Phát hiện 'biển' nước ngọt khổng lồ dưới Đại Tây dương

Phát hiện 'biển' nước ngọt khổng lồ dưới Đại Tây dương

Các nhà khoa học từng đưa ra giả thiết đầu tiên về một vùng nước ngọt phía dưới biển nước mặn.

Một nghiên cứu mới cho thấy có một khoang nước ngọt khổng lồ ở phía dưới Đại Tây dương, ngay ngoài khơi bờ biển phía đông bắc nước Mỹ.
Kích thước của khoang nước ngọt khổng lồ này vẫn còn là một bí ẩn nhưng nó có thể trải dài từ ít nhất Massachusetts tới miền nam New Jersey, tương đương gần 350km.
Khu vực này gồm bờ biển của New York, Connecticut và Rhode Island. Nhiều khả năng, vùng nước ngọt phía dưới biển nước mặn này có từ thời kỷ băng hà.
Phat hien bien nuoc ngot khong lo duoi Dai Tay duong
Vùng chấm vàng được cho là vùng nước ngọt khổng lồ trải dài hàng trăm km. (Ảnh Livescience) 
Các nhà khoa học từng đưa ra giả thiết đầu tiên về một vùng nước ngọt phía dưới biển nước mặn từ những năm 1970 khi các công ty khoan dầu trong quá trình khoan thăm dò đôi khi gặp nước ngọt. Tuy nhiên, không rõ liệu những vùng nước ngọt này có lớn hay không.
Khoảng 20 năm trước, nhà nghiên cứu Kerry Key, hiện là nhà địa vật lý tại Đài quan sát Trái đất Lamont-Doherty tại Đại học Columbia ở New York, bắt đầu giúp các công ty dầu xác định các điểm nóng dầu bằng cách sử dụng hình ảnh điện từ.
Gần đây, trong nỗ lực tìm kiếm các mỏ nước ngọt, Key đã quyết định xem liệu điều chỉnh công nghệ này có thể giúp ông tìm thấy các hồ nước ngọt dưới lòng đất hay không.
Chloe Gustafson, một ứng cử viên tiến sĩ về địa chất biển và địa vật lý tại Đài quan sát Trái đất Lamont-Doherty, cho biết: "Chúng tôi biết có nước ngọt ở dưới đó ở những nơi biệt lập, nhưng chúng tôi không biết chúng lớn hay có kích thước thế nào".
Để đưa ra công bố trên, các nhà nghiên cứu đã thả các dụng cụ xuống đáy biển để đo các trường điện từ bên dưới. Kết quả cho thấy một vài vùng nước ngọn trải dài tới tận 120km ra ngoài khơi.
Các tầng chứa nước có khả năng ra đời vào cuối kỷ băng hà vào khoảng 20.000 đến 15.000 năm trước, phần lớn nước trên thế giới đã bị giữ trong sông băng, khiến mực nước biển thấp hơn so với hiện tại.
Khi nhiệt độ tăng và băng bao phủ vùng đông bắc nước Mỹ, băng tan chảy cuốn trôi một lượng trầm tích lớn tạo nên vùng đồng bằng ven biển. Một lượng lớn nước từ các sông băng sau đó bị mắc kẹt phía dưới vùng trầm tích này, kéo dài ra tận biển khi mực nước biển tăng cao.
Các nhà khoa học cũng có biết nhiều khu vực khác có thể có những khoang nước ngọt khổng lồ ẩn giấu phía dưới, kể cả tại những khu vực như Úc, sa mạc Sahara.
Theo Anh Minh/Đất Việt

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận