Dễ kiếm tiền hơn nhờ tiếp thị liên kết

Dễ kiếm tiền hơn nhờ tiếp thị liên kết

Kênh quảng cáo ưu việt

Tiếp thị liên kết là chủ đề nóng nhất tại Hội thảo “Kinh doanh trực tuyến cùng SEO và CPA Affiliate Marketing” do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam phối hợp với công ty TNHH Interspace Việt Nam tổ chức sáng 25/3/2016 ở Hà Nội. Đây là sự kiện đầu tiên trong chuỗi sự kiện liên quan tới cuộc thi Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm SEO AWARD 2016.

Mọi chuyển khởi đầu từ lời nhận định của ông Nguyễn Thanh Hưng, Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam : “Hiện đang trong giai đoạn có thể kiếm tiền tốt hơn nhờ tiếp thị trực tuyến, đặc biệt là với mô hình tiếp thị liên kết”.

Dễ kiếm tiền hơn nhờ tiếp thị liên kết

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Tổng Thư ký VECOM. Ảnh: X.B

Trao đổi với ICTnews, ông Mai Ngọc Thiện, CEO Semura Shop, người từng có 5 năm kinh nghiệm làm SEO, chia sẻ: “Mô hình tiếp thị liên kết đã phát triển khá lâu trên thế giới nhưng mới phát triển mạnh dần lên tại Việt Nam khoảng 3 – 4 năm nay. Đặc biệt, từ năm 2014 – 2015, đột nhiên có sự chuyển biến mạnh mẽ. Rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là ngân hàng, bảo hiểm tập trung vào tiếp thị liên kết. Mô hình tiếp thị liên kết giúp doanh nghiệp mở ra nhiều cơ hội tiếp cận khách hàng hơn”.

Theo tìm hiểu của ICTnews, trên thế giới, hầu hết các công ty thương mại điện tử lớn đều có chuỗi phân phối với hình thức tiếp thị liên kết, thông qua hàng nghìn, hàng vạn website đưa thông tin giới thiệu sản phẩm, hàng hóa đến với người tiêu dùng một cách rộng rãi hơn.

Tại Việt Nam, đã có nhiều người làm tiếp thị liên kết cho Amazon, Lazada,.. Ngay tại hội thảo sáng 25/3, có tới 1/3 trong số hơn 100 đại biểu tham dự hội thảo đã có kinh nghiệm làm tiếp thị liên kết.

Mô hình tính phí quảng cáo trên hiệu quả thực tế CPA (Cost per Action) của tiếp thị liên kết (doanh nghiệp mua quảng cáo chỉ phải trả phí khi khách hàng hành động theo mong muốn của mình như mua hàng, đăng ký dịch vụ, điền thông tin, cài đặt ứng dụng...) ưu việt hơn các hình thức thu tiền quảng cáo hiện hành như trả phí theo lượt nhấp chuột (CPC – Cost per Click), lượt hiển thị (CPM – Cost per Thousand Impression), bởi sự giảm thiểu rủi ro cho đơn vị mua quảng cáo phải trả tiền cho nguồn truy cập không phát sinh doanh thu do nhấp chuột ảo.

Bản thân đã khai thác được nhiều lợi ích từ việc tham gia nền tảng tiếp thị liên kết, ông Cao Tú, CEO Sudo đưa ra lời khuyên: “Ngay từ đầu không thể kiếm được nhiều tiền từ việc làm tiếp thị liên kết mà cần phải có sự kiên trì rất lớn. Bản thân chúng tôi cũng phải mất hơn 1 năm mới đạt được kết quả khả quan”.

Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Bình, sáng lập viên của Cộng đồng iSocial phân tích: “Nội dung và phân tích dữ liệu hiện là “trái tim” của tiếp thị liên kết nói chung và tiếp thị liên kết qua mạng xã hội nói riêng. Hiện Việt Nam đã có một số kênh mạng xã hội như Facebook, Google, YouTube, Flickr, Zalo, Twitter, Instagram, Pinterest.. Tuy nhiên, Facebook vẫn là mạng xã hội số 1 trong tiếp thị liên kết, và YouTube là kênh thứ 2 có thể kiếm được nhiều tiền trong hoạt động tiếp thị liên kết. Những người muốn tham gia hoạt động tiếp thị liên kết một cách hiệu quả nên chi khoảng 10% chi phí quảng cáo tiếp thị trực tuyến của mình cho việc theo dõi, kiểm thử những mạng xã hội mới”.

Dễ kiếm tiền hơn nhờ tiếp thị liên kết

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: X.B

Vẫn còn những khó khăn cho tiếp thị liên kết tại Việt Nam

Đồng tình với nhận định rằng ở Việt Nam, thị trường tiếp thị liên kết đang phát triển rất mạnh mẽ, nhiều doanh nghiệp đang tìm đến tiếp thị liên kết như một kênh để gia tăng doanh thu cũng như số lượng khách hàng, song ông Nguyễn Trọng Thơ, CEO của Công ty iNet cũng lưu ý: “Vẫn có một số hạn chế khi làm tiếp thị liên kết ở Việt Nam so với quốc tế. Đó là khâu thanh toán. Khi 1 khách hàng được 1 người làm tiếp thị liên kết giới thiệu vào website mua hàng thì hiện tại việc thanh toán đa phần là thanh toán chuyển khoản, thanh toán trực tiếp khi giao hàng, dẫn đến cơ chế theo dõi việc thu tiền, chia tiền thực hiện trễ. Hy vọng thời gian tới, việc thanh toán online ở Việt Nam sẽ thuận tiện hơn. Khi khách hàng thanh toán online thì gần như người bán hàng nhận được tiền ngay, và việc chia tiền cho người làm tiếp thị liên kết gần như được thực hiện ngay lập tức. Như vậy, sự tin tưởng của người làm tiếp thị liên kết tại Việt Nam sẽ được tăng lên, và họ sẽ tích cực triển khai hoạt động tiếp thị liên kết cho các doanh nghiệp Việt Nam nhiều hơn”.

Còn theo ông Andy Nguyễn: “Tại Việt Nam, tiếp thị liên kết vẫn đang ở trong giai đoạn phát triển rất mới. Chúng tôi muốn cuộc chơi dài hơi, cùng xây dựng ngành tiếp thị liên kết, khuyến khích publisher tự tin phát triển. Một trong những khó khăn lớn nhất đối với sự phát triển tiếp thị liên kết ở Việt Nam là không phải đơn vị nào cũng hiểu rõ khái niệm và mô hình tiếp thị liên kết. Cần có thời gian để thuyết phục họ hiểu và ứng dụng mô hình này. Mặt khác, thời gian tới, sẽ có nhiều đơn vị cùng tham gia kinh doanh tiếp thị liên kết. Có thể sẽ có sự cạnh tranh dẫn đến giết chết ngành này. Các đơn vị cần ngồi cùng nhau để làm những việc có lợi cho ngành, không phải giẫm chân lên nhau, cướp của nhau mà cùng ghép vào các mảng miếng khác nhau, mỗi người một phần cùng góp sức để xây dựng ngành tiếp thị liên kết Việt khỏe mạnh hơn”.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận