Đây là lý do vì sao Phần Lan có nền giáo dục tốt nhất thế giới

Đây là lý do vì sao Phần Lan có nền giáo dục tốt nhất thế giới

Phần Lan là một quốc gia sáng tạo khi xét về nền giáo dục. Phần Lan liên tục là một trong những nước phát triển đạt kết quả tốt nhất theo Chương trình Đánh giá sinh viên quốc tế , một công cụ quan trọng để đánh giá các hệ thống giáo dục trên toàn cầu.

Trang Business Insider đã phân tích một số cách làm khác biệt – và tốt hơn so với Mỹ – mà Phần Lan đã thực hiện đối với nền giáo dục của mình.

Chỉ có 1 bài kiểm tra

Học sinh Phần Lan chỉ làm một bài kiểm tra chuẩn trong suốt cả kỳ học tiểu học và trung học. Ngược lại, ở Mỹ, nhà trường yêu cầu các học sinh từ lớp 3 đến lớp 8 phải trải qua các kỳ thi hằng năm để theo dõi tình hình học tập của các em. Các nhà phê bình cho rằng những kỳ kiểm tra liên tục không giúp học sinh thông minh hơn, thay vào đó lại tạo ra một môi trường "dạy chỉ để thi" tại các trường học.

Học sinh Phần Lan chỉ làm một bài kiểm tra chuẩn trong suốt cả kỳ học tiểu học và trung học.
Học sinh Phần Lan chỉ làm một bài kiểm tra chuẩn trong suốt cả kỳ học tiểu học và trung học.

Karen Magee, chủ tịch liên hiệp các giáo viên lớn nhất tại Mỹ, gần đây đã lên tiếng thúc giục các bậc phụ huynh tẩy chay các bài kiểm tra.

Bài kiểm tra của Phần Lan, gọi là Kỳ thi tuyển sinh quốc gia, được thực hiện vào cuối lớp học ở trường trung học và do các giáo viên tiến hành chấm điểm, chứ không phải máy tính. Giáo sư Pasi Sahlberg, cựu bộ trưởng của Bộ Giáo dục Phần Lan giải thích, kỳ thi cũng không né tránh các chủ đề phức tạp hay gây tranh cãi. Sau đây là một số dạng câu hỏi trong kỳ thi này:

Sahlberg cho biết: "Các học sinh thường được yêu cầu thể hiện năng lực của họ để giải quyết các vấn đề liên quan đến sự phát triển, tiến hóa, mất việc, ăn kiêng, các vấn đề chính trị, bạo lực, chiến tranh, đạo đức trong thể thao, thực phẩm, tình dục, thuốc và âm nhạc. Những vấn đề đó trải rộng qua nhiều lĩnh vực, chủ đề và thường yêu cầu học sinh phải có nhiều kỹ năng và kiến thức".

Dành nhiều thời gian hơn để chơi

Theo Tổ chức Phát triển và hợp tác kinh tế (OECD), học sinh ở Phần Lan dành tương đối ít thời gian để làm bài tập về nhà. Một nghiên cứu năm 2014 về các học sinh 15 tuổi trên toàn thế giới do OECD thực hiện cho thấy, trung bình các học sinh Phần Lan dành 2,8 giờ mỗi tuần để làm bài tập về nhà. Điều này trái ngược hẳn với học sinh Mỹ khi dành 6,1 giờ/ tuần để học ở nhà.

Luật pháp Phần Lan quy định cứ mỗi 45 phút giảng dạy, các học sinh phải có 15 phút để chơi, thư giãn. Trong khi tại Mỹ, trẻ chỉ có chưa đến nửa giờ mỗi ngày để chơi tại lớp. Theo giáo sư nghiên cứu và là nhà tâm lý học Peter Gray, việc "thâm hụt thời gian chơi" của học sinh Mỹ có thể dẫn đến các vấn đề lo lắng và ảnh hưởng sức khỏe tinh thần.

Luật pháp Phần Lan quy định cứ mỗi 45 phút giảng dạy, các học sinh phải có 15 phút để chơi, thư giãn, và so sánh với Mỹ.
Luật pháp Phần Lan quy định cứ mỗi 45 phút giảng dạy, các học sinh phải có 15 phút để chơi, thư giãn, và so sánh với Mỹ.

Học đại học miễn phí

Tại Phần Lan, không chỉ học cử nhân được hoàn toàn miễn phí, mà học thạc sỹ và tiến sỹ cũng là những chương trình học miễn phí. Các sinh viên có thể theo đuổi mục tiêu học tập cao hơn mà không phải gánh những núi nợ trên vai như nhiều sinh viên Mỹ đang đối mặt. Mọi học sinh đều được học miễn phí sau khi được chấp nhận vào học một chương trình đại học ở Phần Lan.

Giáo viên là nghề cao quý nhất

Tại Phần Lan, dạy học là một trong những nghề cao quý nhất với các điều kiện đầu vào tương đối cao. Theo Trung tâm Center on International Education Benchmarking (CIEB), chỉ 1/10 các sinh viên nộp đơn vào chương trình đào tạo giáo viên được chấp nhận.

Các giáo viên ở Phần Lan được đối xử như các giáo sư ở trường đại học, mỗi ngày số giờ dạy của họ ít hơn so với các giáo viên Mỹ, và dành nhiều thời gian hơn để soạn bài, lên kế hoạch cho các bài học.

Giáo viên ở Phần Lan có thu nhập cao hơn một chút so với các giáo viên ở Mỹ. Giáo viên Mỹ có thu nhập 41.000 USD/năm còn ở Phần Lan là 43.000 USD/năm, theo số liệu của OECD.

Số giờ dạy của các giáo viên trên các nước theo số liệu năm 2012 của OECD.
Số giờ dạy của các giáo viên trên các nước theo số liệu năm 2012 của OECD.

Và dù giáo viên ở Mỹ thu nhập ít hơn so với các nước khác, song OECD nhận ra họ làm việc nhiều giờ nhất.

Theo Business Insider, thật dễ hiểu tại sao các giáo viên Mỹ – những người phải làm việc nhiều và nhận được sự tôn trọng tương đối ít – lại không hiệu quả như các giáo viên ở Phần Lan.

Tiệc qua đêm ở trường

Thỉnh thoảng những đứa trẻ Phần Lan mang theo túi ngủ và ở lại trường vào ban đêm với thầy cô giáo. Các em xem phim, chơi đùa, ngủ trong phòng tập thể dục và cùng ăn kem vào bữa sáng hôm sau.

Tự chọn đồ ăn trưa

Học sinh Phần Lan tự chọn món cho bữa trưa.
Học sinh Phần Lan tự chọn món cho bữa trưa.

Thức ăn ở trường học Phần Lan rất phong phú và được cung cấp miễn phí. Thực đơn được thông báo từ trước một tháng trên website nhà trường, học sinh có thể ghé thăm và chọn trước món mình thích. Trường cũng chuẩn bị đồ ăn theo chế độ ăn uống đặc biệt, chẳng hạn thực đơn ăn chay.

Chất lượng các trường đồng đều

Bạn không cần thiết phải chọn trường để học ở Phần Lan. Mọi người đều đăng ký vào trường gần nhất vì không có khái niệm "trường chọn". Dù sống ở đâu, bạn cũng có thể học cùng giáo viên giỏi, sử dụng cơ sở vật chất tốt và được phục vụ bữa trưa chất lượng cao.

Học sinh chỉ được dạy những thứ cần thiết trong cuộc sống

Trong các buổi học bơi, học sinh được dạy cách phát hiện dấu hiệu của một người bị đuối nước. Khi học về quản lý nhà cửa, các em được trang bị kỹ năng nấu nướng, đan móc và khâu vá. Học sinh Phần Lan có thể dễ dàng tạo website. Thiên nhiên cũng là mảng nội dung được các nhà giáo dục quan tâm.

Điều quan trọng ở đây là chuẩn bị khả năng thích nghi đối với thế giới liên tục thay đổi. Học thuộc lòng hoàn toàn không cần thiết vì các em đã có sự hỗ trợ của Internet.

Những chú chó trong thư viện

Chú chó lắng nghe trẻ đọc sách.
Chú chó lắng nghe trẻ đọc sách.

Để truyền đam mê đọc sách cho trẻ, nhiều thư viện ở Phần Lan có những chú chó được huấn luyện để lắng nghe học sinh đọc sách hoặc kể chuyện.

Một số trường không dạy theo môn học

Một trong những hướng đi mới của hệ thống giáo dục Phần Lan là giảng dạy dựa trên sự kiện, hiện tượng. Thay vì cơ cấu thành từng bài giảng, giáo viên cho phép học sinh dùng 6 tuần để nghiên cứu về một chủ đề từ nhiều góc độ.

Chẳng hạn, chủ đề về dân nhập cư có thể được khám phá từ địa lý (họ đến từ đâu), lịch sử (điều gì đã xảy ra trước đó) và văn hóa (những truyền thống của họ). Học sinh tự đặt ra câu hỏi và tự tìm câu trả lời.

Bài tập về nhà rất ít

Học sinh nên nghỉ ngơi và dành thời gian cho gia đình thay vì làm bài tập. Do đó, bài tập về nhà của học sinh Phần Lan chiếm rất ít thời gian và thường rất thú vị. Chẳng hạn, đối với bài học lịch sử, học sinh có thể được yêu cầu hỏi ông bà xem cuộc sống những năm 1950 khác gì so với ngày nay.

Ngồi lên ghế sofa hoặc nằm lên thảm trong tiết học

Chỗ ngồi học của các em rất thoải mái.
Chỗ ngồi học của các em rất thoải mái.

Học sinh không bị buộc phải ngồi ngay ngắn tại bàn học. Trong giờ, các em thoải mái thư giãn ở vị trí yêu thích. Nếu trời ấm, các bài học có thể diễn ra trên bãi cỏ gần trường.

Học sinh có thể mặc pyjamas (đồ ngủ) tới lớp

Các trường học không quy định đồng phục, học sinh có thể mặc tùy ý. Bạn có thể dễ dàng nhìn thấy các em đi tất trong lớp, không cần giày.

Lớp 3 mới bắt đầu chấm điểm

10 là số điểm cao nhất trong hệ thống giáo dục Phần Lan. Tuy nhiên, trước năm lớp 3, học sinh không bị chấm điểm. Từ lớp 3 đến lớp 7, chỉ có những điểm bắt đầu từ "có thể làm tốt hơn" đến "hoàn hảo".

Mỗi học sinh biết điểm của riêng mình, không bị la mắng về điểm số, thay vào đó được tạo động lực để hoàn thiện tri thức và cải thiện kế hoạch học tập.

Mỗi học sinh có phương pháp tiếp cận riêng

Học sinh Phần Lan được giao nhiệm vụ khác nhau tùy vào khả năng. Nếu ai không làm được nhiệm vụ nhất định, giáo viên sẽ lên bài giảng riêng cho học sinh đó.

Hơn nữa, học sinh được chọn hoạt động hữu ích đối với mình. Chẳng hạn, nếu bài học không gây hứng thú, các em có thể đọc sách hoặc may vá.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận