Liệu pháp tế bào gốc có thể trị dứt điểm bệnh tiểu đường loại 1

Liệu pháp tế bào gốc có thể trị dứt điểm bệnh tiểu đường loại 1

Sự khó chịu của những người bị mắc bệnh tiểu đường loại 1 không đến từ căn bệnh, mà xuất phát từ việc phải tiêm insulin hàng ngày. Các vết tiêm thường bị mẩn đỏ, sưng và ngứa gây đau đớn cho người bệnh. Nhưng sự khó chịu này có thể sẽ sớm chấm dứt, nhờ một đột phá mới đưa chúng ta tới gần hơn tới phương pháp chữa trị hiệu quả cho căn bệnh này.

Theo Gizmodo, các nhà khoa học tại ĐH MIT và Havard cho biết họ đã có thể sử dụng các tế bảo sản sinh insulin để tái tạo lại chức năng tiết insulin ở chuột (trong một khoảng thời gian). Từ năm 2014, nhóm nghiên cứu đã thành công trong việc dùng tế bào gốc để tạo ra các tế bào beta có khả năng sản xuất insulin với số lượng lớn. Giờ đây họ đã cấy những tế bào được sản xuất với số lượng lớn này vào cơ thể chuột, và thu được kết quả là bệnh tiểu đường đã biến mất trong vòng 6 tháng, mà không đi kèm bất kỳ tác dụng phụ nào.

Liệu pháp tế bào gốc có thể trị dứt điểm bệnh tiểu đường loại 1

Những người mắc bệnh tiểu đường loại 1 có tuyến tụy không thể sản sinh insulin, một loại hormone quan trọng giúp cơ thể kiểm soát lượng đường trong máu. Không có insulin, đường trong máu sẽ bị tích tụ thay vì chuyển hoá thành năng lượng. Nguyên nhân chính xác của căn bệnh này hiện vẫn chưa được xác định, nhưng các nhà khoa học cho rằng nó có liên quan đến hệ miễn dịch của cơ thể (Tiểu đường loại 1 không phải do ăn quá nhiều đường gây nên).

Để tạo ra một liệu pháp hiệu quả mà không phụ thuộc vào việc tiêm insulin liên tục, các nhà nghiên cứu của MIT, Harvard, Bệnh viện nhi Boston và một số cơ sở khác, đã thiết kế một loại vật liệu để đóng gói các tế bào tuyến tụy của người trước khi cấy ghép. Sau khi được cấy vào chuột, các tế bào này bắt đầu sản sinh insulin để điều chỉnh lượng đường huyết. Phương pháp này đã chữa trị hiệu quả cho những con chuột bị tiểu đường loại 1 trong một khoảng thời gian là 174 ngày. Đối với người, nó tương đương với ít nhất vài năm.

Đồng tác giả của nghiên cứu, Daniel Anderson, cho biết cách tiếp cận này "có tiềm năng cung cấp cho người bị bệnh tiểu đường một tuyến tụy mới không bị tấn công bởi hệ miễn dịch, nhờ đó cho phép cơ thể họ kiểm soát được đường huyết mà không cần phải dùng bất kỳ loại thuốc nào". Các thử nghiệm trên người sẽ bắt đầu trong một vài năm tới. Và nếu phương pháp này được chứng minh là có hiệu quả, người bệnh chỉ cần được cấy ghép tế bào sau mỗi vài năm, thay vì tiêm insulin hàng ngày như hiện nay.

Anh Minh

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận