Formosa nhận lỗi làm cá chết, bồi thường 500 triệu USD

Formosa nhận lỗi làm cá chết, bồi thường 500 triệu USD

Chiều 30/6, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo công bố nguyên nhân và thủ phạm gây ra sự cố môi trường đặc biệt nghiêm trọng làm hải sản chết tại các tỉnh miền Trung vừa qua.

Khác với những buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, cuộc họp hôm nay có sự góp mặt của báo chí quốc tế. Hai bên bàn chủ tọa đã chuẩn bị sẵn hai màn hình máy chiếu lớn. Dù 17h cuộc họp mới bắt đầu nhưng trước đó 45 phút báo chí đã có mặt đông đảo. Nhiều máy quay và hàng trăm phóng viên đã ngồi kín phòng, sẵn sàng tác nghiệp.

Formosa nhận lỗi làm cá chết, bồi thường 500 triệu USD

Quang cảnh buổi họp báo chiều 30/6

Mở đầu cuộc họp báo, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông tin tới phóng viên ở trong và ngoài nước về "sự cố bất thường" gây chết hải sản tại 4 tỉnh ven biển miền Trung của Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Dũng, đây là sự cố môi trường nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đời sống người dân và an ninh trật tự xã hội. Ngay sau khi có thông tin về sự cố, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã trực tiếp chỉ đạo và triển khai kịp thời các biện pháp; đồng thời chỉ đạo giữ vững an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội, bước đầu xác định thiệt hại môi trường, kinh tế - xã hội.

Formosa nhận lỗi làm cá chết, bồi thường 500 triệu USD

Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

Đến nay, Chính phủ đã huy động trên 130 nhà khoa học trong và nước, thu thập dữ liệu, có sự phản biện của các chuyên gia quốc tế và xác định có nguồn thải từ khu vực Vũng Áng.

"Cơ quan chức năng đã xác định Công ty gang thép Formosa có xả thải ra môi trường các chất có độc tố phenol, xianua, hydro ôxit sắt. Qua tham vấn quốc tế, các nhà khoa học kết luận trong quá trình thi công vận hành thử nghiệm tổ hợp Formosa là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng làm hải sản chết bất thường", Bộ trưởng Dũng nhận định.

Với những chứng cứ khách quan, khoa học, Bộ Tài nguyên - Môi trường đã phối hợp với các bộ ngành khác và tỉnh thành khác, nhiều lần làm việc với tập đoàn Formosa the one và Công ty Formosa Hà Tĩnh.

Ngày 28/6/2016, Công ty Formosa Hà Tĩnh đã nhận trách nhiệm về việc gây ra sự cố môi trường, làm hải sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế trong thời gian vừa qua; đồng thời cam kết 5 điểm:

1. Công khai xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam vì để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng;

2. Thực hiện việc bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp; bồi thường xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung của Việt Nam với tổng số tiền tương đương trên 11.500 tỷ đồng (500 triệu USD);

3. Khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế của hệ thống xử lý chất thải, nước thải, hoàn thiện công nghệ sản xuất, đảm bảo xử lý triệt để các chất thải độc hại trước khi thải ra môi trường theo yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước của Trung ương và tỉnh Hà Tĩnh để không tái diễn sự cố môi trường như đã xảy ra;

4. Phối hợp với các Bộ, ngành của Việt Nam và các tỉnh miền Trung xây dựng các giải pháp đồng bộ để kiểm soát môi trường biển miền Trung  bảo đảm phòng, chống ô nhiễm, không để xảy ra sự cố môi trường tương tự để tạo niềm tin với người dân Việt Nam và quốc tế;

5. Thực hiện đúng và đầy đủ các cam kết nói trên, không để tái diễn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước; nếu vi phạm thì sẽ chịu các chế tài theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Formosa nhận lỗi làm cá chết, bồi thường 500 triệu USD

Sau gần 3 tháng, nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung đã được công bố.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, sự cố môi trường vừa qua đã ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh của người dân tại 4 tỉnh miền Trung. Thủ tướng yêu cầu thực hiện ngay công tác bồi thường thiệt hại, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho người dân, tinh thần công khai, minh bạch, sát thực tế với sự tham gia của người dân, Mặt trận tổ quốc, yêu cầu Formosa Hà Tĩnh thực hiện đầy đủ, trách nhiệm 5 cam kết, triển khai lắp đặt hệ thống xử lý nước thải tại miền Trung, tăng cường giữ gìn an ninh trật tự, không để các kẻ xấu lợi dụng; xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật những tổ chức, cá nhân sai phạm liên quan tới sự cố môi trường vừa qua.

"Đây là bài học cho các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư phải tuân thủ nghiêm túc quy định pháp luật, trong đó có pháp luật về môi trường", Bộ trưởng Dũng kết thúc phần trình bày.

Ngay sau đó Chính phủ chiếu clip lời xin lỗi của Formosa. Trong clip, ông Trần Nguyên Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã gửi lời xin lỗi về việc xả thải của công ty đã gây ra hiện tượng ô nhiễm môi trường, khiến thuỷ hải sản chết hàng loạt dọc bờ biển 4 tỉnh miền Trung thời gian qua: "Chúng tôi xin cam kết thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại, khôi phục lại môi trường biển, cam kết thực hiện các nghĩa vụ đã nêu, xây dựng các giải pháp đồng bộ để kiểm soát môi trường biển miền Trung, để tạo niềm tin với người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế, cam kết không tái diễn các hành vi vi phạm pháp luật môi trường của Việt Nam". Kết thúc clip, ban lãnh đạo Formosa Hà Tĩnh cúi đầu nhận lỗi với nhân dân Việt Nam.

Formosa nhận lỗi làm cá chết, bồi thường 500 triệu USD

Hình ảnh từ clip Formosa Hà Tĩnh xin lỗi về sự cố môi trường trong thời gian qua

Trả lời báo chí về quá trình xác định nguyên nhân cá chết, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết vùng xảy ra hiện tượng ô nhiễm cũng rất rộng nên cần xem xét một cách cẩn trọng, tỉ mỉ, đảm bảo đúng, đủ chứng cứ. "Chính phủ đã huy động hơn 100 nhà khoa học ở các lĩnh vực tham gia, xem xét đánh giá các mẫu vật từ cá, từ đáy biển, nước biển, rặng san hô… Nhiều nhà khoa học đã phải xuống biển để lần ngược theo các dấu vết để lại. Đây là công việc rất vất vả, thậm chí là nguy hiểm. Có rất nhiều thí nghiệm phải thực hiện, trong đó có những thí nghiệm tìm kim loại nặng phải vài tuần mới có kết quả, thậm chí phải huy động các phòng thí nghiệm hiện đại ở nước ngoài tham gia. Thủ tướng cũng chỉ đạo các chứng cứ phải khoa học và thuyết phục nên các cơ quan lại phải tổ chức phản biện độc lập, trưng cầu giám định của các cơ quan độc lập nước ngoài. Từ đó đã xác định được hợp chất độc tố có trong nước biển là phenol xianua kết hợp với Hidro ôxit sắt lấy đi toàn bộ ô xi trong nước biển ở những nơi nó đi qua. Dấu vết để lại trên mặt đáy biển", Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ.

Formosa nhận lỗi làm cá chết, bồi thường 500 triệu USD

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Ảnh Zing

Bộ Khoa học & Công nghệ đã loại trừ các nguyên nhân là chất thải từ con người sinh ra, chất sinh học (tức thuỷ triều đỏ, dù các nhà khoa học có ghi nhận hiện tượng đó) và quá trình này mất 2 tháng để thực hiện. Từ đó mới khẳng định được phenol xianua là thủ phạm. Các chứng cứ đưa ra đảm bảo căn cứ mà Fomosa đã phải thừa nhận. "Chúng tôi đã làm cẩn trọng, đúng yêu cầu, chỉ đạo của Thủ tướng, Chính phủ", Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định.

Sau đó, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Trương Minh Tuấn nói thêm về việc sau khi có hiện tượng cá chết, báo chí trong và ngoài nước đã đăng tải thông tin dày đặc về việc này. Không có chuyện Chính phủ che giấu thông tin mà Chính phủ cũng cần nắm thông tin qua báo chí. Tuy nhiên, do những ngày sau đó có quá nhiều nên có định hướng không suy diễn thông tin vì sự điều tra của báo chí không thể tìm ra thủ phạm, không làm thay được việc điều tra của các cơ quan nhà nước.

Theo đại diện Bộ Nông nghiệp, Bộ đã chỉ đạo 3 Viện lấy mẫu giám sát, xác định vùng ảnh hưởng để tham mưu cho Chính phủ. Tại cuộc họp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì tại Hà Tĩnh, Bộ Nông nghiệp đã tham mưu việc khoanh vùng xác định ảnh hưởng là ở 4 tỉnh, tính từ bờ ra ngoài biển 20 hải lý, với những tàu trên 400CV, lấy mẫu mà phát hiện không an toàn thì cần tiêu huỷ ngay. Còn vùng ngoài 20 hải lý được xác định là an toàn, các tàu trên 90CV khai thác về được chứng nhận an toàn ngay khi về bờ. Tuy nhiên, Bộ cũng chỉ đạo lấy mẫu xét nghiệm 2-3 ngày 1 lần để nếu phát hiện dấu hiệu không an toàn sẽ yêu cầu tiêu huỷ ngay.

Với việc thả nuôi hải sản, Bộ thực hiện lấy mẫu nước hàng ngày, nếu thấy an toàn mới thông báo cho địa phương tổ chức lấy nước nhưng phải qua bể lắng. Đến thời điểm này có thể khẳng định nước biển ở 4 tỉnh trên là an toàn nhưng vì chưa hết tồn dư nên tiếp tục phải lấy mẫu thường xuyên để kiểm soát, giúp người dân yên tâm sản xuất.

Vì vậy, theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, để đảm bảo không tái diễn sự cố trong tương lai, tại phiên họp thường kỳ tháng 6 hôm nay, Thủ tướng đã chỉ đạo rà soát tất cả các nguồn xả thải từ hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp.

Trả lời câu hỏi về việc Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp phép xả thải cho Formosa như thế nào, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: "Nguồn nước thải của Formosa gồm: nước thải công nghiệp, nước thải từ sinh hoạt, sinh hoá... Về quy chuẩn, có 2 quy chuẩn 40 - xác định với nước thải công nghiệp, kiểm soát nhiều thông số hơn. Quy chuẩn 52 - tiêu chuẩn đối với ngành gang thép, kiểm soát 12 con số. Toàn bộ lượng nước thải ra, quy chuẩn 52 không thể bao quát được con số nước thải từ cảng. Việc áp dụng quy chuẩn chưa sát tình hình nguồn thải của Formosa. Nguồn cần giám sát chặt chẽ nhất là nguồn nước thải sinh hoá từ các cốc".

Ông Hà cũng cho biết đây là giai đoạn vận hành thử nghiệm nên chưa có cơ quan nhà nước vào giám sát. Đây là lỗ hổng trong giai đoạn thử nghiệm vận hành. Hệ thống giám sát tự động cũng chưa có cơ quan nào vào đánh giá, trong đó có những độc tố nặng. Pháp luật có lỗ hổng trong quá trình giám sát thử nghiệm.

Về vấn đề khởi tố hình sự đối với Formosa Hà Tĩnh, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết Việt Nam đang xây dựng môi trường đầu tư, tạo lập hình ảnh trong thời kỳ hội nhập, được các nhà đầu tư đánh giá cao về ổn định chính trị, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư. Thu hút các nhà đầu tư nước ngoài thành công là thể hiện môi trường đầu tư của Việt Nam. Formosa đã nhận lỗi trước người dân Việt Nam, đưa ra 5 cam kết về bồi thường, hỗ trợ. "Đánh kẻ chạy đi chứ không đánh kẻ chạy lại", Chính phủ có thái độ rõ ràng, đó là xử lý nghiêm minh trường hợp vi phạm pháp luật nhưng cũng có chính sách độ lượng. Nếu các nhà đầu tư cam kết thực hiện đúng pháp luật Việt Nam thì Chính phủ đảm bảo cho hoạt động hiệu quả. Việc đưa vụ án ra khởi tố hay không thì cần cân nhắc. Người dân Việt Nam vốn khoan hồng, độ lượng.

Trả lời bổ sung việc Chính phủ Việt Nam có khởi tố Formosa hay không, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh, việc khởi tố hay không thì cơ quan tố tụng tư pháp sẽ xem xét, Chính phủ không can thiệp. Tất cả mọi quyết định phải được xem xét trên cơ sở luật pháp và lợi ích.

Trước khi họp báo kết thúc, Bộ Trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, để sự cố môi trường không tái diễn, Thủ tướng chỉ đạo rà soát các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường áp dụng cho các doanh nghiệp. Trách nhiệm cán bộ công chức trực tiếp liên quan, dù cấp nào đều chịu trách nhiệm trước pháp luật tùy mức độ liên quan.

G.L

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận