Ăn thịt chó - tập tục gây tranh cãi trong lịch sử

Ăn thịt chó - tập tục gây tranh cãi trong lịch sử

Thịt chó là vấn đề phức tạp không chỉ khiến nhiều châu Á loay hoay tìm hướng giải quyết mà còn thu hút sự quan tâm của quốc tế.

Trước 2018, chính phủ Hàn Quốc đã yêu cầu 12 nhà hàng chuyên bán thịt chó ở khu Pyeongchang ngừng kinh doanh món ăn này trong suốt sự kiện. Yêu cầu đi kèm với tiền trợ cấp khiến đề nghị trở nên dễ tiếp nhận hơn, theo National Geographic.

Nhưng hầu hết các nhà hàng không ngừng kinh doanh và viện cớ do nhu cầu của khách hàng. Điều này làm dấy lên làn sóng chỉ trích từ một số du khách quốc tế tới dự thế vận hội, châm ngòi cho cuộc tranh cãi về vấn đề ăn thịt chó.

Ăn thịt chó có hợp pháp ở Hàn Quốc?

Không có quy định pháp lý nào về việc mua bán thịt chó ở Hàn Quốc, dù loại thịt này được chính thức phân loại là "ghê tởm" cùng với thịt rắn. Theo một hãng tin quốc tế, người Hàn Quốc ngày càng xem chó như thú cưng, do đó truyền thống ăn thịt chó đang suy giảm và trong nhiều trường hợp trở thành điều cấm kỵ, đặc biệt đối với thế hệ trẻ.

Người Hàn Quốc giết ước tính hai triệu con chó mỗi năm để lấy thịt, tiêu thụ 100.000 tấn thịt chó, theo Viện phúc lợi động vật ở Washington, D.C, Mỹ. Tổ chức nhân đạo quốc tế ước tính 30 triệu con chó bị giết làm thức ăn trên khắp thế giới. Ở nhiều nơi thuộc Đông Á, tập tục này diễn ra phổ biến trong suốt nhiều thế kỷ.

Ăn thịt chó có hợp pháp ở các nước khác?

Đài Loan là nơi đầu tiên ở châu Á cấm mua bán hoặc tiêu thụ thịt chó và thịt mèo. Chính phủ Đài Loan cấm giết mổ chó mèo và kinh doanh thịt vào năm 1998. Nhưng sau đó, việc mua bán chui phát triển mạnh. Vào tháng 4/2017, Đài Loan thông qua quy định chặt hơn về mức phạt đối với những đối tượng bị bắt quả tang tiêu thụ thịt chó mèo, lên tới 8.500 USD. Đài Loan cũng tăng mức phạt đối với tội cố ý gây thương tích cho chó mèo, bao gồm khoản tiền phạt 65.000 USD và hai năm tù giam.

Nhưng trên toàn thế giới, vẫn còn nhiều nơi chưa có quy định rõ ràng về giết mổ thịt chó. Ngay cả ở những nước nghiêm cấm hoạt động này, việc mua bán, tiêu thụ thịt chó vẫn xảy ra rộng rãi và không bị phạt tội. "Những quốc gia cho phép ăn thịt chó là Indonesia, Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Campuchia, Lào và Philippines, riêng Philippines chỉ giới hạn trong các lễ hội tôn giáo", Jill Robinson, nhà sáng lập kiêm chủ tịch tổ chức bảo vệ động vật Animals Asia Foundation, cho biết.

Ăn thịt chó - tập tục gây tranh cãi trong lịch sử
Một con chó bị nhốt trong lồng chờ thịt ở lễ hội thường niên tại Ngọc Lâm, Trung Quốc. .

Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu tập tục ăn thịt chó không còn thịnh hành. Một cuộc thăm dò ý kiến vào năm 2016 ở Trung Quốc ước tính gần 70% người dân nước này chưa bao giờ thử ăn thịt chó. Cuộc thăm dò ý kiến năm 2014 ở Hàn Quốc cho thấy đại đa số người dân hiếm khi ăn thịt chó. Phần lớn người Hàn Quốc trẻ tuổi từng ăn thịt chó cho biết họ chấp nhận ăn do chịu sức ép từ những thế hệ lớn hơn trong gia đình.

Có phải ăn thịt chó chỉ diễn ra ở châu Á?

Mọi người ăn thịt chó trên khắp thế giới. Theo những bằng chứng khảo cổ, một số bộ lạc bản xứ ở châu Mỹ ăn thịt chó từ hàng nghìn năm trước khi Columbus đặt chân đến Thế giới mới. Ví dụ, năm 2011, một nghiên cứu khoa học mô tả chiếc xương chó có niên đại hơn 9.200 năm tìm thấy trong phân người được bảo quản ở tây nam Texas.

Trong khi hầu hết người dân phương Tây ngừng ăn thịt chó cách đây nhiều thế kỷ, tình cảnh khốn cùng thường thúc đẩy những nhà thám hiểm như Roald Amundsen và đoàn của ông ăn thịt vài con chó. Năm 1912, khi đoàn thám hiểm đến Nam cực trong tình trạng kiệt sức và đói rét, họ nhớ tới cậu chuyện thợ săn ở Greenland ăn chó kéo xe vào mùa đông và làm theo. Amundsen sau đó nhận xét thịt chó rất ngon.

Ở Mỹ, giết và ăn thịt chó vẫn hợp pháp ở phần lớn các bang, dù rất khó xác định ngày nay tập tục này có diễn ra thường xuyên không, do chó là vật nuôi rất được yêu quý và ăn thịt chó là điều cấm kỵ trong xã hội Mỹ. Chính phủ Mỹ cấm các lò mổ bán thịt chó để kinh doanh, nhưng người dân có thể đặt loại thịt này để sử dụng cho mục đích riêng ở 44 bang.

Ăn thịt chó có phải tập tục văn hóa?

Trong khi một số người Mỹ bản xứ ăn thịt chó, những người khác coi đó là điều đại kỵ. Vài bộ lạc ăn thịt chó vì mục đích linh thiêng. George Catlin, họa sĩ ở thế kỷ 19, từng vẽ tranh mô tả trải nghiệm tham gia nghi thức hữu nghị của người da đỏ Sioux, trong đó phục vụ món ăn đặc biệt là thịt chó. Nghi thức nhằm kỷ niệm quan hệ gắn kết giữa các thành viên trong bộ lạc thông qua hy sinh con chó trung thành nhất của họ.

Ở các nước châu Á, đặc biệt là Đông Nam Án, thịt chó vẫn là thị trường kinh doanh phát đạt và nhiều người cho rằng món ăn thuộc về truyền thống văn hóa. Một số người tin rằng thịt chó có thể chữa nhiều bệnh hoặc bồi bổ khí huyết. Những người khác xem chó như một nguồn chất đạm giá rẻ.

Ở Indonesia, ngành kinh doanh thịt chó phần lớn diễn ra âm thầm trong khi chính phủ không kiểm soát hoạt động này. Nhưng giới chuyên gia nhận định ngành kinh doanh này đang ngày càng phát triển. Thịt chó thường rẻ hơn thịt bò hoặc gà, do đó dễ tiếp cận hơn đối với người dân.

Ở Trung Quốc, hứng thú đối với thịt chó có thể đang suy giảm dần và ngày càng nhiều người bắt đầu nuôi chó như thú cưng. Tuy nhiên, có khoảng 10 triệu con chó bị giết mổ tại Trung Quốc mỗi năm, đặc biệt trong những tháng mùa đông lạnh, khi thịt chó được cho là có tác dụng làm ấm cơ thể.

Nỗ lực chấm dứt tập tục ăn thịt chó

Cộng đồng quốc tế đã gây sức ép nhằm chấm dứt kinh doanh thịt chó liên tục trong nhiều thập kỷ, Robinson cho biết. Nhưng sự thay đổi trong xã hội các nước châu Á mới diễn ra gần đây. "Mãi cho tới 10 - 15 năm trước, những tổ chức địa phương mới lên tiếng về vấn đề ăn thịt chó ở chính đất nước họ", Robinson nói.

Ví dụ, Animals Asia đã hợp tác với chính quyền địa phương ở Trung Quốc nhằm chứng minh chó dùng để bán lấy thịt thường có nguyên gốc bất hợp pháp, bởi không có trang trại chó quy mô lớn trong nước hiện nay. "Gần 100% chó hiện nay là trộm trên đường phố và từ nhà dân, thay vì mua bán ở trang trại chó như trong quá khứ", Robinson nhấn mạnh.

Chính phủ Trung Quốc cũng ngày càng tin tưởng việc vận chuyển chó qua các tỉnh thành có thể là mầm mống bệnh dịch và vi khuẩn. "Ở đây còn có yếu tố xã hội. Những kẻ trộm chó đang gây ra mối bất hòa khi trộm cắp tài sản cá nhân của người dân", Robinson cho biết.

Lễ hội thịt chó nổi tiếng ở Trung Quốc

Lễ hội vải và thịt chó ở Ngọc Lâm, Quảng Tây, Trung Quốc là lễ hội thường niên ra đời năm 2010. Thu hút sự quan tâm của báo chí trên khắp thế giới, lễ hội này được nhiều người biết tới do giết mổ hàng nghìn con chó mỗi năm. Năm 2017, chính quyền thành phố Ngọc Lâm cân nhắc cấm buôn bán thịt chó ở lễ hội sau khi gặp phải nhiều chỉ trích từ cộng đồng quốc tế. Nhưng những người bán thịt chó gây sức ép với nhà chức trách và lễ hội vẫn diễn ra như thường lệ.

Hàng triệu người đã ký đơn yêu cầu kết thúc sự kiện. Tuy nhiên, vẫn có những người bảo vệ lễ hội vải và thịt chó Ngọc Lâm dựa trên nền tảng kinh tế và văn hóa.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận