Doanh số iPhone giảm lần đầu tiên trong lịch sử, vì đâu nên nỗi?

Doanh số iPhone giảm lần đầu tiên trong lịch sử, vì đâu nên nỗi?

Lần đầu tiên kể từ khi Apple tung mẫu smartphone đầu bảng năm 2007, công ty bán được ít iPhone hơn so với cùng kỳ của năm trước đó. Doanh số iPhone giảm 16% trong quý đầu năm 2016 và giảm tới 32% so với quý IV/2015. Công ty giá trị nhất thế giới bán được 51 triệu smartphone, nhiều hơn bất cứ ai trừ Samsung. Tuy nhiên, nó không thể làm nguôi “nỗi đau” của Apple. Thực tế, iPhone quá quan trọng với “táo khuyết” tới nỗi nó dẫn đến doanh thu cả hãng giảm theo 13%.

Tổng Giám đốc Tim Cook cho biết nguyên nhân sụt giảm là do yếu tố kinh tế vi mô, gồm tỉ giá hối đoái không thuận lợi và triển vọng kinh tế toàn cầu mờ mịt. Song, đằng sau những lý do to tát này, chúng ta có thể phân tích được điều gì đang diễn ra và vì sao Apple nên lo lắng về tương lai của mình.

Hiện tại, ông Cook vẫn tự tin iPhone là mảng kinh doanh mạnh và ổn định. Tỉ lệ nâng cấp iPhone cao, khách hàng trung thành, số người dùng Android chuyển sang iOS lớn, nhiều cơ hội để tăng trưởng ở thị trường mới nổi. Tất cả đều đúng nhưng sự thật là iPhone ngày càng bán được ít hơn.

Kinh tế thế giới đang trong tình thế khó đoán. Mỗi tuần trôi qua lại mang đến cho chúng ta sự ngờ vực mới, từ thị trường chứng khoán bất ổn của Trung Quốc cho đến khủng hoảng năng lượng tại Venezuela. Với một công ty phụ thuộc vào mạng lưới quốc tế, đặc biệt là bán sản phẩm cao cấp, bất kỳ xáo trộn nào đều có thể ảnh hưởng không nhỏ đến ví tiền của Apple.

Ngoài ra, là một công ty Mỹ, tỷ giá hối đoái cũng tác động không ít. Đồng đô-la mạnh – tăng 20% trong 2 năm qua – ngược với các đồng tiền khác khiến xuất khẩu sang thị trường nước ngoài đắt đỏ hơn. Bán một chiếc iPhone “giá chát” là thách thức lớn khi nhiều khu vực đang sống dưới điều kiện lý tượng; lạm phát khiến nhiều người bỏ sang điện thoại giá rẻ hơn hay thúc đẩy họ dùng iPhone cũ lâu hơn.

Jan Dawson, Chủ tịch hãng nghiên cứu Jackdaw Research, nhận định: “Thị trường smartphone toàn cầu ngày càng chậm lại do tỉ lệ sử dụng smartphone tại các thị trường phát triển đã bão hòa và ngay cả các thị trường như Trung Quốc cũng bắt đầu chứng kiến tăng trưởng chậm hơn”.

Sự sụt giảm này là có thật và ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Hãng Gartner dự đoán doanh số smartphone toàn cầu sẽ đạt mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2008. Kết hợp với điều kiện kinh tế, những yếu tố đó đều nằm ngoài khả năng kiểm soát của Apple. Song, mọi chuyện chưa dừng lại tại đây…

Doanh số iPhone giảm lần đầu tiên trong lịch sử, vì đâu nên nỗi?

Ván bài chật chội

iPhone không tệ đi mà ngày một tốt hơn, nhưng các điện thoại khác cũng tốt hơn rất nhiều. Không chỉ thế, chúng còn rẻ nữa. Nhà phân tích Gartner, Tuong Nguyen, chia sẻ: “Điện thoại hiện nay đã đủ tốt tới mức tôi không cần điện thoại đắt tiền để làm những gì mình muốn nữa. Dù có dùng một thiết bị tầm trung, nó đã đáp ứng nhiều hơn những gì tôi cần”.

Thực tế, nhiều smartphone giá phải chăng đã vượt qua ngoài biên giới “đủ tốt” và có những mẫu như Nexus 5X (giá 300 USD) lại vô cùng xuất sắc. Trong khi đó, iPhone 6s giá rẻ nhất cũng 650 USD. Trong con mắt của Dawson, thiết bị Android giá rẻ đang gặm mất thị phần của các thiết bị Android cao cấp hơn là iPhone, đặc biệt tại các thị trường ngoài nước Mỹ. Chênh lệch giá giữa hai đối thủ tạo ra ranh giới khó lòng vượt qua. iPhone 6s có thể tốt hơn Nexus 5X thật, nhưng nó có xứng đáng để bỏ ra thêm 350 USD không? Đó là câu hỏi Apple phải đưa ra đáp án cho số đông.

iPhone SE giá 400 USD có thể khắc phục phần nào nhưng chưa phải lúc. Avi Greengart, Giám đốc nghiên cứu tại Current Analysis, cho rằng nó sẽ không tác động ngay lập tức. Apple thậm chí còn không sản xuất đủ iPhone SE để phục vụ tất cả những ai đang cần. Chính bản thân người đứng đầu Apple cũng nói: “Chúng tôi rùng mình vì phản hồi của mọi người. Rõ ràng nhu cầu vượt quá những gì chúng tôi đã nghĩ”.

Trong khi đó, việc các nhà mạng Mỹ bỏ chính sách hợp đồng 2 năm tạo ra tác động đáng kể: nó xóa bỏ động lực mua một điện thoại mới. Mọi người giữ thiết bị lâu hơn, và khi tính năng ngày một tốt hơn, smartphone cũng không bị vô dụng theo thời gian. Điều này áp dụng với Bắc Mỹ, nơi đang chiếm khoảng 1/3 doanh số iPhone. 1/3 khác đến từ Trung Quốc, nhưng tại đây, Apple lại đối mặt với một loại khó khăn khác.

Trung Quốc “mong manh”

Tầm quan trọng của Trung Quốc đối với Apple không thể bị đánh giá thấp. Chuyên gia Tuong Nguyen của Gartner đánh giá quốc gia này đại diện cho 32,1% doanh số Apple tới cuối năm 2015. Mùa hè năm ngoái, doanh số iPhone tại đây tăng tới 87% so với cùng kỳ năm 2014.

Dù đã bán iPhone tại Trung Quốc vài năm, mức tăng đột biến vừa rồi là kết quả của thỏa thuận đầu tiên giữa Apple với China Mobile, nhà mạng với 800 triệu thuê bao. Chỉ trong một ngày, Apple đã nâng lượng khách hàng tiềm năng lên hơn 2,5 lần so với toàn bộ dân số Mỹ. Ông Cook trấn an nhà đầu tư: “Trung Quốc có thể không mang lại cơn gió mát như đã từng nhưng vẫn bền vững hơn nhiều những gì tôi nghĩ”. Song, “bền vững” không đồng nghĩa với những khoản tiền kếch xù. Theo Tuong Nguyen, Apple không thể nào gấp đôi doanh số được nữa bất chấp thực hiện nhiều nỗ lực tại quốc gia đông dân nhất thế giới.

Hơn nữa, kinh tế Trung Quốc không trong điều kiện lý tưởng. Greengart cho biết tiêu dùng của người Trung Quốc nói chung đều đi xuống, ngoài ra còn có các công ty bản địa như Xiaomi mô phỏng thiết kế của Apple nhưng giá bán lại thấp hơn nhiều.

Theo ông Cook, các thị trường mới nổi là nguồn sức mạnh tiềm ẩn, doanh số iPhone tại Ấn Độ tăng 56% theo năm và do nước này đang phát triển cơ sở hạ tầng LTE, iPhone có thể thu hút nhiều khách hàng hơn nữa. Nhưng, nếu ngay cả khi Trung Quốc không thể tăng trưởng 87% trong vài năm nữa, Apple cũng không nên kỳ vọng Ấn Độ quá lớn.

Sức mạnh cốt lõi

Một quý doanh số giảm không tạo đên dư chấn, ông Dawson cho rằng Apple không các nhà đầu tư không cần lo lắng. iPhone SE cuối cùng có thể thúc đẩy hoạt động của Apple tại phân khúc mà công ty từ lâu không ngó ngàng tới. Quan trọng hơn, vòng sản phẩm “s” của Apple đã qua, đồng nghĩa với khách hàng bắt đầu trông ngóng iPhone 7 mới sau 18 tháng phải chứng kiến các thiết kế cũ.

“Điều quan trọng cần ghi nhớ là doanh số Apple luôn được củng cố mỗi lần sản phẩm mới ra mắt, mọi người đều biết iPhone tiếp theo sẽ xuất hiện vào tháng 9. Họ mong chờ nó”, Greengart nói.

Xu hướng vĩ mô vẫn sẽ là một vấn đề nhưng kéo theo đó là thực tế này: tầng lớp trung lưu tại nhiều thị trường mới nổi sẽ được mở rộng, dù hiện tại họ chưa đủ sức mua iPhone nhưng tương lai vài năm nữa sẽ khác.

Những gì chúng ta đang thấy chỉ là khởi đầu cho một lộ trình của Apple, trong đó iPhone hoặc tăng trưởng chậm hoặc không tăng trưởng. Theo ông Dawson, câu hỏi đặt ra là doanh số tuy khiêm tốn nhưng vẫn tăng hay sẽ dậm chân tại chỗ. Kể cả trong kịch bản xấu nhất, Apple vẫn kiếm rất nhiều tiền từ iPhone và các sản phẩm khác.

Doanh thu iPhone trong quý vừa qua là 32 tỷ USD, gần bằng cả hai công ty Google và Microsoft cộng lại.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận