Thang cuốn: Phát minh làm thay đổi cuộc sống con người

Thang cuốn: Phát minh làm thay đổi cuộc sống con người

Ra đời từ cuối thế kỷ 19, thang cuốn đã tạo ra nhiều biến đổi trong hoạt động mua sắm. Nhưng hơn thế, nó còn là một hiện tượng văn hóa về cách mà con người tương tác với thế giới.

Thang cuốn đã trở thành một phần tất yếu của cuộc sống hiện đại. Ảnh: KONE.
Thang cuốn đã trở thành một phần tất yếu của cuộc sống hiện đại. Ảnh: KONE.

Trước khi có thang cuốn, các hoạt động thương mại và vận chuyển chủ yếu diễn ra một chiều. Như đối với cầu thang gác và thang máy, người sử dụng cần lên mục đích từ trước, cộng thêm một chút kiên nhẫn. Và thang cuốn đã làm thay đổi mọi thứ khi xóa bỏ những giới hạn nhờ khả năng tự điều chỉnh, giúp dòng người có thể liên tục di chuyển trong không trung, lên các vị trí cao hoặc ở dưới thấp.

Năm 1859, nhà phát minh người Mỹ Nathan Ames nhận được bằng sáng chế cho giải pháp cải tiến hoạt động của cầu thang gác, sử dụng một dây curoa xoay vô tận quanh ba bánh xe cơ học được truyền lực bằng tay, vật nặng hoặc hơi nước. Tuy nhiên, do nhiều hạn chế, phiên bản này đã không bao giờ được chế tạo và triển khai trong thực tế. Đến cuối thế kỷ 19 – đầu 20, tiến trình đô thị hóa nhanh chóng đã làm biến đổi sâu sắc xã hội, đồng thời cũng khiến thang cuốn dần gắn chặt với cuộc sống của con người. Kiến trúc thời kỳ này bắt đầu mang đậm dấu ấn của các tòa nhà chọc trời và trung tâm thương mại; nhu cầu vận chuyển (người, hàng hóa) khối lượng lớn đã tạo điều kiện cho sự phổ biến của các hệ thống xe điện, xe lửa trên cao và cả tàu điện ngầm; cuộc cách mạng in ấn và nhiếp ảnh cũng báo trước sự bùng nổ của ngành quảng cáo, tiếp thị, …

Cùng giai đoạn này, nhà phát minh Jesse Reno (kỹ sư làm việc cho hệ thống tàu điện ngầm ở New York) đã ra mắt một cải tiến quan trọng mang tính bước ngoặt: băng chuyền tuyến tính, và được cấp bằng sáng chế vào năm 1892 cho cấu trúc thang máy nghiêng. Trong buổi trình diễn 2 tuần tại Coney Island (năm 1896), gần 75.000 người đã được trải nghiệm di chuyển lên độ cao 7 feet (2,2m) bằng băng chuyền, hoạt động nhờ động cơ điện được bố trí bên dưới.

Nhờ thành công này, thang máy Reno đã được lắp đặt tại Brooklyn năm 1897. Một nhà phát minh khác là George Wheeler, sau nhiều mày mò cải tiến cũng trình làng một phiên bản tương tự như thang cuốn hiện đại hôm nay của chúng ta – với các bậc thang nổi lên từ sàn và cố định ở phía cuối. Doanh nhân Charles Seeberger (đồng thời cũng là một nhà phát minh) đã nhanh tay mua lại bản quyền sáng chế này của Wheeler (năm 1899), rồi ký hợp đồng sản xuất hàng loạt với công ty thang máy Otis. Chính Seeberger đã đặt ra thuật ngữ “escalator” bắt nguồn từ tiếng Pháp (l’escalade, dùng để chỉ hoạt động leo núi) và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ESCALATOR (số hiệu 34.724, Cục Sáng chế Hoa Kỳ hay USPTO).

Cấu tạo thang máy nghiêng của Jesse Reno. Ảnh: USPTO.
Cấu tạo thang máy nghiêng của Jesse Reno. Ảnh: USPTO.

Nhận thấy tiềm năng của những thay đổi mang tính cách mạng trong hoạt động mua sắm do thang cuốn mang lại, siêu thị Siegel Cooper ở New York đã trở thành nơi đầu tiên lắp đặt bốn hệ thống Reno (năm 1896). Nhưng phải đến khi được giới thiệu tại Triển lãm Thế giới Paris năm 1990, thang cuốn mới thật sự mở ra một thế giới hoàn toàn mới. Từ lâu, đây đã là sự kiện để các nhà cách tân trình diễn những công nghệ đột phá như súng côn xoay (London, năm 1851), máy tính (London, 1862), xe hơi chạy xăng (Paris, 1889), vòng đu quay (Chicago 1893), vỏ kem ốc quế (St. Louis, 1904), hay năng lượng nguyên tử và truyền hình (San Francisco, 1939). Và phải 11 năm sau màn ra mắt của tháp Eiffel tại Triển lãm 1889, thế giới mới lại được chiêm ngưỡng một phát minh gây ấn tượng mạnh mẽ như thang cuốn, giành Giải thưởng lớn (Grand Prize) và Mề đay Vàng (Gold Medal) cho thiết kế độc đáo và thiết thực.

Nhờ đó, thang cuốn đã dần lan rộng và chinh phục thế giới. Chuỗi siêu thị Bloomingdale ở New York đã tháo dỡ cầu thang gác và cho lắp đặt thang máy nghiêng dốc (năm 1900); Macy tiếp bước năm 1902; còn Bon Marché tại Paris cũng không kém cạnh với thiết kế Fahrtreppe của châu Âu (năm 1906). Nhưng không chỉ đơn giản là cách mạng hóa trải nghiệm mua sắm, thang cuốn còn tạo nên một thế giới mới khi làm thay đổi sâu sắc các hoạt động của con người. Như trong giao thông công cộng, khi chúng bắt đầu được lắp đặt tại các ga tàu điện ngầm ở New York và London đầu những năm 1900. Tại chốn công sở, thang cuốn cũng mang lại những đổi thay không kém phần sâu rộng, khi tạo điều kiện cho nhân công di chuyển nhanh chóng giữa các ca làm việc – vì thế được các chủ thuê lao động lắp đặt để tối ưu hóa chi phí. Chính lợi ích này đã biến thang cuốn trở thành một biểu tượng gắn với giai cấp vô sản, từ các nhà máy ở Massachusetts cho đến những xí nghiệp của Liên Xô sau này.

Cùng sự thịnh vượng sau Thế chiến II và chủ nghĩa tiêu dùng lên ngôi tại Mỹ, thị trường của thang cuốn ngày càng được mở rộng. Những nội dung quảng cáo của Otis trong thời kỳ này, về diện mạo bề ngoài mới, bóng bẩy của thang cuốn, trực tiếp hướng đến người mua sắm đã được chấp nhận rộng rãi và thành công lớn. Nhưng thật trớ trêu, chính điều này đã khiến công ty phải trả giá bằng tài sản quan trọng nhất của họ: nhãn hiệu. Năm 1950, công ty thang máy Haughton, đối thủ cạnh tranh của Otis đã kiến nghị lên USPTO đòi bỏ nhãn ESCALATOR, dựa trên lập luận rằng thuật ngữ này đã trở nên quá phổ biến với các kỹ sư, kiến trúc sư và cả công chúng. Trước tòa, chính những thông điệp quảng cáo của Otis đã được sử dụng để chống lại họ: “Đối với hàng triệu người di chuyển mỗi ngày, ESCALATOR đồng nghĩa với an toàn, thuận tiện và tiết kiệm sức lực; Đối với hàng ngàn chủ sở hữu và người quản lý tòa nhà, ESCALATOR đồng nghĩa với sự tối ưu trong hoạt động của thang máy, theo hướng hiệu quả, an toàn và kinh tế”. Sau cùng, USPTO đưa ra phán quyết, rằng những mô tả của Otis đã không còn thể hiện được nguồn gốc của sản phẩm, nó đại diện cho chính sản phẩm, và vì thế tước quyền bảo hộ.

Trong thời bùng nổ kinh tế, ngày càng nhiều thành phố lớn trên thế giới (nơi có mật độ dân số cao) đã lựa chọn thang cuốn như một giải pháp kiến trúc quan trọng, chẳng hạn HongKong, … khiến số lượng thang cuốn được lắp đặt tăng gấp đôi sau mỗi 10 năm. Mặc dù vẫn tiếp tục là một tay chơi chính trên thị trường, song Otis đã bị Haughton (nay thuộc sở hữu của Schindler) tuyên bố vượt mặt từ năm 1993. Nhưng điều ngạc nhiên là cấu trúc của những thế hệ thang cuốn mới, về cơ bản đã không có nhiều thay đổi so với phác thảo thiết kế trong sáng chế ban đầu của Wheeler.

Ngày nay, tuy chỉ còn phản ánh một phần nền tảng văn hóa của đời sống hiện đại, nhưng chúng ta thực sự vẫn đang sống trong thế giới của những chiếc thang cuốn và hiển nhiên thừa nhận chúng, mặc dù đã không còn cảm nhận về bản chất triệt để của một phát minh vĩ đại, thứ đã vĩnh viễn làm thay đổi hoạt động mua sắm nhưng với tác động vượt xa hơn thế rất nhiều.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận