Nghi nhiễm virus Zika tại Việt Nam cần xét nghiệm ở đâu?

Nghi nhiễm virus Zika tại Việt Nam cần xét nghiệm ở đâu?

Thông tin du khách Australia có những triệu chứng nhiễm virus Zika sau trở về từ Việt Nam khiến nhiều người lo lắng. Người nghi nhiễm có thể kiểm tra sớm để tránh lây lan.

Trao đổi với Zing.vn, TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho hay, những người nghi nhiễm virus Zika có thể đến bất cứ cơ sở y tế nào để khám. Đặc biệt những bệnh nhân có các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết nhưng qua xét nghiệm lại cho kết quả âm tính cần phải nghĩ ngay tới việc nhiễm virus Zika.

Theo đó, những đối tượng này sẽ được lấy mẫu để gửi tới các viện Pasteur xét nghiệm bệnh.

Hiện nay, Bộ Y tế đã chỉ định 2 phòng xét nghiệm chẩn đoán virus Zika của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ươngViện Pasteur TP. Hồ Chí Minh. Sắp tới, Bộ Y tế sẽ đưa vào hoạt động hai phòng xét nghiệm chẩn đoán virus Zika của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM.

PGS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cũng khẳng định, hiện tại Việt Nam đủ năng lực chẩn đoán virus Zika nên người dân không nên quá lo sợ. Để chẩn đoán đúng cần làm 2 phương pháp: chẩn đoán huyết thanh và chẩn đoán phân tử. Trong đó, chẩn đoán huyết thanh sẽ có thể dẫn tới sai số nên chúng ta cần hướng tới chẩn đoán phân tử.

Virus Zika có thể gây teo não bào thai khiến đứa trẻ sinh ra có bộ não nhỏ hơn bình thường. Virus Zika có thể gây teo não bào thai khiến đứa trẻ sinh ra có bộ não nhỏ hơn bình thường.

Người dân không nên quá lo lắng

TS Trần Đắc Phu cho biết thêm, triệu chứng khi mắc virus Zika không đặc trưng, có tới 80% không có biểu hiện lâm sàng.

Người bệnh có những biểu hiện rất giống với các bệnh lý khác như sốt xuất huyết: sốt, đau cơ, mỏi người... nên rất khó phát hiện bệnh. Đặc biệt các triệu chứng thường nhẹ và tự khỏi. Do đó, phụ nữ mang thai có thể không biết họ có bị nhiễm virus Zika hay không.

Cũng theo ông Phu, tính đến ngày 18/3/2016, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm virus Zika. Trước đó, Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur đã tiến hành lấy khoảng hơn 200 mẫu xét nghiệm bệnh phẩm trên nhiều tỉnh, thành phố trọng điểm để tiến hành xét nghiệm. Kết quả cho thấy tất cả các trường hợp đều âm tính.

Do chưa có đầy đủ thông tin từ về trường hợp người Australia trong thời gian lưu trú tại Việt Nam cũng như chưa loại trừ được các khả năng nhiễm virus Zika do quá cảnh ở các nước khác trước và sau khi rời Việt Nam nên Bộ Y tế chưa thể khẳng định chắc chắn sự lưu hành của virus Zika tại Việt Nam.

Sáng nay (24/4), ông Phu đã có mặt tại Bình Thuận để chỉ đạo sát sao công tác phòng chống dịch. Đồng thời, ông chỉ đạo các Viện Pasteur TP HCM, Pasteur Nha Trang hỗ trợ các địa phương nơi người Australia này từng đến; tăng cường lấy mẫu các trường hợp nghi ngờ để xét nghiệm xác định; sẵn sàng thuốc, vật tư, sinh phẩm để đảm bảo việc giám sát, xử lý khi phát hiện ổ dịch Zika.

Virus Zika được phát hiện đầu tiên từ khỉ Rhesus vào năm 1947 tại Uganda và vào năm 1948 phát hiện trên muỗi Aedes. Muỗi truyền bệnh thuộc nhóm Aedes là loài muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue. Thời gian ủ bệnh 3-12 ngày. Người bệnh có biểu hiện sốt, phát ban trên da, viêm kết mạc, đau khớp, đau cơ, mệt mỏi và đau đầu.

Virus Zika không trực tiếp gây ra tử vong và chưa có kiểm định rõ ràng, nhưng có mối tương quan lớn đối với 2 bệnh đó là: hội chứng não nhỏ và hội chứng viêm đa rễ thần kinh. Hiện cũng chưa có vắc xin phòng virus Zika và cũng chưa có thuốc đặc hiệu điều trị. Việt Nam cũng chưa có kinh nghiệm chữa bệnh này.

WHO cho biết, đến nay đã có 59 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận sự lưu hành virus Zika. Tại khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia, Lào... cũng đã ghi nhận những trường hợp người nước ngoài nhiễm virus Zika sau khi trở về từ các nước này song WHO cũng chưa có khuyến cáo hạn chế đi lại đến các quốc gia đang có dịch bệnh.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận