Apple Music là động lực để Spotify phát triển

Apple Music là động lực để Spotify phát triển

Đại diện Spotify cho biết kể từ khi Apple Music ra mắt dịch vụ của họ đã phát triển mạnh mẽ hơn.

Spotify phát triển nhanh hơn kể từ khi Apple Music ra mắt?

Kể từ khi Apple Music mới chỉ là một ý tưởng đến khi nó được giới thiệu chính thức, nhiều chuyên gia phân tích đã đặt câu hỏi liệu dịch vụ âm nhạc trực tuyến của Apple sẽ ảnh hưởng như thế nào đến Spotify, một đối thủ hoạt động cùng phân khúc? Mặc dù đã có thông tin Apple Music thu hút bớt lượng người dùng của Spotify nhưng mới đây Giám đốc điều hành của Spotify cho biết dịch vụ của họ đã phát triển nhanh chóng kể từ khi Apple Music chính thức ra mắt.

Spotify tuyên bố hiện họ có khoảng 100 triệu người dùng, vượt xa số khách hàng của Apple Music hiện tại. Nhưng nếu chỉ căn cứ vào các thuê bao trả tiền thì sự chênh lệch giữa hai dịch vụ này là không lớn. Spotify có 30 triệu thuê bao trả tiền hàng tháng so với con số 13 triệu từ phía Apple Music. Một điểm đáng lưu ý là dịch vụ âm nhạc của Apple chỉ mới có một năm tuổi trong khi Spotify đã có 10 năm kinh doanh trong lĩnh vực này.

Apple Music không hỗ trợ quảng cáo miễn phí như Spotify. Nhưng Apple cho phép các thuê bao mới trải nghiệm dịch vụ miễn phí trong thời gian 3 tháng trước khi quyết định có sử dụng dịch vụ này với phí hàng tháng hay không. Apple cung cấp một gói thuê bao dành cho cá nhân với giá tiền 9,99 USD/tháng (222 ngàn đồng/tháng, nhưng với người dùng Việt Nam mức giá chỉ là 90 ngàn đồng/tháng) và 14,99 USD/tháng cho gói gia đình (330 ngàn đồng/tháng). Mới đây, Apple Music còn phát hành thêm một gói cước dành cho sinh viên với giá chỉ 4,99 USD/tháng (110 ngàn đồng/tháng). Trong khi đó, dịch vụ cao cấp của Spotify có giá 9,99 USD/tháng.

Spotify phát triển nhanh hơn kể từ khi Apple Music ra mắt?

Apple Music dường như không phải là mối đe dọa đối với Spotify nếu bạn nghe Jonathan Forster, Phó chủ tịch của công ty nói: "Kể từ khi Apple Music được ra mắt, chúng tôi phát triển nhanh hơn và có thêm nhiều người dùng hơn trước đây". Forster cũng cho rằng một số dịch vụ âm nhạc trực tuyến khác như Pandora, Google (YouTube Music, Google Play Music), SoundCloud và Tidal có thể sẽ không còn tồn tại trong tương lai.

Forster cho biết thêm rằng mảng kinh doanh âm nhạc trực tuyến có tính cạnh tranh khá cao và sẽ có ít tên tuổi có thể trụ lại được lâu dài.

Vị Phó chủ tịch này cũng nói rằng Spotify đã và đang đầu tư nhiều vào lĩnh vực kinh doanh có liên quan đến truyền phát âm nhạc. Ngoài dịch vụ bán nhạc, ông cho biết sắp tới Spotify sẽ tham gia vào các buổi hòa nhạc, các dự án video thương mại. Spotify cũng vừa thông báo họ đã bắt đầu cung cấp các video độc quyền cho thuê bao của mình.

Trái với dự đoán của nhiều người, Forster lại có cái nhìn khá tích cực đối với dịch vụ âm nhạc của Apple: "Thật tuyệt vời khi Apple tham gia vào cuộc chơi. Họ chắc chắn sẽ giúp nâng cao hình ảnh của các dịch vụ truyền tải nhạc… Thật khó để tự bản thân bạn xây dựng nên một ngành công nghiệp. Kể từ khi Apple Music bắt đầu, chúng tôi phát triển nhanh hơn và thêm nhiều người dùng hơn so với trước đây".

Không phủ nhận khả năng có thể bị mua lại bởi các ông lớn như Google hay Facebook nhưng Forster cho biết Spotify về cơ bản vẫn muốn tự thân phát triển theo hướng đi riêng của mình.

Bạch Đằng

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận