Ông tổ vi khuẩn kháng kháng sinh lên cạn 450 triệu năm trước

Ông tổ vi khuẩn kháng kháng sinh lên cạn 450 triệu năm trước

Siêu vi khuẩn được xem là "ông tổ" của vi khuẩn kháng kháng sinh ngày nay theo chân động vật bò lên cạn 450 triệu năm trước.

Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Cell ngày 11/5, hai nhà khoa học Ashlee Earl và Michael Gilmore tại Viện Broad, Mỹ cho biết vấn đề vi khuẩn kháng kháng sinh ngày nay của nhân loại có khả năng bắt đầu từ quyết định lên cạn của động vật khoảng 450 triệu năm trước, NPR đưa tin.

"Loại vi khuẩn Enterococci có khả năng đã sống trong những sinh vật đầu tiên bò khỏi biển lên đất liền", Earl nói. "Chúng nằm trong đường ruột của những sinh vật cổ đại, cũng như trong đường ruột của chúng ta ngày nay", nhà di truyền học nói thêm.

Các nhà khoa học phỏng đoán vi khuẩn Enterococci có mặt trong đường ruột của tất cả các loại động vật từng sinh sống trên mặt đất trong 450 triệu năm qua, kể cả khủng long. "Chúng tôi nghĩ điều này rất có khả năng", Earl nói.

Siêu vi khuẩn theo động vật bò lên cạn 450 triệu năm trước.
Siêu vi khuẩn theo động vật bò lên cạn 450 triệu năm trước. .

Vào thập niên 1980, Enterococci là một trong những loại vi khuẩn đầu tiên có khả năng kháng gần như mọi loại kháng sinh trên thị trường, khiến Enterococci được coi là ông tổ của các loại siêu vi khuẩn. "Đó thật sự là bình minh của kỷ nguyên siêu vi khuẩn", Gilmore nói.

Khi theo động vật lên cạn, Enterococci đã phát triển những đặc tính giúp hậu duệ của chúng ngày nay có thể sinh trưởng ở bệnh viện và ngăn chặn những loại kháng sinh phổ biến nhất như penicillin, Earl và đồng nghiệp của bà nói.

Gilmore và Earl đã nghiên cứu gene của 24 giống Enteroccoci được tìm thấy trong ruột của tất cả các loài động vật, từ ong, bồ câu, cá đến con người để tìm ra bí quyết sức mạnh của Enteroccoci. "Chúng tôi tìm thấy khoảng 126 gene đặc trưng của Enteroccoci", Gilmore nói. "Cơ bản mà nói, loại vi khuẩn này giống như mặc một bộ đồ bảo hộ".

Nhiều gene cho thấy có liên hệ đến việc làm cứng và củng cố thành tế bào. "Chúng giúp loại vi khuẩn này mạnh thêm, có thể chống chịu mất nước và phơi nhiễm các chất khử trùng", Gilmore cho hay.

Dữ liệu cho biết loại siêu vi khuẩn này đã trang bị "đồ bảo hộ" từ 450 triệu năm trước, có khả năng nhằm thích nghi với việc chuyển từ đời sống dưới nước lên cạn do phải tiếp xúc với môi trường khắc nghiệt hơn sau khi bị động vật bài tiết. "Chúng phơi nhiễm với tia UV, nhiệt độ của ánh sáng Mặt Trời và thường bị đói, mất nước", Gilmore nói.

Bộ "đồ bảo hộ" từng giúp Enteroccoci chinh phục cuộc sống trên cạn giờ đây cho phép loại vi khuẩn này sống sót trong môi trường bệnh viện. "Khả năng này đã biến chúng thành siêu vi khuẩn", Gilmore nói. Với phát hiện này, các nhà khoa học có thể bắt tay tìm cách khắc chế Enterococci.

Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Bệnh dịch Mỹ cho biết vi khuẩn Enterococci mỗi năm làm gần 70.000 người Mỹ gặp vấn đề về sức khỏe và trên 1.000 người thiệt mạng.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận