Làng báo Sài Gòn 1916-1930

Làng báo Sài Gòn 1916-1930

Làng báo Sài Gòn 1916-1930 của Philippe M. F. Peycam không phải là chuyên khảo giới thiệu chung chung về báo chí Sài Gòn mà tập trung một cách cao độ vào sự sinh thành, hoạt động, phát triển và tàn lụi của báo chí chính trị tại một trong những thủ phủ quan trọng của chính quyền Đông Dương.

Cuốn sách này xuất phát từ luận án tiến sĩ ở đại học London năm 1999, được tác giả viết lại 7 năm sau, khi đang sống và làm việc ở Phnompenh rồi ở Singapore. TS Peycam hiện là giám đốc Viện quốc tế nghiên cứu châu Á ở Leiden, Hà Lan.
Cuốn sách này xuất phát từ luận án tiến sĩ ở đại học London năm 1999, được tác giả viết lại 7 năm sau, khi đang sống và làm việc ở Phnompenh rồi ở Singapore. TS Peycam hiện là giám đốc Viện quốc tế nghiên cứu châu Á ở Leiden, Hà Lan.

Công trình kĩ lưỡng và công phu này đã tái hiện tường tận mối quan hệ giữa văn hóa-xã hội và chính trị, đặc biệt, là các sự kiện, phong trào và nhân vật chính trị xuất hiện cùng lúc, song song và sôi nổi bởi các tờ báo mà họ đóng vai trò yếu nhân.

Theo P. Peycam, sau Thế chiến I, ở Sài Gòn bắt đầu hình thành một nền văn hóa tranh luận công khai và đến cuối thập niên 1920 thì nơi đây có một nền báo chí độc lập năng động nhất trong cả Đông Dương. Vào thời điểm đó, nền giáo dục Pháp-Việt tương đối ổn định đã tạo dựng một lượng độc giả khá lớn, và cùng với quá trình đô thị hóa diễn ra khá nhanh chóng, dân chúng (nhất là thị dân) đã có thể tham gia vào các diễn đàn đa dạng về các quan điểm, đường lối chính trị, xã hội.

“Không ở đâu mà sự tranh cãi giữa những người Việt về đường lối chống Pháp trực tiếp bằng vũ lực hay mục tiêu hiện đại hóa trong khuôn khổ thuộc địa lại gay gắt như là ở miền nam” - Peycam nhận định.

Thực tế đó càng phức tạp hơn khi các bên tham gia tranh luận không chỉ có các nhà cách tân người Việt mà còn có cả những người Pháp thiện cảm với bản xứ. Cũng cần nhấn mạnh rằng, bởi xuất phát từ các nền tảng tôn giáo và vị thế xã hội khác nhau, mức độ dẫn dắt và gây ảnh hưởng của các nhân vật chính trị sẽ có nhiều dạng thức.

Chẳng hạn, cả Trương Vĩnh Ký (1837-1898), Huỳnh Tịnh Của (1834-1907) và Trương Minh Ký (1855-1900) xuất thân từ Ki-tô giáo nên coi “cứu rỗi” đất nước là sứ mệnh của mình, trở thành trung tâm cho các cuộc khởi xướng dù họ không nằm trong mạch chủ lưu Nho học bấy giờ. Trong khi đó, Nguyễn Phan Long (chủ nhiệm tờ L’Écho Annamite); Nguyễn An Ninh, Phan Văn Trường (yếu nhân của tờ La Cloche Fêlée); Trần Huy Liệu (điều hành tờ Đông Pháp thời báo) lại thiên về các hoạt động đấu tranh mang nhãn quan dân chủ hiện đại và tinh thần Marxist.

Trong khởi điểm và cao trào của báo chí chính trị, luôn có những biến động đa dạng. Trước hết, để chống thua lỗ và đóng cửa, nhiều chủ bút các tờ báo chính trị độc lập đều phải tận dụng mối quan hệ với các tờ báo khác để trao đổi và đăng lại bài vở. Nguồn cộng tác viên, từ giữa thập niên 1920 trở đi, là những người trẻ tuổi có học thức và họ có thể tạo dựng một mạng lưới tiếp thị, phát hành báo chí rộng hơn.

Tuy thế, nguồn tài chính bên ngoài mới là tác nhân để tờ báo duy trì được hoạt động: Chủ nhiệm tờ Đông Pháp thời báo là Diệp Văn Kỳ có tài sản lớn từ cha vợ; tờ L’Ère NouvelleNhựt Tân báo (thuộc Đảng Lao động Đông Dương) do địa chủ giàu có Cao Triều Phát hỗ trợ; Cao Văn Chánh và Nguyễn An Ninh có bà con sẵn lòng hỗ trợ công việc làm báo của họ… Nhờ thế, cùng lúc, các tờ báo tiếng Pháp và tiếng Việt có tôn chỉ đấu tranh đều có thể vượt qua sức ép “phi chính trị hóa” của chính quyền thực dân.

Trên tờ L’Essor Indochinois ra ngày 9/8/1924, ký giả Cao Văn Chánh đã nhận xét rất xác đáng: “Tôi không có ý nói chỉ các báo chữ quốc ngữ mới đóng vai trò không thể phủ nhận trong việc giáo dục đạo đức và trí thức cho người Việt Nam, bất chấp việc trở thành nạn nhân của trò kiểm duyệt chuyên quyền bạo ngược. Ngay cả các báo chữ Pháp cũng có ảnh hưởng to lớn đối với đồng bào mình”. Có thể nói, khát vọng xây dựng quốc gia độc lập và ít nhất có dân quyền, bình quyền đã khiến các kí giả xích lại gần nhau trong cách thức lay chuyển tâm tư và nhận thức của quốc dân.

Môi trường báo chí chính trị đón nhận và đồng thời kích thích các phong trào xã hội, các nhân vật chính trị bước lên tầm cao mới. Cuốn sách của P. Peycam cho thấy con đường dấn thân của những trí thức cấp tiến như Phan Văn Trường, Trần Huy Liệu, Nguyễn An Ninh là gian nan nhưng hấp dẫn, giàu ý nghĩa như thế nào.

Thậm chí, với trường hợp Nguyễn An Ninh, người đã tham gia vũ đài tranh luận công khai một cách mạnh mẽ nhất, còn có nhiều nét như một huyền thoại. Giỏi diễn thuyết và viết báo, Nguyễn An Ninh đã biến tờ La Cloche Fêlée trở thành diễn đàn khai dân trí trên nhiều phương diện, đặc biệt là hiểu biết về tương quan giữa việc phát triển bản thân và trách nhiệm xã hội của một cá nhân. Sự lớn mạnh của La Cloche Fêlée đã khiến Sở Liêm phóng thực dân coi như một cuộc cách mạng trong truyền thông chính trị: “Trong thành phố, khoảng 9 giờ tối, người ta vẫn thấy nhiều người Việt tha thẩn ngoài đường, bàn tán về tờ La Cloche Fêlée, nhắc đến Nguyễn An Ninh…”

Sau khi Nguyễn An Ninh bị bắt (24/3/1926), La Cloche Fêlée đổi tên thành L’Annam và thuộc về điều hành của luật sư Phan Văn Trường. Từ đây, tờ L’Annam là nơi chuyển tải thông điệp cách mạng thấm đẫm chủ nghĩa dân tộc cấp tiến và luận thuyết Marx-Lenin tích cực.

Như vậy, các nỗ lực để báo chí có tính chính trị, trở thành một “lực lượng” công khai, đã phản ánh các nhu cầu giải quyết hàng loạt vấn đề cấp bách của người Việt dưới ách thực dân. Nhưng hơn hết, nhờ môi trường báo chí chính trị đó, một “Việt Nam mới” bắt đầu khác xa truyền thống ở tư duy và cách thức biểu đạt chính kiến, ở mơ ước cá nhân và trách nhiệm xã hội, ở ý hướng đánh thức tình cảm và hiểu biết của dân chúng... Di sản báo chí chính trị giai đoạn khởi đầu, 1916-1930, vì thế, không chỉ ở điểm châm ngòi cho công cuộc cách mạng dân tộc về sau, mà còn ở các giá trị sử liệu xã hội chưa dễ khai thác, phân tích thấu triệt của nó.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận