu thế vượt trội để sử dụng cho xe hơi so với công nghệ pin Lithium iron phosphate.

Chưa dừng lại, Zeng cũng đã gặp thời với công nghệ NMC khi chính phủ Trung Quốc đưa ra kế hoạch “Made in China 2025” vào năm 2015, trong đó xe điện là lĩnh vực được ưu tiên trợ cấp. Pin NMC có tầm hoạt động xa hơn nên đã nhận được nhiều hỗ trợ hơn.

Cùng với đó, người tiêu dùng được giảm thuế khi lựa chọn xe điện thay vì động cơ đốt trong, nếu các tấm pin được sản xuất ở trong nước. Điều đó thúc đẩy nhu cầu với pin CATL không chỉ giữa các nhà sản xuất xe điện nội địa mà còn giữa các hãng xe quốc tế muốn nhảy vào thị trường tỷ dân.

Zeng nhanh chóng huy động những khoản tài chính khổng lồ đầu tư vào chuỗi cung ứng cũng như công tác R&D, từ đó nắm chặt toàn bộ quá trình từ khai thác nguyên liệu thô cho tới sản xuất, thậm chí khâu tái chế sản phẩm. Dữ liệu từ Wood Mackenzie cho thấy từ năm 2015 đến năm 2017, CATL đã huy động được hơn 2 tỷ USD vốn cổ phần, trước khi IPO vào tháng 6/2018.

Đỉnh cao gần với vực sâu

Zeng luôn tránh xa ánh đèn sân khấu và hiếm khi trả lời phỏng vấn. Người trong cuộc tin rằng ông đang hoạt động trong môi trường mà sự nổi tiếng có thể là cản trở thay vì giúp ích cho công việc kinh doanh.

“Ở phương Tây, phong cách lãnh đạo dựa trên cá tính nhìn chung được coi trọng, khuyến khích và tôn vinh. Nhưng điều đó ở Trung Quốc lại rất nguy hiểm”, Bill Russo, cựu giám đốc kinh doanh khu vực của hãng xe Chrysler, hiện là giám đốc công ty tư vấn Automobility trụ sở Thượng Hải cho biết. “Không ai có quyền lớn hơn Bắc Kinh”.

Trái ngược với sự đi lên nhanh chóng của Zeng, nhiều tỷ phú công nghệ Trung Quốc đã bị chính phủ “dạy cho bài học” vài năm trở lại đây. Điển hình nhất là tấm gương của Jack Ma, CEO tập đoàn Alibaba vẫn còn đó. Tỷ phú họ Mã đã ngã ngựa ngay sau bài phát biểu công khai chỉ trích cơ quan chức năng chậm đổi mới. Thương vụ IPO kỷ lục của Alibaba cũng bị huỷ bỏ kèm án phạt chống độc quyền lên tới 2,7 tỷ USD. Theo Bloomberg, tài sản của Jack Ma đã bay hơi hơn 10 tỷ USD kể từ khi bị chính phủ “sờ gáy”.

Thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trong xã hội là một trong những mục tiêu chủ chốt của Trung Quốc do đích thân Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra. Do vậy, danh hiệu “tỷ phú của các tỷ phú lĩnh vực xe điện” có thể sẽ đưa Zeng lọt vào tầm ngắm của chính quyền nếu không khôn khéo cân bằng mối quan hệ với chính phủ và hình ảnh với công chúng.

Thứ đến, các nhà sản xuất xe hơi cũng đang lo ngại về sức mạnh chi phối của CATL với lĩnh vực xe điện. Thiếu hụt nguồn cung bán dẫn toàn cầu khiến các hãng xe hơi nhận thức rõ ràng hơn về nút thắt trong chuỗi cung ứng. Họ buộc phải đa dạng nguồn cung thông qua tìm kiếm các nguồn pin thay thế khác.

Điều đó thúc đẩy các hãng xe ký hợp đồng với các đối thủ của CATL hoặc tự xây dựng các nhà máy sản xuất pin riêng, xu hướng khiến các nhà đầu tư của Zeng rất quan ngại.

Mặc dù vậy, thoát khỏi sự phụ thuộc vào CATL là một hành trình không dễ dàng. Việc chế tạo những thỏi pin chất lượng cao với một chi phí đủ thấp sẽ rất khó khăn, đặc biệt nếu không có quy mô và công nghệ của CATL.

Vinh Ngô

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận