Thiên thạch hơn 5 tấn nguyên vẹn sau cháy lớn ở bảo tàng

Thiên thạch hơn 5 tấn nguyên vẹn sau cháy lớn ở bảo tàng

Mảnh thiên thạch lớn nhất được phát hiện tại Brazil với thành phần chính là hợp kim sắt - niken có thể chịu được nhiệt độ rất cao.

Bendegó, mảnh thiên thạch lớn nhất Brazil, nằm trong số ít những hiện vật gần như không bị hư hại sau hỏa hoạn tại Bảo tàng Quốc gia Brazil, Rio de Janeiro, hôm 2/9, Space đưa tin. Trong 20 triệu đồ tạo tác của bảo tàng, rất nhiều thứ đã bị ngọn lửa phá hủy.

Mảnh thiên thạch Bendegó vẫn nguyên vẹn trong bảo tàng bị thiêu rụi.
Mảnh thiên thạch Bendegó vẫn nguyên vẹn trong bảo tàng bị thiêu rụi.

Thành phần cấu tạo chính của Bendegó là hợp kim sắt - niken. Đây là một trong hơn 10 mảnh thiên thạch bảo tàng đang lưu giữ. Nó được một nông dân phát hiện gần thị trấn Monte Santo, Bahia, năm 1784 với cân nặng khoảng 5.260kg, gấp đôi một chiếc ôtô trung bình. Khi đó, Bendegó là mảnh thiên thạch lớn thứ hai thế giới.

Khi người dân địa phương lần đầu thử mang Bendegó đến thủ đô bằng xe bò kéo, sự cố xảy ra và tảng đá lăn theo dốc, rơi xuống sông. Nó nằm lại đó thêm một thế kỷ, đến khi được hoàng đế Pedro II di chuyển tới bảo tàng. Mảnh thiên thạch được trưng bày tại đây từ năm 1888.

Minh họa quá trình vận chuyển mảnh thiên thạch Bendegó đến Rio de Janeiro năm 1784
Minh họa quá trình vận chuyển mảnh thiên thạch Bendegó đến Rio de Janeiro năm 1784. (Ảnh: Space).

Bảo tàng cũng lưu giữ nhiều hiện vật giá trị khác khi hỏa hoạn xảy ra, trong đó có hộp sọ 11.000 năm của một phụ nữ Paleoindian mang tên Luzia, bộ xương dựng lại của khủng long Maxakalisaurus kích thước lớn và một số xác ướp Ai Cập.

Nhà chức trách chưa thể thống kê chính xác tổng thiệt hại do các chuyên gia phải hoãn việc kiểm tra đến khi đội kỹ sư xác định có thể vào tòa nhà an toàn, theo Guardian. Một chuyên gia cho biết, ước tính khoảng 90% đồ tạo tác ở bảo tàng bị hư hại hoặc phá hủy.

Việc Bendegó dường như vẫn nguyên vẹn sau đám cháy không gây bất ngờ. Thiên thạch, hay mảnh vỡ từ các tiểu hành tinh, khi tiến vào khí quyển Trái Đất có thể phải chịu sức nóng tới 1.650 độ C. Mức nhiệt này đủ để nung chảy kim loại như sắt và niken, thành phần có trong nhiều thiên thạch. Tuy nhiên, nhiệt độ trong một tòa nhà đang cháy không cao đến vậy.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận