"Thác máu": Bí ẩn 106 năm ở Nam Cực vừa được khoa học giải mã

"Thác máu": Bí ẩn 106 năm ở Nam Cực vừa được khoa học giải mã

Được phát hiện cách đây hơn 100 năm, "Thác máu" ở Nam Cực là một trong những địa điểm khiến giới thám hiểm và khoa học quan tâm nhiều nhất.

Mới đây, một nhóm các nhà nghiên cứu thuộc 2 trường Đại học của Mỹ là Alaska Fairbanks và Colorado tuyên bố đã giải mã được bí ẩn thế kỷ của "Thác máu" tại Nam Cực.

Được nhà địa chất học người Anh Griffith Taylor (1880 – 1963) phát hiện vào năm 1911, thung lũng sông băng Taylor (mang tên ông) ở Đông Nam Cực trở thành một trong những vùng đất khắc nghiệt được giới thám hiểm và các nhà khoa học quan tâm nhiều nhất.

Bởi tại thung lũng sông băng Taylor biệt lập này xuất hiện một dòng thác kỳ lạ, có màu đỏ như máu mà nhiều nhà khoa học gọi là "Thác máu" (Blood Falls). Hơn 100 năm trôi qua, rất nhiều giải thích được đưa ra.

Thác máu: Bí ẩn 106 năm ở Nam Cực vừa được khoa học giải mã
"Thác máu" ở thung lũng sông băng Taylor. (Ảnh: Wikipedia.)

Ngay khi phát hiện, nhà địa chất Griffith Taylor cho rằng, màu đỏ của nước là do một loại tảo tạo ra. Về sau, các nhà khoa học thám hiểm cho rằng, cách đây khoảng 1,5 triệu năm trước, có một hồ nước mặn chứa các chất sắt, hồ nước này bị băng bao phủ.

Phát hiện mới tại dòng "Thác máu" ở Nam Cực

Nhưng câu chuyện đã khác khi nhà nghiên cứu Jessica Badgeley (thuộc trường Đại học Colorado) cùng nhà sông băng học Erin Pettit và cộng sự (thuộc trường Alaska Fairbanks) có phát hiện hoàn toàn mới. Sử dụng thiết bị chuyên dụng, các nhà khoa học đã tìm ra bí mật tại hồ nước nằm sâu 400 mét băng.

Jessica Badgeley giải thích: "Dòng nước mặn đỏ màu máu là một hệ sinh thái của loài vi khuẩn cổ mắc kẹt hàng triệu năm dưới lòng đất. Không ánh sáng Mặt trời, nhiệt độ chạm ngưỡng âm 5 độ C và độ mặn gấp 3 lần nước biển vẫn không giết nổi chúng. Chúng là những vi khuẩn tự dưỡng hiếm có trên Trái Đất."

Màu đỏ của "Thác máu" là kết quả của sự kết tủa oxit sắt khi nước muối mang oxit sắt kém bền tiếp xúc với oxy trong không khí.

Màu đỏ của
Màu đỏ của "Thác máu" là kết quả của sự kết tủa oxit sắt khi nước muối mang oxit sắt kém bền tiếp xúc với oxy trong không khí. (Ảnh: WordPress.com.)

Vào mùa hè, nhiệt độ ở Nam Cực ấm hơn, điều này khiến cho nước hồ có cơ hội trồi lên. Đó là lý do chúng ta thấy có "Thác máu" kỳ lạ chảy mãi cho đến tận ngày nay.

Nhà sông băng học Erin Pettit nói thêm: "Với thiết bị "nghe ngóng" âm vang từ hồ nước bên dưới tảng băng dày 400m, giống như loài dơi dùng tai để "nhìn" mọi thứ trong bóng tối, chúng tôi "nhìn" thấy những thứ diễn ra tại hồ nước mặn này.

Thật khó tin khi phát hiện một hồ nước lỏng tồn tại bên dưới lớp băng dày lạnh dưới 0 độ. Điều thú vị là, hồ nước chứa các chất sắt này lại cực mặn khiến nó không thể đóng băng. Và hồ nước lỏng đó lại trở thành môi trường sinh thái cho loại vi khuẩn tự dưỡng cổ sinh sống. Những con vi khuẩn có thể sống trong nước siêu mặn và cực lạnh, nồng độ sắt cực cao, không biết tới ánh sáng Mặt Trời là gì. Hóa ra chúng có sức sống mạnh mẽ vậy, việc nghiên cứu kĩ càng các vi sinh vật này sẽ có thể cho ta cách thức đối phó với môi trường cực kì khắc nghiệt, ví dụ như trên Vũ trụ chẳng hạn".

"Khám phá đầu tiên đã dẫn đường cho chúng tôi tới thêm nhiều khám phá và nhiều lời giải thích khác nữa", nhà nghiên cứu Martin nói. "Cô nàng Nam Cực vẫn chưa bật mí toàn bộ bí mật mình vẫn đang cất giấu".

Vệ tinh Enceladus của sao Thổ và Europa của sao Mộc được cho là nơi tồn tại đại dương ngầm.
Vệ tinh Enceladus của sao Thổ và Europa của sao Mộc được cho là nơi tồn tại đại dương ngầm.

Với phát hiện các đại dương ngầm tồn tại ở vệ tinh Enceladus của sao Thổ và Europa của sao Mộc, NASA tin rằng, sự sống ở một dạng khác có thể vẫn đang tồn tại ngay trong Hệ Mặt trời và trong cả vũ trụ rộng lớn ngoài kia.

Kết quả nghiên cứu được đăng trên tạp chí Journal of Glaciology.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận