Việt Nam thiếu hụt nhân lực công nghệ vũ trụ

Việt Nam thiếu hụt nhân lực công nghệ vũ trụ

Dù có nhiều tiềm năng ứng dụng trong nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội như nông nghiệp, lâm nghiệp, quản lý môi trường, bản đồ, hải dương học, an ninh quốc phòng nhưng sự phát triển của công nghệ vũ trụ Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế do thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, đủ khả năng làm chủ các công nghệ hiện đại.

Việt Nam thiếu hụt nhân lực công nghệ vũ trụ

Hội thảo "Các thành tựu nổi bật trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ" giai đoạn diễn ra vào sáng ngày 30/9 với sự tham gia của các nhà nghiên cứu, các cán bộ quản lý Bộ KH&CN, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Bộ NN và PTNT, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Thông tin và truyền thông...

Tại hội thảo, hầu hết các ý kiến của PGS. TS Nguyễn Ngọc Thạch (Khoa Địa lý, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQGHN), TS. Tăng Quốc Nam (Khoa Hàng không Vũ trụ, Học viện kỹ thuật quân sự), PGS. TS Nguyễn Bá Diến (Giám đốc Trung tâm Luật biển và hàng hải quốc tế (ĐHQGHN)… đều cho rằng, một trong những vấn đề hiện nay của nguồn nhân lực của lĩnh vực công nghệ vũ trụ Việt Nam là còn hạn chế về số lượng. Hiện tại chưa có nhiều trường đại học, viện nghiên cứu trên cả nước tham gia đào tạo bậc đại học và sau đại học của công nghệ vũ trụ mà chỉ có một vài nơi như ĐH Công nghệ (ĐHQGHN), ĐH Khoa học và công nghệ (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), ĐH Quốc tế TPHCM (ĐHQGTPHCM)…

Tại một số trường ĐH khác như ĐH Bách khoa HN, Học viện Kỹ thuật quân sự, ĐH Đà Nẵng… mới bắt đầu mở chương trình đào tạo một số lĩnh vực chuyên ngành hẹp của công nghệ vũ trụ. Trong khi đó, nhu cầu về nguồn nhân lực tại các cơ sở nghiên cứu như Trung tâm Vũ trụ quốc gia (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT, Bộ TT&TT… để thực hiện các chương trình nghiên cứu và ứng dụng ở phạm vi quốc gia đều rất lớn, ví dụ như khi Dự án Trung tâm vũ trụ quốc gia hoàn thành và trụ sở tại Khu CNC Hòa Lạc chính thức đi vào hoạt động vào năm 2018, Trung tâm sẽ cần một đội ngũ gồm khoảng 300 đến 350 chuyên gia.

Để góp phần giải quyết vấn đề này, Dự án Trung tâm Vũ trụ quốc gia đã ký kết thỏa thuận đào tạo với một số trường đại học trong nước như ĐH Khoa học và công nghệ về công nghệ vệ tinh và ứng dụng (ThS); với ĐH Công nghệ về công nghệ vệ tinh (kỹ sư); với ĐH Quốc tế TPPHCM về kỹ thuật không gian (kỹ sư)… Một số đơn vị khác đã tự tìm cách giải quyết vấn đề nhân lực như cách làm của Học viện Kỹ thuật quân sự khi tuyển chọn các sinh viên thuộc các ngành cơ học, điện tử, công nghệ thông tin, điện tử viễn thông… từ nhiều trường ĐH vào làm việc tại Khoa Hàng không vũ trụ, sau đó chọn người có thành tích xuất sắc cử đi nước ngoài học nâng cao.

Tuy nhiên để có một giải pháp toàn diện hơn, cần có một chiến lược đào tạo nhân lực công nghệ vũ trụ một cách tập trung, hướng trọng điểm vào giải quyết một số vấn đề ở tầm quốc gia theo mô hình của các quốc gia tiên tiến, PGS. TS Nguyễn Bá Diến đề xuất. Việc xác định những vấn đề này cần phải được dựa trên cơ sở yêu cầu từ các bộ ngành liên quan, ví dụ Bộ NN&PTNT có nhu cầu rất lớn với lực lượng chuyên gia về công nghệ viễn thám và hệ thông tin địa lý GIS (Geographic Information System).

Theo Tia Sáng

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận