Apple có nguy cơ trở thành BlackBerry thứ hai?

Apple có nguy cơ trở thành BlackBerry thứ hai?

Trước iPhone, BlackBerry của RIM là "vua smartphone". Chúng dường như không thể cản phá, là loại tốt nhất và thành công nhất trong các điện thoại cung cấp email và gọi thoại thời đó.

Khi iPhone xuất hiện, BlackBerry tiếp tục làm ăn “ngon nghẻ” thêm một thời gian nữa, nhưng iPhone đã hoàn toàn thay đổi cuộc chơi: nó thay đổi mục đích của smartphone, từ một thiết bị tập trung cho công việc trở thành cỗ máy cá nhân với hệ điều hành đẳng cấp và hệ sinh thái ứng dụng phong phú.

Thành công của BlackBerry kết thúc không phải vì RIM bắt đầu sản xuất các smartphone tệ hơn trước kia mà bởi vì smartphone đã vượt ra ngoài khả năng của họ và họ quá chậm trễ trong việc bắt kịp. RIM không dành hàng năm trời để phát triển một hệ điều hành đủ tốt, không có một đội ngũ thiết kế tuyệt vời, không phải chuyên gia trong sản xuất đại trà các thiết bị cao cấp, không có công cụ phát triển đáng kinh ngạc hay kho ứng dụng với hàng triệu người dùng và tất cả những tài sản khác mà Apple đã chuẩn bị trong hơn 1 thập kỷ (hoặc lâu hơn) để thai nghén iPhone.

Không có sáng kiến mới, thay đổi cơ cấu hay vụ thâu tóm nào năm 2007 có thể cứu BlackBerry. Hãng quá chậm chân và tổn thất quá lớn.

Ngày nay, Amazon, Facebook và Google đều đặt cược vào trí tuệ nhân tạo (AI), trợ lý thông minh, hi vọng chúng trở thành điều lớn lao kế tiếp trên thiết bị.

Nếu họ đúng, Apple nên là kẻ lo ngại.

Apple có nguy cơ trở thành BlackBerry thứ hai?

Tác giả Marco Arment cho rằng Apple nên lo lắng

Ngày nay, Apple vẫn đang sống rất tốt, nhưng nếu toàn cục chuyển sang ưu tiên các dịch vụ AI, ngày nào đó “táo khuyết” có thể chứng kiến mình đang ở vị trí tương tự BlackBerry gần một thập kỷ trước: những gì họ có khả năng làm và làm rất tốt không còn đủ nữa, họ không thể theo kịp.

Amazon, Facebook và Google - đặc biệt là Google - đều đầu tư mạnh mẽ vào dịch vụ web dữ liệu lớn và AI trong nhiều năm, đặt ưu tiên hàng đầu, liên tục đổi mới, nâng cấp, tích lũy dữ liệu liên quan, thu hút, phát triển, duy trì nhân tài.

Nói rằng Apple không giỏi về dịch vụ là không chính xác. Họ rất giỏi trong lĩnh vực này, chẳng hạn như iMessage, thông báo đẩy, iCloud. Điều mà Apple thua thiệt chính là dịch vụ dữ liệu lớn và AI, chẳng hạn các tìm kiếm, sự liên quan, sự phân cấp, các từ khóa phức tạp. Apple có thể phát triển các phiên bản thô sơ nhưng đối thủ, một lần nữa đặc biệt là Google, đang đi trước rất xa, khoảng cách ngày một nới rộng.

Sự bất động hiện tại của Apple cho thấy họ đang thỏa mãn với chất lượng dịch vụ, quản lý, hoạt động, thu hút chất xám và tập quán của mình. Có thể họ đúng.

Song Google cũng đúng, không thể có sửa chữa chớp nhoáng. Nếu Apple cần dịch vụ dữ liệu lớn và AI trong thập kỷ tới để duy trì cạnh tranh, họ đã phải bồi dưỡng nhân tài và “mài gươm” từ nhiều năm trước. Họ cần trở thành một công ty dịch vụ dữ liệu lớn. Dịch vụ AI dữ liệu lớn của họ cần tốt hơn, thông minh, đáng tin cậy hơn nhiều so với hiện tại.

Để trở thành một công ty như vậy, mọi thứ không thể diễn ra trong bí mật và bỗng một ngày đẹp trời, bạn giới thiệu cho toàn thế giới một cách ngắn gọn như ra mắt sản phẩm. Đó là một quá trình vĩ đại qua nhiều năm, cần sự trợ giúp từ nhiều người và nhiều tương tác đáng chú ý với thế giới. Giấu diếm việc phát triển một chiếc xe mới dễ hơn nhiều so với việc có được sự hiện diện lớn trong lĩnh vực AI và dịch vụ.

Google đang được chuẩn bị kỹ càng cho nơi mà họ sẽ đến. Họ có thể sai: các dịch vụ AI đó có thể sẽ trở nên kinh khủng như Google Glass hay Clippy. Nhiều thứ ấn tượng về công nghệ nhưng quái đản trong mắt đại chúng đã không đi đến đâu.

Nếu Google sai và điện toán tiếp tục là vòng tròn của các ứng dụng bạn sử dụng hàng ngàn lần mỗi ngày, Apple sẽ bình yên vô sự. Họ đang làm tốt việc của mình và có lẽ là trong một thời gian dài nữa. Nhưng nếu Google sai, Apple sẽ trở thành RIM thứ hai.

Marco Arment là một lập trình viên Web và iOS người Mỹ, ông cũng là một cây bút công nghệ và cựu biên tập viên tạp chí hiện đang sống tại New York (Mỹ). Arment nổi tiếng vì là người đồng sáng lập nền tảng tiểu blog Tumblr và là nhà phát triển hai ứng dụng Instapaper, Overcast.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận