Lịch sử 600 năm của chiếc kính cận

Lịch sử 600 năm của chiếc kính cận

Thế kỷ 13, châu Âu đã có kính lồi cầm tay để khắc phục viễn thị nhưng phải đến 200 năm sau, kính cho người cận thị mới xuất hiện.

Cận thị là vấn đề phổ biến thời hiện đại. Mới đây, cựu giám đốc điều hành lẫn người lãnh đạo đương nhiệm của diễn đàn công nghệ lớn nhất thế giới Reddit đều đi phẫu thuật cận thị để đảm bảo khả năng sống sót trong trường hợp lạc giữa đám đông hỗn loạn mà không có kính cận.

Nhìn về quá khứ, người cận thị đã xoay sở như thế nào khi loại kính dành cho họ chưa được phát minh?

Theo ông Neil Handley, người phụ trách bảo tàng trường College of Optometrists ở London , không có nhiều thông tin về cách người cận thị đối phó với chứng bệnh này trước thế kỷ 15. 

Aristotle có thể đã có những quan sát đầu tiên về tật cận thị khoảng năm 350 trước Công nguyên. Vì nhãn cầu của người cận thị quá dài nên chỉ có thể nhìn thấy rõ những đồ vật ở gần, còn những vật ở xa có xu hướng bị mờ.

Vào thế kỷ 13, châu Âu đã có kính lồi cầm tay để khắc phục tình trạng viễn thị. Phải đến 200 năm sau, kính cho người cận thị mới xuất hiện. Một trong những chiếc kính cận đầu tiên là của Giáo hoàng Leo X, thành viên gia đình Medici danh giá, bị cận thị. Chiếc kính được xuất hiện trong bức chân dung của ông được bậc thầy người Italy Raphael vẽ vào đầu thế kỷ 16, có thấu kính phân kỳ, rõ ràng là dùng cho người cận thị.

Tranh vẽ người cầm kính ở Đức, thế kỷ 15.
Tranh vẽ người cầm kính ở Đức, thế kỷ 15. (Ảnh: DeAgostini).

Tỷ lệ người cận thị tăng mạnh trong những thập kỷ gần đây. Các nhà nghiên cứu dự đoán một nửa dân số thế giới sẽ bị cận vào năm 2050.

Một nghiên cứu của College of Optometrists cho thấy hiện nay tình trạng cận thị phổ biến gấp đôi ở trẻ em Anh so với những năm 1960. Ở một số nước châu Á, tỷ lệ cận thị thậm chí còn đáng lo ngại hơn. Như ở Seoul, Hàn Quốc, khoảng 95% nam giới ở độ tuổi 19 bị cận thị.

Trong khi một số người đổ lỗi cho nguyên nhân di truyền hoặc do dùng nhiều các thiết bị như máy tính, điện thoại, tivi thì các nhà nghiên cứu khác nhận thấy trẻ dành ít thời gian hoạt động ngoài trời có khả năng bị cận thị cao hơn.

Bất kể nguyên nhân là gì, có khả năng cận thị chỉ ảnh hưởng đến số ít người trong quá khứ. Handley lập luận kính cận thị ra đời muộn, chứng tỏ số lượng người bị cận thị không nhiều và không phải là ưu tiên cần được chữa trị. Họ có thể đã đối phó với tật cận thị bằng cách điều chỉnh trong lối sống hoặc lựa chọn những công việc phù hợp với khả năng quan sát của mình thay vì cố gắng chữa khỏi.

Trong lịch sử, những người bị cận thị được đánh giá cao trong nghề thủ công, như ở các tu viện châu Âu thời Trung cổ, nơi trang trí bản thảo và vẽ Kinh Thánh đòi hỏi những nét vẽ nhỏ, chính xác.

"Thay vì cố gắng điều chỉnh tật cận thị, người mắc được khuyến khích duy trì tình trạng này vì nó lý tưởng cho công việc", ông Handley cho biết. "Thậm chí còn có một số bằng chứng cho thấy người ta còn cố gắng lai tạo con người với nhau cùng hy vọng sinh ra những đứa trẻ cận thị có tương lai trở thành nhà trang trí bản thảo. Đây là cách xã hội thích nghi với tật cận thị. Đúng hơn người xưa không coi đó là một khuyết tật". 

Thật không may, chúng ta không cần phải nhìn lại quá khứ để thấy được những người cận thị không có kính cận để sử dụng. Tương lai "thiếu kính cận" mà các nhà triệu phú lo sợ đã trở thành hiện hiện thực với một số người hiện nay. Hơn một tỷ người, có thể lên tới 2,5 tỷ người trên thế giới có nhu cầu về kính cận nhưng không có loại kính để điều chỉnh các chứng suy giảm thị lực khác nhau, theo New York Times. Đây là vấn đề sức khỏe cộng đồng đáng báo động, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, nơi bệnh lý về thị lực chưa được chú trọng chữa trị, gây trở ngại việc học, dẫn đến tai nạn giao thông và cản trở công việc.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận