Phát hiện người thời kỷ băng hà ở Siberia thông qua răng sữa

Phát hiện người thời kỷ băng hà ở Siberia thông qua răng sữa

Con người đã sinh sống ở Siberia được khoảng 40.000 năm, và một phân tích di truyền mới được thực hiện nhờ tìm thấy răng sữa cổ đại sẽ mang tới tri thức về loài người cổ đại từng sống tại đây.

Trong nghiên cứu mới, được đăng trên tạp chí Nature Communications tuần này, các nhà nghiên cứu đã phân tích mẫu ADN của 34 cá nhân được phát hiện tại Điểm Sừng Tê giác Yana của Nga, một địa điểm ở phía đông bắc Siberia. Di cốt người cổ nhất, hai chiếc răng sữa của trẻ con, có niên đại từ 31.000 năm trước. Các nhà khoa học cũng phân tích ADN từ di cốt 10.000 năm tuổi của một người đàn ông trẻ.

 Người vùng phía bắc Siberia có quan hệ gần gũi với người châu Âu hơn là người châu Á.
 Người vùng phía bắc Siberia có quan hệ gần gũi với người châu Âu hơn là người châu Á.

Phân tích cho thấy những người cổ đại ở phía bắc Siberia đã chịu đựng cái lạnh cùng cực và sống sót bằng cách săn voi ma-mút lông, tê giác lông và bò rừng Bison.

Eske Willerslev, giáo sư tại Đại học Cambridge, cho biết: “Những người này là một phần quan trọng của lịch sử nhân loại, họ đa dạng hóa gần như cùng lúc với tổ tiên của người châu Á và châu Âu hiện đại, và có khả năng tại một thời điểm nào đó, họ đã cư ngụ ở những khu vực rộng lớn của bán cầu phía bắc”.

Các nhà khoa học cũng sử dụng ADN của con người hiện đại để phân tích lịch sử tiến hóa của di cảo cổ đại. Phân tích ADN hiện đại và cổ đại cho thấy con người vùng phía bắc Siberia có quan hệ gần gũi với người châu Âu hơn là người châu Á. Những con người rắn rỏi và có khả năng thích nghi đã di cư từ lục địa Á-Âu tới khu vực này từ khoảng 40.000 năm trước, không lâu sau khi các dòng dõi châu Âu và châu Á phân nhánh.

Theo các tác giả của nghiên cứu mới, bộ gene của người Siberia cổ đại đại diện cho một “tấm khảm di truyền” của những người tới từ bên kia phía bắc lục địa Á-Âu và châu Mỹ. Các nhà khoa học ước lượng các nhóm dân bản địa sớm nhất ở Bắc Mỹ là hậu duệ của những người sống ở đông bắc Siberia.

Willerslev, giám đốc Trung tâm Địa Di truyền Lundbeck tại Đại học Copenhagen, cho biết: “Những di cốt này rất gần gũi với tổ tiên của những người nói tiếng Paleo-Siberia và gần với tổ tiên của thổ dân châu Mỹ. Đó là một mảnh ghép quan trọng trong việc tìm hiểu về tổ tiên của thổ dân châu Mỹ vì bạn có thể thấy dấu hiệu Kolyma ở thổ dân châu Mỹ và người Paleo-Siberia. Người này là mối liên hệ còn thiếu của tổ tiên thổ dân châu Mỹ”.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận