Tại sao con người không có đuôi mà lại có xương đuôi?

Tại sao con người không có đuôi mà lại có xương đuôi?

Câu chuyện về nguồn gốc những đoạn xương đuôi vô dụng.

Dù hiện nay đã trở nên vô dụng, xương cụt của con người – thường được gọi là xương đuôi – vẫn hiện diện ở phần dưới cùng của cột sống, một dấu tích còn sót lại của tổ tiên có đuôi của chúng ta. Rất lâu trước khi con người không còn đuôi nữa, những "người họ hàng" cá của chúng ta có đến 2 cái đuôi: một cái bằng thịt, cái kia linh hoạt hơn, giống như vây vậy. Khi các loài động vật bắt đầu lên bờ, cái vây sau biến mất, chỉ còn giữ lại cái đuôi bằng thịt kia mà thôi.

Một thời gian dài sau này, loài vượn cũng mất hẳn cái đuôi còn sót lại đó. Những chú linh trưởng này không còn cần đến đuôi để duy trì cân bằng hoặc gửi đi những tín hiệu trong giao tiếp xã hội nữa; chúng chuyển cân bằng về sau và bắt đầu giao tiếp thông qua điệu bộ, biểu cảm khuôn mặt, và giọng nói.

Các loài động vật sống trên bờ khác sử dụng đuôi cho các chức năng như di chuyển, giao tiếp, và đuổi côn trùng; trong khi loài cá thì vẫn duy trì những cái vây để di chuyển được trong nước.

Về phần loài người, chúng ta chỉ còn giữ lại một cái xương đuôi – cấu thành từ một vài đốt sống đuôi, giống như những đốt sống mà bạn có thể thấy trong những cái đuôi thực sự vậy – chẳng vì lý do rõ ràng nào. Xương đuôi không có lợi, cũng chẳng có hại, nó chỉ đơn giản là nằm đó, cố định vào phần cuối của cột sống.

"Nó chỉ nằm đó và chẳng làm bất kỳ điều gì" – Alexander Werth, một nhà sinh vật học tại Đại học Hampden-Sydney, cho biết.

Các nhà khoa học gọi những phần thừa của tiến hóa này là "dấu tích" (vestiges): thuật ngữ xuất phát từ tiếng Latin "vestigium", có nghĩa là "dấu chân".Các dấu tích có thể khá đa dạng, từ các cấu trúc giải phẫu học như xương và các cơ quan nội tạng, đến các hiện tượng sinh lý học như nổi da gà; khi những vị tổ tiên lông lá của chúng ta bị lạnh, lông tóc của họ sẽ dựng lên để ngăn nhiệt độ cơ thể bị hạ thấp xuống.

Xương cụt, hay còn gọi là xương đuôi của con người (Coccyx).
Xương cụt, hay còn gọi là xương đuôi của con người (Coccyx).

Dù các nhà khoa học chưa đồng ý về những yếu tố cụ thể, định nghĩa chuẩn của "dấu tích" khẳng định nó không có chức năng nào trong cơ thể.

Werth đã nghiên cứu về tương tác giữa những đặc tính còn sót lại từ cả quá trình tiến hóa và quá trình phát triển phôi thai; chúng có liên hệ với nhau nhiều hơn bạn nghĩ đấy. Khi còn là phôi thai, chúng ta từng có đuôi trong vài tuần. Đến tuần thứ 8 ở trong tử cung, hầu hết đều biến mất.

Tuy nhiên, không phải gene quy định cái đuôi bỗng biến mất. Những cấu trúc tưởng như đã mất vẫn có thể xuất hiện trong con người, bởi gene có tính động và có thể được "bật" hoặc "tắt". Những dị tật bẩm sinh đôi lúc dẫn đến sự xuất hiện trở lại của những đặc tính cổ đại trong một quá trình được gọi là "lại giống" (hay "hồi tổ", "tiến hóa lùi") – cho thấy bộ gene của chúng ta có chứa một bản ghi đầy đủ toàn bộ quá trình tiến hóa từ trước đến nay.

Kết quả của "lại giống" là một số người được sinh ra sẽ có đuôi. Tỉ lệ của điều này cực kỳ hiếm: các bác sỹ cho biết chỉ có khoảng 40 – 59 trường hợp trong suốt lịch sử hiện đại, dù rằng con số chính xác không ai biết được. Đại đa số những trường hợp này sau đó đều trải qua một ca phẫu thuật loại bỏ đuôi, bao gồm ca sỹ nhạc pop nổi tiếng Ke$ha.

Dẫu vậy, nghiên cứu về đuôi của con người trong thời gian qua không đạt được bước tiến nào. Năm 1875, Darwin ghi lại trong cuốn sách "The Descent of Man" rằng "trong các trường hợp hiếm hoi và dị thường", con người có thể "hình thành một cấu trúc nhỏ bên ngoài giống như một cái đuôi". Vài năm sau, bác sỹ Rudolf Virchow đã lập nên một hệ thống phân loại đuôi người nhưng không nhận được sự chú ý.

Hiện nay, chúng ta biết được rằng đuôi người nhiều khả năng là dấu hiệu cho thấy những khuyết tật trong tủy sống, bởi da và hệ thần kinh liên kết với nhau rất chặt chẽ. Các dây thần kinh cảm giác của chúng ta tiết những chất dẫn truyền gọi là neuropeptides vào da, và chúng sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển sinh lý.

Đến đây, có một câu hỏi được đặt ra: liệu một người có thể giữ lại cái đuôi mà vẫn sống một cuộc đời khỏe mạnh hay không? "Miễn là cái đuôi đó không gây ảnh hưởng đến khả năng sinh tồn và sinh sản của họ, nó sẽ chẳng là vấn đề gì to tát" – Werth nói.

"Tôi không nghĩ có đuôi là xấu" – Werth nói thêm. "Ai mà biết được. Nếu bạn là một nghệ sỹ xiếc đi thăng bằng trên dây, nó có thể giúp bạn giữ thăng bằng ấy chứ"!

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận