5 lý do Apple “chơi lớn”, đầu tư tỷ đô vào kình địch của Uber tại Trung Quốc

5 lý do Apple “chơi lớn”, đầu tư tỷ đô vào kình địch của Uber tại Trung Quốc

Apple đầu tư 1 tỷ USD vào Didi Chuxing khiến nhiều người bất ngờ. Số tiền này lớn, kể cả với Apple, và công ty trong quá khứ cũng không có truyền thống “chơi lớn” như thế. Khoản đầu tư báo hiệu nhiều hướng đi mới cho nhà sản xuất iPhone trong tương lai.

Dưới đây là 5 lý do giải thích vì sao Apple lại “rót” cả tỷ đô vào dịch vụ đi chung xe Didi Chuxing:

1. Apple nghiêm túc về kinh doanh vận tải

Tin đồn Apple đang phát triển mẫu xe hơi râm ran từ lâu. Tuy nhiên, tin đồn chỉ có thêm cơ sở khi tiền "lên tiếng". Nay Apple đã đầu tư 1 tỷ USD vào vận tải và công nghệ vận tải. Điều đó có nghĩa công ty không thể giữ bí mật về dự án xe hơi lâu thêm nữa. Sau cùng, công nghệ xe tự lái sẽ kết hợp với các dịch vụ đi nhờ xe như Uber để tạo ra các cách di chuyển mới và cơ hội thị trường mới. Xe hơi của Apple có thể chạy điện và cũng có thể là xe tự lái. Liệu Didi Chuxing có cơ hội trở thành khách hàng lớn đầu tiên của Apple Car hay iCar khi sản phẩm ra mắt?

2. Dịch vụ không đồng nghĩa với iCloud

Apple đang nhấn mạnh tầm quan trọng của dịch vụ trong năm nay sau khi doanh số iPhone chậm lại. Các nhà đầu tư gọi các sản phẩm Internet như iCloud, App Store, Apple Music là dịch vụ của Apple. Song, nếu mảng dịch vụ của “táo” không dừng lại tại đó? Didi Chuxing mang thiên hướng công ty dịch vụ nhiều hơn là công ty công nghệ. Sản phẩm chính của nó là mạng lưới tài xế. Ngoài ra, Apple đang dần chuyển từ phần cứng sang dịch vụ với các chương trình cho thuê iPhone với mức phí hàng tháng. Liệu xe hơi Apple có hoạt động tương tự? Apple có thể không bán xe hơi trực tiếp cho khách hàng mà cho các dịch vụ vận tải.

5 lý do Apple “chơi lớn”, đầu tư tỷ đô vào kình địch của Uber tại Trung Quốc

3. Đã đến lúc vung tiền

Thương vụ với Didi chỉ mất 22 ngày từ khi bắt đầu đến lúc kết thúc. Rõ ràng Apple muốn đầu tư với “tốc độ ánh sáng”. CEO Tim Cook từng nói ông đang tìm kiếm các khoản đầu tư hàng tỷ USD, gần đây nhất là khi báo cáo kết quả kinh doanh của Apple.  

Đối với Apple, công ty nắm trong tay hơn 250 tỷ USD tiền mặt và chứng khoán, 1 tỷ USD không phải nhiều nhặn gì. Phần lớn số tiền này đều nằm tại hải ngoại, ở Trung Quốc và các nước khác. Nếu “táo” đưa tiền về Mỹ, hãng có thể chịu mức thuế 35%.

Vì vậy, khi Apple đầu tư hay mua lại công ty nước ngoài sẽ tiềm ẩn cơ hội “né thuế” khổng lồ. Didi có nhiều khả năng còn cần đến tiền của Apple nhiều hơn do phải “đốt tiền” để xây dựng quy mô lớn đủ sức cạnh tranh.

4. Uber là bạn – thù mới của Apple

CEO Tim Cook được trông thấy đang nói chuyện cùng CEO Uber Travis Kalanick đầu tháng 5/2016 tại Met Gala. Đây có thể là một trong những lần cuối cùng chúng ta thấy cảnh tượng này khi Apple đang rót vốn cho đối thủ chính của Uber tại Trung Quốc.

Apple có truyền thống bạn – thù với nhiều công ty lớn khác, đáng chú ý nhất là Google. Cựu CEO Google Eric Schmidt từng nằm trong Ban quản trị Apple trước khi rời sang Google, hãng phát triển Android, đối thủ của iPhone.

Không ai trong Apple nằm trong Ban quản trị Uber và ngược lại, tuy nhiên cả hai khá thân thiết trong vài năm qua. Dịch vụ đi chung xe là đối tác quan trọng khi Apple Watch xuất hiện.

5. Trung Quốc vẫn là thị trường quan trọng nhất của Apple

Một trong những nhà đầu tư đáng chú ý nhất vào Apple, Carl Ichan, gần đây đã bán cổ phần trong Apple vì lo ngại tương lai của công ty tại Trung Quốc. Đầu tháng này, Reuters đưa tin Cook chuẩn bị tới Trung Quốc để có cuộc đàm phán với các quan chức chính phủ cấp cao sau khi nước này đóng cửa 2 cửa hàng trực tuyến. Rõ ràng, thương vụ giữa Didi và Apple xảy ra gần như đồng thời với lệnh cấm.

Apple là hãng công nghệ Mỹ thành công nhất tại Trung Quốc. Trung Quốc cũng là động cư tăng trưởng chính của Apple trong thời gian qua. Năm ngoái, Apple kiếm được tới 59 tỷ USD doanh thu tại đây. Vẫn đang có những thảo luận tại Apple về chiến lược với Trung Quốc, đầu tư 1 tỷ USD vào một trong những startup công nghệ giá trị nhất chỉ là một trong số đó.

Bắc Kinh từ lâu có khuynh hướng bảo vệ các công ty nội địa và gây khó khăn cho các doanh nghiệp ngoại như Google, Facebook. Dường như chiến dịch của Apple hiện tại là tăng cường đầu tư vào doanh nghiệp địa phương, hợp tác và khắc họa bản thân không phải như một công ty Mỹ mà là công ty quốc tế với cổ phần lớn trong hệ sinh thái công nghệ Trung Quốc. Các chuyên gia tin rằng khoản tiền 1 tỷ USD có thể “mua” được rất nhiều thiện chí tại Trung Quốc, đặc biệt là đối với Tencent và Alibaba, hai cổ đông lớn trong Didi.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận