Đây là 10 thất bại "bẽ bàng" nhất của iPhone và cách mà Apple vượt qua nó

Đây là 10 thất bại "bẽ bàng" nhất của iPhone và cách mà Apple vượt qua nó

Để iPhone có được những thành công như ngày hôm nay, Apple cũng đã không ít lần phải nếm mùi thất bại, nhưng với bản lĩnh của một ông lớn, họ luôn biết cách đứng lên và trở lại một cách đầy mạnh mẽ.

Đây là 10 thất bại bẽ bàng nhất của iPhone và cách mà Apple vượt qua nó

Với 1,2 tỷ thiết bị được bán ra chỉ trong vòng một thập kỷ, có thể nói iPhone là dòng sản phẩm thành công nhất của Apple. Đóng vai trò của một nhà cách tân, Apple khó có thể tránh khỏi thất bại, nhưng điều quan trọng hơn là cách mà họ nhìn nhận những thất bại ấy để tự hoàn thiện bản thân và hướng về tương lai phía trước.

Dưới đây là 10 thất bại "bẽ bàng" nhất của iPhone, theo tổng hợp của trang tin Wired, và cách Apple đối mặt với những thất bại ấy.

1. "Người đàn anh xấu xí" của iPhone

Đây là 10 thất bại bẽ bàng nhất của iPhone và cách mà Apple vượt qua nó

Bạn có nhớ chiếc điện thoại di động đầu tiên của Apple không? Không phải iPhone đâu, chúng ta đang nói đến chiếc KOKR E1, sản phẩm của sự hợp tác giữa Apple với Motorola để tạo ra một chiếc điện thoại có thể sử dụng iTunes.

Câu chuyện bắt nguồn từ vào giữa những năm 2000, khi Steve Jobs bắt đầu trở nên lo lắng rằng iPod – sản phẩm ăn khách nhất của công ty lúc bấy giờ - sẽ mất đi sức hút trước một chiếc điện thoại di động có khả năng chơi nhạc. Không muốn bị tụt lại phía sau, Apple đã kí hợp đồng với Motorola để tạo ra một sản phẩm ngang tầm với chiếc điện thoại RAZR nổi tiếng và có tích hợp khả năng của iPod.

Việc bàn giao trách nhiệm thiết kế cho Motorola đã để lại "hậu quả" là một chiếc điện thoại có bề ngoài rẻ tiền, trải nghiệm người dùng nghèo nàn, camera "hẻo" và chỉ có thể lưu trữ 100 bài hát (dù bộ nhớ cho phép lưu trữ nhiều hơn). Thậm chí một bậc thầy bán hàng như Steve Jobs cũng cảm thấy xấu hổ khi ông trình diễn nó tại một sự kiện của Apple.

Cách Apple đối mặt với nó: Sau khi chứng kiến những gì công ty khác làm với công nghệ của mình, câu trả lời đã rất rõ ràng: Apple phải tự thiết kế điện thoại của riêng mình, cùng với lợi thế là họ đã từng làm việc một cách chặt chẽ với một nhà sản xuất thiết bị cầm tay.

2. iPhone được giảm giá (2007)

Apple chưa bao giờ là một công ty tạo ra sản phẩm công nghệ có giá rẻ. Vì vậy khi họ "ném cục xương" cho khách hàng bằng cách giảm giá bán lẻ của sản phẩm mới nhất của mình đi 200 USD (4,5 triệu đồng), bạn nghĩ mọi người ai ai cũng sẽ hạnh phúc phải không? Đúng vậy, ai cũng hạnh phúc, trừ những người mua từ sớm và không được giảm giá.

Đó chính xác là những gì đã xảy ra vào năm 2007 khi chiếc iPhone đầu tiên được giảm giá sâu chỉ 2 tháng sau khi nó được bán ra. Điều mà Apple nghĩ rằng sẽ là một bước quảng bá tuyệt vời đã trở thành mục tiêu của sự chỉ trích từ thế giới công nghệ - bao gồm cả những nhà phân tích cho rằng Apple tạo cảm giác như họ đang vật lộn tìm mọi cách để đạt đủ doanh số bán hàng.

Cách Apple đối mặt với nó: Sau khi Steve Jobs nhận được hàng trăm email đầy phẫn nộ từ người dùng iPhone, Apple đã giải quyết vấn đề bằng cách tặng phần quà 100 USD (2,2 triệu đồng) cho những khách hàng mua iPhone với giá cũ. Kể từ đó Apple cũng trở nên thận trọng hơn mỗi khi quyết định giảm giá.

3. Liệu có ứng dụng nào cho cái đó không? (2007)

Đây là 10 thất bại bẽ bàng nhất của iPhone và cách mà Apple vượt qua nó

Bạn còn nhớ slogan của Apple "There's an app for that" (có ứng dụng cho cái đó) không? Thực tế thì không hề như vậy. Khi Apple lần đầu tiên hoàn thành công việc trên iPhone, Steve Jobs đã từng nói với các giám đốc của Apple là ông sẽ không từ bỏ quyền kiểm soát thiết bị bằng cách cho phép các lập trình viên bên thứ ba tạo ra các phần mềm iPhone có chất lượng kém. Nếu như Steve Jobs cương quyết hơn, tương lai của iPhone có lẽ sẽ rất khác so với bây giờ.

Cách Apple đối mặt với nó: Phil Schiller và thành viên hội đồng quản trị Art Levinson đã không ngừng vận động tư tưởng của Steve Jobs cho đến khi ông đổi ý. Thông báo từ Apple cho phép các lập trình viên bên thứ ba viết ứng dụng cho iPhone đã được đưa ra vào tháng 3 năm 2008. App Store lúc ra mắt chỉ có khoảng 500 ứng dụng, nay đã có khoảng 2,2 triệu ứng dụng – và Apple được một phần từ lợi nhuận của các ứng dụng đó.

4. Trao công nghệ tân tiến cho Android (2008 – hiện tại)

Vào những năm 80 của thế kỷ trước, Steve Jobs đã để cho Bill Gates – lúc này đang là lập trình viên của Apple – có một cái nhìn trước về Macintosh, khi nó đang trong giai đoạn phát triển; cho phép Bill Gates "lật kèo" và ra mắt hệ điều hành Windows của mình.

Một vài thập kỷ sau, câu chuyện tương tự lại xảy ra khi Apple mời CEO của Google Eric Schmidt tham gia hội đồng quản trị vào thời điểm iPhone và iPad đang được phát triển, để rồi Google công bố rằng họ đã phát triển một hệ điều hành cảm ứng đa điểm dưới dạng Android. Trong những năm sau, Apple cũng đã đưa ra nhiều quyết định mang tính chiến lược cho phép Android trở nên hưng thịnh.

Ngoài ra, chúng ta cũng có thể kể đến sự phụ thuộc của Apple với nhà sản xuất thiết bị cầm tay Samsung trong những năm gần đây, khi để họ vượt mặt trong những công nghệ như OLED, màn hình vô cực, sạc không dây và hơn thế nữa.

Cách Apple đối mặt với nó: Steve Jobs đã mở một "cuộc chiến tranh hạt nhân" với Google vì đã "trộm ý tưởng của iPhone". Rất nhiều vụ kiện tụng đã diễn ra. Nay Google và Apple đã dàn xếp ổn thỏa, nhưng Apple vẫn đang trong cuộc đấu với Samsung. Đồng thời, Apple đã tập trung vào việc bán hàng với lợi thế là hệ sinh thái của mình, và doanh số bán lẻ của iPhone vượt mặt mọi đối thủ Android.

5. Thất lạc nguyên mẫu iPhone mới (2010)

Đây là 10 thất bại bẽ bàng nhất của iPhone và cách mà Apple vượt qua nó

Vô tình để quên iPhone tại một quán bar đã đủ căng thẳng rồi. Để điện thoại của bạn trong một quán bar khi nó là nguyên mẫu trước khi ra mắt của iPhone, bạn là một kĩ sư của Apple, và ông chủ của bạn là một người không-hề-dễ-tính-một-chút-nào là một câu chuyện hoàn toàn khác.

Đó là điều đã xảy ra vào năm 2010, khi kĩ sư phần mềm của Apple Gray Powell, bị mất chiếc iPhone 4 của mình. Chiếc điện thoại này đã được tìm thấy bởi một nhân viên của quầy bar, sau đó được bán cho trang tin công nghệ Gizmodo, nơi đã đăng toàn bộ thông tin về thiết bị 6 tuần trước khi nó được ra mắt tại Apple.

Cách Apple đối mặt với nó: Một tuần sau khi diễn ra sự việc, căn hộ của biên tập viên Gizmodo đã bị đội điều tra tội phạm công nghệ cao Rapid Enforcement Allied Computer Team "càn quét" không thương tiếc. Apple là một trong những thành viên của ban chỉ đạo và đã lấy lại được tài sản của mình. Đó là một trong những thách thức mà Apple đã phải đối mặt khi họ chuyển từ một kẻ yếu thế với suy nghĩ khác người sang gã khổng lồ công nghệ mạnh mẽ nhất thế giới.

6. Sự cố lỗi ăng-ten (Antennagate vào năm 2010)

Khi iPhone 4 ra mắt, nó đã phá vỡ các kỉ lục về đơn đặt hàng và doanh số bán hàng cuối tuần. Và rồi một vài khách hàng bắt đầu để ý rằng điện thoại của họ bị mất sóng theo cách mà các phiên bản tiền nhiệm không hề có. Điều này xảy ra khi chiếc iPhone được người dùng cầm bằng tay trái, và lòng bàn tay của họ đã che hết phần ăng-ten.

Vấn đề này có liên quan đến quyết định của Jony Ive trong việc loại bỏ ăng-ten bằng nhựa của các iPhone đời trước vì lí do thẩm mỹ. Sau đó, tạp chí uy tín Consumer Reports cho biết họ sẽ không khuyến cáo sản phẩm iPhone 4 vì lỗi này.

Cách Apple đối mặt với nó: Câu chuyện đã thu hút được nhiều sự chú ý đến nỗi Steve Jobs phải bay về sớm từ kì nghỉ gia đình ở Hawaii để tổ chức một cuộc họp báo. Ông đã bênh vực sản phẩm của mình, nhưng cũng trung thực về sai lầm của Apple. Những khách hàng bị ảnh hưởng được tặng ốp lưng và ốp viền miễn phí. Những đời iPhone tiếp theo đã sửa lỗi này – nhưng cái giá phải trả giữa thẩm mỹ và việc tạo ra một thiết bị "bình thường" là một trong những thứ mà Apple đã liên tục phải vật lộn trong những năm qua.

7. Apple Maps (2012)

Đây là 10 thất bại bẽ bàng nhất của iPhone và cách mà Apple vượt qua nó

Mọi người đều chấp nhận việc phần mềm v1.0 có thể có một vài lỗi, nhưng rất ít người dự đoán được rằng Apple Maps lại tệ đến như vậy. Thay vì thách thức sức mạnh của Google, phần mềm bản đồ của Apple lại trở thành một trò cười. Chỉ đường sai, gợi ý một cách "ngớ ngẩn" về những địa điểm nổi tiếng và lỗi hiển thị đã nhấn chìm Apple Maps.

Cách Apple đối mặt với nó: Ngay sau thảm họa Apple Maps, Tim Cook đã đưa ra một lời xin lỗi công khai và cha đẻ của iOS Scott Forstall đã phải rời công ty. Kể từ đó, Apple đã tích cực cải tiến phần mềm của mình: cập nhật dịch vụ, giới thiệu các tính năng mới và thậm chí thử nghiệm với drone và xe tạo bản đồ để giữ vị thế cạnh tranh của Apple Maps. Tuy không phải là phần mềm tốt nhất, nhưng ít ra thì Apple Maps cũng đã tốt hơn rất nhiều so với lúc ban đầu.

8. Phiên bản iPhone vỏ nhựa "đáng xấu hổ" (2013)

Đây là 10 thất bại bẽ bàng nhất của iPhone và cách mà Apple vượt qua nó

Ngày nay, Apple phát hành nhiều mẫu iPhone mới mỗi năm thay vì chỉ một. Chiến lược đó được bắt đầu từ chiếc iPhone vỏ nhựa "đáng xấu hổ" mang tên 5c.

Với 5 màu sắc rực rỡ, chiếc 5c lẽ ra đã là chiếc iPhone giá rẻ mà Apple dành cho phân khúc thấp hơn vốn đang được họ quan tâm. Vấn đề là gì? Với mức giá chỉ rẻ hơn phiên bản tiêu chuẩn 100 USD, dường như Apple không thể định hướng được chiếc 5c một cách đúng đắn.

Tuy 5c vẫn bán chạy hơn các sản phẩm của BlackBerry, Windows Phone và Android, nó vẫn là một nỗi thất vọng nếu xét theo tiêu chuẩn của Apple. Tim Cook đã từng thừa nhận rằng chiếc điện thoại đã "trở nên khác so với những gì mà họ nghĩ".

Cách Apple đối mặt với nó: Chiếc iPhone 5c là mẫu "c" duy nhất được Apple tung ra, nhưng mục tiêu tạo ra một sản phẩm có giá rẻ hơn cho các thị trường đang phát triển vẫn được tiếp tục. Họ cũng đã phát hành những chiếc iPhone đầy màu sắc, nhưng không quá rực rỡ như 5c.

9. Bendgate (2014)

Đây là 10 thất bại bẽ bàng nhất của iPhone và cách mà Apple vượt qua nó

Ai mà biết được rằng ngồi lên một miếng kim loại siêu mỏng sẽ khiến nó bị uốn cong cơ chứ? Rõ ràng không phải là một lượng lớn người dùng mua iPhone 6 Plus, 5,5 inch "phablet" iPhone đầu tiên của Apple.

Chỉ một thời gian ngắn sau khi giao hàng, những hình ảnh và video của chiếc iPhone bị uốn cong liên tục được đăng lên. "Bendgate" đã trở thành một "meme" (một biểu tượng văn hóa hoặc một ý tưởng lan truyền rộng rãi và nhanh chóng trong xã hội), và các công ty đối thủ đã tranh thủ "đục nước béo cò".

Cách Apple đối mặt với nó: Công ty bắt đầu bằng cách chỉ ra rằng chỉ có một số ít người dùng bị ảnh hưởng bởi sự cố này. "Bendgate" đã hoàn toàn biến mất trên phiên bản iPhone 6s Plus: các chuyên gia đã phân tích và nhận thấy Apple không chỉ sử dụng nhôm series 7000 cứng hơn mà còn gia cố các điểm chịu lực của điện thoại bằng titan và thép không gỉ.

10. Scandal U2 (2014)

Đây là 10 thất bại bẽ bàng nhất của iPhone và cách mà Apple vượt qua nó

Trường hợp này có nhiều điểm tương đồng với sự kiện giảm giá iPhone được đề cập ở trên. "Vấn đề" xảy ra khi Apple đạt được thỏa thuận với ban nhạc U2 để tự động đặt một bản sao của album Song of Innocence lên iPhone của người dùng như là một chương trình khuyến mãi đặc biệt.

Hàng triệu người đột nhiên thấy tài khoản iTunes của mình có chứa một album mà họ không hề mua – và họ không vui một chút nào. Hóa ra, một nhóm người không nhỏ không muốn nghe nhạc của U2, ngay cả khi nó là món quà âm nhạc "hào phóng" nhất trong lịch sử.

Cách Apple đối mặt với nó: Bono đã xin lỗi tại một buổi phỏng vấn trên Facebook, thừa nhận lí do là vì họ đã bị cuốn đi và bởi họ "lo sợ rằng những bài hát mà họ đã bỏ công sức hàng năm trời sẽ không được nghe". Apple đã đưa ra các hướng dẫn cho khách hàng của mình để xóa những bài hát này, và tập trung vào các sản phẩm độc quyền với dịch vụ Apple Music của mình.

Văn Hoàn

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận