Hé lộ thành phố khổng lồ bí ẩn dưới mặt đất Mexico

Hé lộ thành phố khổng lồ bí ẩn dưới mặt đất Mexico

Một thành phố cổ với hơn 40.000 công trình lớn nhỏ, ẩn sâu bên dưới lớp đất đá của trung tâm Mexico vừa được các nhà khảo cổ phát hiện.

Cách đây không lâu, bằng phương thức quét tia laser hiện đại, các nhà khảo cổ đã tìm ra được hàng chục ngàn công trình kiến trúc cổ ở rừng rậm Guatemala. Nay cũng bằng công nghệ này, các nhà khoa học tiếp tục tìm ra được một thành phố cổ ở Mexico.
Bằng công nghệ LIDAR tiên tiến, các nhà khảo cổ đã tiếp tục tìm ra được một thành phố cổ khổng lồ với hơn 40.000 công trình lớn nhỏ khác nhau, ẩn sâu bên dưới lớp đất đá của trung tâm Mexico.
Thành phố vừa được khám phá này được gọi là Angamuco, do các nhà khảo cổ Mỹ tìm ra. Thành phố này rộng tầm 26 km2, được cho là thuộc vào thời thống trị của người Purepecha - tộc người từng xây dựng nền văn minh rực rỡ tại miền Trung Mexico từ thế kỷ 9 đến thế kỷ 16. Ngày nay, người Purepecha vẫn tồn tại và đang sinh sống ven hồ Patzcuaro (miền Tây Mexico).
Hé lộ thành phố khổng lồ bí ẩn dưới mặt đất Mexico
 Thành phố cổ vừa được tìm thấy tại trung tâm Mexico. Ảnh: PLO
"Thật khó có thể tin được có một thành phố tuyệt vời như vậy ở trung tâm Mexico mà không một ai hay biết"- Chris Fisher, nhà khảo cổ học từ ĐH Colorado, nói về công trình nghiên cứu ở Mexico.
Các nhà khoa học ước tính khoảng 100.000 người từng sống tại Angamuco trong thời đại hoàng kim của thành phố này, khoảng năm 1000-1300. Điều này có thể xuất phát từ sự màu mỡ của đất đai canh tác do thành phố nằm trên nền đất được bồi đắp bởi nham thạch núi lửa trong hàng ngàn năm.
Các bằng chứng mới nhất thu thập được từ thực địa cho thấy Angamuco đã trải qua hai thời kỳ phát triển và một giai đoạn suy tàn trước khi người Tây Ban Nha đặt chân đến vùng đất này vào thế kỷ 17, chấm dứt sự thống trị của các triều đại người bản địa.
Nhóm khảo cổ học người Mỹ cũng phát hiện sự bất thường trong quy hoạch không gian của thành phố ngàn tuổi này. Những công trình mang tính biểu tượng của thành phố như kim tự tháp, các địa điểm tập trung của người dân được xây ở tám khu vực ngoài rìa thành phố, thay vì tập trung ở trung tâm như các thành phố cổ đại khác được tìm thấy ở Trung Mỹ.
Hồi đầu tháng, các nhà khoa học cũng đã dùng công nghệ tiên tiến này để tìm ra được một quần thể kiến trúc khổng lồ theo lối kiến trúc cổ của người Maya ẩn sâu giữa rừng rậm ở vùng Peten, Guatemala. Quần thể kiến trúc bao gồm 60.000 ngôi nhà, bốn trung tâm cúng tế và một kim tự tháp cao 30 m. Ước tính từng có khoảng 10 triệu người Maya sống tại khu vực này trước đây. Tới nay, hơn 7.000 kiến trúc khảo cổ được xác định bởi công nghệ LIDAR đã được các nhóm thám hiểm mặt đất xác nhận.
Trước đó, một đoàn thám hiểm dẫn đầu bởi nhà khảo cổ học người Úc Damien Evans đã gây chấn động giới nghiên cứu khi khám phá ra Mahendraparvata, một thành phố bị chôn vùi với niên đại 1.200 năm nằm trong một khu rừng ở Campuchia. Địa điểm phát hiện ra Mahendraparvata cũng khá gần đền Angkor Wat nổi tiếng. Suốt hàng nghìn năm, di tích này nằm im lìm trong rừng cây và chỉ đến khi người ta sử dụng một công nghệ với tên gọi LIDAR thì nó mới lộ diện.
LIDAR (đọc là Lai-đa) là chữ viết tắt của Laser Imaging, Detection, and Ranging. Theo giải thích của Cơ quan khí tượng thủy văn Mỹ, LIDAR có thể phát ra tối đa 200.000 xung laser trong mỗi giây. Một bộ lidar cơ bản bao gồm một máy phát laser, một máy scan, một bộ thu nhận GPS được tùy biến. Máy bay và trực thăng là hai loại phương tiện có thể dùng LIDAR để quét một diện tích rộng. Có hai loại LIDAR: topographic và bathymetric. LIDAR Topographic sử dụng các laser có màu cận với hồng ngoại để vẽ bản đồ mặt đất, trong khi LIDAR Bathymetric sử dụng laser xanh lá có khả năng xuyên qua nước để đo tầng đáy biển cũng như lòng sông.
Vậy dữ liệu LIDAR được thu thập như thế nào? Khi một chùm laser được chiều vào một điểm trên mặt đất, chùm sáng này sẽ bị phản xạ lại. Một cảm biến sẽ thu nhận thông tin của chùm phản xạ để đo khoảng cách dựa theo thời gian di chuyển của xung laser. Kết hợp với dữ liệu về vị trí và phương hướng từ hệ thống GPS cũng như bộ đo quán tính, bộ quét góc, dữ liệu sẽ được đưa ra thành một tập hợp các điểm, gọi là "point cloud". Mỗi point cloud sẽ có tọa độ xác định trong không gian ba chiều (bao gồm kinh độ, vĩ độ và cao độ) tương ứng với vị trí của nó trên bề mặt Trái Đất. Các điểm này sau đó được đem đi dựng thành mô hình.
Thực chất LIDAR đã được phát triển từ những năm 1960 và nó đã được dùng trong việc nghiên cứu khí quyển, khí tượng, địa chất bởi Hiệp hội khí tượng thủy văn Mỹ (NOAA) cũng như Tổ chức khảo sát địa lý Hoa Kì. Năm 1994, NASA cũng đã dùng các hệ thống LIDAR bay theo quỹ đạo nhằm giúp giới khoa học hiểu rõ hơn về sự thay đổi của khí hậu cũng như để vẽ bản đồ địa hình của các hành tinh. Gần đây nhất, thành phố New York sử dụng LIDAR để tạo bản đồ 3D của khu Manhattan để phục vụ cho việc cải tiến kế hoạch chống ngập.
Theo An Dương/VietQ

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận