Để giữ chân những dự án start-up như Flappy Bird

Để giữ chân những dự án start-up như Flappy Bird

Phóng sự về khởi nghiệp của VTV tối 10/2 nhắc đến câu chuyện 2 triệu doanh nghiệp tư nhân – con số kỳ vọng đạt được vào năm 2020. Hiện tại, Việt Nam đang có hơn 500.000 doanh nghiệp tư nhân với sự kỳ vọng lớn vào làn sóng đầu tư thứ hai, cùng tinh thần quốc gia khởi nghiệp.

Câu chuyện Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông và sự kiện CEO Google đến Việt Nam vào cuối năm 2015 cũng được nhắc lại như những ví dụ liên quan đến dự án khởi nghiệp và việc truyền cảm hứng cho những cá nhân muốn bước chân vào start-up.

Để giữ chân những dự án start-up như Flappy Bird

Tuy nhiên, chuyện Misfit Shine, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp – ví dụ điển hình của mô hình khởi nghiệp thành công – từng có ý định chọn Việt Nam làm nơi khai sinh, sau đó lại quay sang chọn Mỹ, được cho là ví dụ kinh điển liên quan đến môi trường kinh doanh trong nước cho các dự án start-up.

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, Misfit Shine không phải là đơn vị duy nhất có ý định bắt đầu ở Việt Nam. Ông bày tỏ, khởi nghiệp, sáng tạo ở Việt Nam hiện tại càng cô đơn vì hệ thống luật pháp, thể chế chính sách không ăn nhập với họ (người khởi nghiệp) hoặc họ không ăn nhập với hệ thống này.

“Vấn đề đặt ra ở đây là cần xây dựng được khung thể chế cho khởi nghiệp, nếu không, sẽ rất nhiều người, thay vì chọn Việt Nam, lại chọn Singapore, Pháp, Mỹ... làm nơi để bắt đầu”, ông Cung chia sẻ và cho biết, chúng ta cần thay đổi tư duy.

Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, trên cơ sở luật pháp, chúng ta cần xúc tiến để các cá nhân, đơn vị khởi nghiệp làm, thậm chí cần xắn tay vào làm cùng họ. Điều này sẽ khuyến khích người dân, doanh nghiệp đưa ra ý tưởng, các quỹ đầu tư mạo hiểm được thành lập.

2016 được dự báo là năm bùng nổ các dự án start-up. Câu chuyện về game Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông là ví dụ điển hình cho tinh thần khởi nghiệp của thế hệ trẻ ở Việt Nam. Ảnh: Đan Hạ.

“Cần làm sao để những ý tưởng, dù mạo hiểm, có thể được đầu tư. Trong 10 ý tưởng, chỉ 3-4 cái thành công thôi đã hỗ trợ rồi”, ông Vinh nói.

Còn theo quan điểm của bà Victoria Kwakwa, đại diện Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam, việc thành lập nhiều cơ quan, tổ chức để hỗ trợ khởi nghiệp là cần thiết. Đó có thể là các bộ ngành trung ương, doanh nhân, tổ chức tham gia, nhằm thúc đẩy số doanh nghiệp tăng lên.

“Nỗ lực khởi nghiệp sẽ có tác dụng lan tỏa, tác động nhân lên nếu xây dựng được tinh thần liên kết, hệ thống hỗ trợ bao gồm cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nhân. Đây sẽ là bệ đỡ, yêu cầu quan trong cho doanh nghiệp khởi nghiệp bay lên”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đúc kết.

Trước đó, chia sẻ trong buổi tọa đàm về doanh nhân khởi nghiệp diễn ra vào tháng 12/2015, bà Bùi Thu Thủy, Cục phó Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, chúng ta cần nghĩ đến chương trình tổng thể để hỗ trợ doanh nhân, biến hoạt động kinh doanh dựa trên hàm lượng tri thức, sáng tạo được phát huy.

Năm 2015, số doanh nghiệp thành lập mới là 94.000, con số kỷ lục. Làn sóng khởi nghiệp được dự đoán sẽ bùng nổ trong năm 2016, sau khi kế thừa những tinh thần của năm 2015.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận