Giải mã máy bay "Ngày tận thế" của Mỹ

Giải mã máy bay "Ngày tận thế" của Mỹ

Quân đội Mỹ có đến hai dòng máy bay “Ngày tận thế” đủ khả năng biến thành bộ chỉ huy quân sự toàn cầu trong trường hợp chiến tranh.

Cơn sốt thông tin về máy bay “Ngày tận thế” của Mỹ bắt đầu sau khi một tài khoản Twitter tên là “CivMilAir”, chuyên theo dõi hoạt động hàng không, đăng tải thông tin cho biết một chiếc Boeing E-4B Nightwatch đã cất cánh, rời sân bay quân sự Wright-Patterson gần Deiton lúc 14 giờ 9 phút ngày 11-4 (theo giờ Mỹ). Tài khoản này cho biết chiếc máy bay “Ngày tận thế” hướng về Springfield, bang Illinois. Theo cổng thông tin của Không quân Vệ binh quốc gia Mỹ (ANG), khu vực này có một sân bay quân sự của ANG nhưng chủ yếu phục vụ sứ mệnh bảo vệ an ninh nội địa. Không loại trừ khả năng chiếc E-4B chỉ thực hiện một nhiệm vụ bảo trì hoặc huấn luyện thường kỳ. Lầu Năm Góc cũng đã từ chối bình luận về hoạt động của chiếc E-4B vừa qua.

Các hoạt động của những chiếc “Ngày tận thế” thường được giữ tuyệt mật. Chẳng hạn, vào tháng 11/2016, một “máy bay lạ” đã bay vờn quanh TP Denver suốt gần một tiếng đồng hồ mà không quan chức địa phương nào được thông báo mục đích. Hoạt động của chiếc máy bay được giữ mật đến mức từ Cơ quan Hàng không liên bang (FAA) đến các bộ chỉ huy (BCH) chuyên trách và sân bay quân sự khi được báo, đài liên hệ đều không thể xác minh thông tin về “máy bay lạ”. Phải một ngày sau khi vụ việc được ghi nhận, hải quân Mỹ mới xác nhận thông tin “máy bay lạ” trên bầu trời Denver là một máy bay “Ngày tận thế” thuộc biên chế của mình.

Air Force One

Một chiếc E-4B Nightwatch của không quân Mỹ
Một chiếc E-4B Nightwatch của không quân Mỹ. (Ảnh: OCC).

Những bộ chỉ huy quân sự trên trời

Theo hãng tin Sputnik, chiếc Boeing E-4B Nightwatch thuộc dự án Trung tâm Chỉ huy quốc gia khẩn cấp trên không (NEACP) của Mỹ. Các máy bay này sẽ được dùng trong trường hợp những bộ chỉ huy (BCH) chính của Mỹ trên đất liền bị vô hiệu hóa, không thể điều phối các hoạt động của quân đội Mỹ trong trường hợp khẩn cấp như chiến tranh hạt nhân. Hiện có sáu chiếc “Ngày tận thế” được đặt trong trạng thái sẵn sàng hoạt động 24/7, có thể đón BCH quân sự Mỹ lên máy bay bất kỳ lúc nào. Trong thời chiến, “đầu não” chỉ huy được cơ cấu lên các chiếc “Ngày tận thế” bao gồm tổng thống Mỹ, bộ trưởng Quốc phòng và các thành viên Bộ tổng tham mưu quân đội Mỹ.

Theo tờ New York Post, một chiếc E-4B Nightwatch được chính phủ Mỹ mua với giá 250 triệu USD và tiêu tốn khoảng 160.000 USD/giờ bay. Các máy bay này có thể bay liên tục trong suốt một tuần nếu được tiếp liệu trên không. Tất cả vật liệu, thiết bị dùng để chế tạo chiếc “Ngày tận thế” đều có khả năng tự bảo vệ trước ảnh hưởng của một vụ nổ hạt nhân. Phi công cũng được huấn luyện thuần thục cách lái máy bay bằng định hướng truyền thống mà không dựa vào các thiết bị kỹ thuật số, loại bỏ nguy cơ bị tấn công mạng.

Phi đội bốn chiếc E-4B đóng tại căn cứ không quân Offutt, Omaha, bang Nebraska. Theo trang The Aviationist, cứ mỗi 12 tiếng đồng hồ sẽ lại có một chiếc E-4B Nightwatch cất cánh và một chiếc khác mở sẵn máy trong tình trạng sẵn sàng cất cánh chỉ năm phút sau khi nhận lệnh. Trong thời gian đó, hai chiếc còn lại sẽ được luân phiên bảo trì. Trong trường hợp khẩn cấp, một chiếc E-4B sẽ được triển khai đến gần phạm vi đón BCH quân sự ngay lập tức. Chẳng hạn trong vụ khủng bố ngày 11-9-2001, ngay sau khi chiếc máy bay đầu tiên lao vào tòa tháp đôi tại New York, một chiếc E-4B Nightwatch đã được nhìn thấy vờn quanh bầu trời Washington, D.C. Theo trang New York Post, mỗi khi tổng thống Mỹ công du nước ngoài bằng chiếc Không lực một, sẽ luôn có một chiếc E-4B Nightwatch tháp tùng hoặc được triển khai đến một căn cứ không quân gần nơi công du.

Bên trong một chiếc E-6B Mercury của hải quân Mỹ
Bên trong một chiếc E-6B Mercury của hải quân Mỹ, có vai trò như một trung tâm chỉ huy quân sự trên không. (Ảnh: NYP).

Lực lượng dự phòng thiện chiến

Không chỉ riêng không quân là có máy bay “Ngày tận thế”, lực lượng hải quân Mỹ cũng được biên chế một phi đội máy bay chỉ huy quân sự khẩn cấp tương tự là Boeing E-6B Mercury. Khẩu hiệu của phi đội này là TAMACO (nắm quyền kiểm soát và di tản), được luân chuyển đóng tại các căn cứ không quân như Tinker ở bang Nevada, Travis ở bang California và Patuxent River ở bang Maryland. Trong trường hợp những chiếc E-4B Nightwatch gặp trục trặc, những người anh em thuộc biên chế hải quân Mỹ sẽ được điều động thay thế.

Mỗi chiếc E-6B Mercury có tầm bay liên tục không ngưng nghỉ là hơn 8.800km và biên chế phi hành đoàn 23 thành viên. Theo trang The Aviationist, hải quân Mỹ có đến 16 chiếc E-6B sẵn sàng hoạt động bất kỳ lúc nào. Những máy bay này cũng là những đầu não quân sự trên không của Mỹ, có thể liên lạc được với tàu ngầm hạt nhân, ra lệnh phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) và đủ công nghệ liên lạc để chỉ huy các chiến dịch quân sự lớn. Những chiếc E-6B Mercury không túc trực toàn bộ tại Mỹ mà đôi lúc còn được điều động đến các khu vực khác trên thế giới, chẳng hạn như chiến trường tại Iraq. Biên tập viên David Cenciotti của trang The Aviationist năm 2011 từng tiết lộ: Trong suốt thời gian các biệt kích SEAL của Mỹ thực hiện chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden, một chiếc E-6B Mercury của hải quân Mỹ đã bay vòng quanh nước Anh gần tám tiếng đồng hồ. Các dữ liệu hàng không cũng cho thấy chiếc E-6B này đã thực hiện nhiều chuyến diễn tập trong vài ngày trước đó với cùng lộ trình bay, độ cao và thời lượng bay.

Lá bài hạt nhân

Những chiếc E-4B Nightwatch và E-6B Mercury là những át chủ bài của quân đội Mỹ trong trường hợp nổ ra chiến tranh hạt nhân, đài truyền hình CNN cho biết.

Kể cả trong trường hợp BCH hạt nhân trên bộ của Mỹ ở Nebraska bị tấn công, vị tướng bốn sao chịu trách nhiệm thực hiện chiến lược trả đũa hạt nhân của Mỹ có thể được di tản lên các BCH trên không chỉ trong tích tắc. “Tôi chỉ tốn khoảng vài phút để di tản lên máy bay, chờ nó cất cánh và được đưa đến một vị trí an toàn trước khi vũ khí hạt nhân bắn tới trụ sở chỉ huy” - ông John Hyten, lãnh đạo Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ, trả lời hãng tin CNN. Tại căn cứ không quân Offutt luôn có một màn hình đồng hồ đếm ngược sẵn sàng báo cho ông Hyten biết còn bao lâu nữa thì tên lửa hạt nhân bắn đến căn cứ trong trường hợp chiến tranh nổ ra.

“Chúng tôi luôn theo dõi vị trí của tất cả nhân vật quan trọng, tổng thống, tất cả những người trong hàng kế nhiệm, chủ tịch Bộ tổng tham mưu quân sự và bộ trưởng Quốc phòng” - Chuẩn tướng Gregory Bowen, Phó lãnh đạo bộ phận các chiến dịch toàn cầu của Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ, trả lời đài CNN.

Ngoài đường dây liên lạc khẩn cấp với các căn cứ hạt nhân, trên các chiếc E-4B và E-6B luôn có một cố vấn khí tượng học. Trong trường hợp chiến tranh, họ có nhiệm vụ theo dõi các báo cáo thời tiết toàn cầu để đánh giá tác động của các đám mây hạt nhân, để đánh giá hành động cần thiết. Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, gần như luôn có một máy bay E-4B hoặc E-6B bay trên bầu trời nước Mỹ để phòng trường hợp một vụ tấn công hạt nhân bất ngờ xảy ra.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận