Doanh số TMĐT tăng hơn gấp đôi vào Ngày Độc thân 11/11, nhưng doanh số ngày 12/12 còn cao hơn

Doanh số TMĐT tăng hơn gấp đôi vào Ngày Độc thân 11/11, nhưng doanh số ngày 12/12 còn cao hơn

Nền tảng tiếp thị trực tuyến mở Criteo (NASDAQ: CRTO) vừa công bố các dữ liệu mùa mua sắm 11/11 (còn được gọi là Ngày Độc thân) và 12/12. Dữ liệu dựa vào hai ngày mua sắm năm 2017 tại Đông Nam Á, trong đó bao gồm khảo sát tại Việt Nam, cho thấy tiềm năng tăng trưởng theo cấp số nhân và cơ hội lớn cho các nhà bán lẻ trong mùa mua sắm cuối năm của khu vực.

Tại sự kiện hồi giữa tuần, bà Silvia Siow, Giám đốc chiến lược khách hàng, khu vực Đông Nam Á, Hồng Kông và Đài Loan của Criteo cho biết, doanh số bán hàng năm 2017 tăng trưởng lần lượt 238% và 258% trong hai ngày 11/11 và 12/12.

Doanh số TMĐT tăng hơn gấp đôi vào Ngày Độc thân 11/11, nhưng doanh số ngày 12/12 còn cao hơn

Bà Silvia Siow, Giám đốc chiến lược khách hàng Criteo, khu vực Đông Nam Á, Hồng Kông và Đài Loan - Ảnh: H.Đ

Bà Silvia cho biết người mua sắm trong khu vực ASEAN thường bắt đầu tìm kiếm và nghiên cứu sản phẩm trong khoảng một tuần trước khi hai ngày mua sắm chính thức bắt đầu.

Phân tích dựa trên 71 triệu giao dịch mua sắm bán lẻ trên máy tính để bàn, điện thoại thông minh và máy tính bảng từ các nhà quảng cáo bán lẻ tại Đông Nam Á năm ngoái (giai đoạn từ 1/10 đến 31/12/2017), Criteo cho biết số lượt truy cập trung bình trang web vào ngày 11/11 đã tăng 78%. Mùa mua hàng cuối năm tác động đến hầu hết các danh mục bán lẻ trên khắp các quốc gia như Indonesia, Singapore, Đài Loan và Việt Nam.

Bà Silvia cho biết các mặt hàng như hàng gia dụng, điện tử, thời trang, đồ chơi & đồ dùng (theo thứ tự) có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong hai ngày mua sắm này. Ví dụ cho lý do tăng trưởng vì các mặt hàng điện tử, hàng gia dụng có giá bán khá cao nên mức giảm giá cũng lớn, kích thích người mua nhiều hơn.

Đại diện Criteo cho biết các nhà bán lẻ muốn thu hút người tiêu dùng và tối đa hóa doanh số bán lẻ trong năm nay phải bắt đầu thực hiện chiến lược tương tác kỹ thuật số từ một đến hai tuần trước khi người tiêu dùng có xu hướng bắt đầu thực hiện hành trình mua sắm nhân dịp này. Các nhà bán lẻ cần đầu tư chiến dịch để thu hút, giữ chân khách hàng và duy trì hành trình mua sắm của người tiêu dùng cho đến lúc hoàn tất quá trình mua hàng.

“Tại Đông Nam Á, số liệu bán lẻ vào ngày 12/12 đang tăng với tốc độ cao hơn ngày 11/11, do đó các nhà bán lẻ nên chú ý đến toàn bộ mùa mua sắm. Nên kết hợp các giải pháp máy học dựa trên dữ liệu vào chiến lược kỹ thuật số của nhà bán lẻ trong suốt mùa mua sắm chứ không chỉ trong hai ngày, nhằm đảm bảo sản phẩm của doanh nghiệp là sản phẩm được xem và mua trên toàn khu vực”, bà Sylvia nói.

Ngày Độc thân: Bắt đầu mùa mua sắm cuối năm

Ở khu vực Đông Nam Á, doanh số bán lẻ đạt đỉnh điểm vào ngày 11 tháng 11, với mức tăng 238%. Từ ngày 4 đến ngày 11/11, lượng truy cập trực tuyến trung bình trên các trang web của các công ty bán lẻ chính tăng 32%.

Doanh số TMĐT tăng hơn gấp đôi vào Ngày Độc thân 11/11, nhưng doanh số ngày 12/12 còn cao hơn

Ông Zhang YiXing – CEO Lazada Việt Nam - trong ngày phát động chương trình 11/11 của trang thương mại điện tử này.

Người mua sắm bắt tay vào cuộc chạy đua mua sắm cả ngày cho Ngày Độc thân, với doanh số bắt đầu đạt đỉnh vào 10 giờ sáng trở đi và tiếp tục như vậy cho đến nửa đêm, chỉ với một khoảng thời gian nghỉ ngắn vào giờ ăn tối. Duyệt web kéo dài cả ngày, đạt mức tăng 160% lúc 9 giờ tối.

Dữ liệu của Criteo cũng cho thấy người mua sắm đang mua sắm trên tất cả các kênh kỹ thuật số - máy tính để bàn, web trên di động và ứng dụng dành cho thiết bị di động.

Họ đang ngày càng có xu hướng giao dịch trên các ứng dụng dành cho thiết bị di động, giao dịch ứng dụng chiếm ưu thế với mức tăng 278 % trong Ngày Độc thân.

Do đó, các nhà bán lẻ cần tập trung cho ứng dụng di động trở thành trung tâm trong chiến lược tương tác của họ vì đây là một điểm tiếp xúc quan trọng trên hành trình mua sắm của người tiêu dùng.

Tăng trưởng mua hàng trong Ngày Độc thân ở khu vực ĐNA theo nhóm ngành là: Sức khoẻ và Làm đẹp – 526% (Việt Nam: 161%), Thời trang – 384% (Việt Nam: 244%), Đồ điện tử - 407% (Việt Nam 266%), Đồ gia dụng – 439% (Việt Nam: 276%), Đồ chơi & Ứng dụng – 291% (Việt Nam 181%).

Làn sóng mua sắm cao điểm vào ngày 12/12

Các nhà bán lẻ có cơ hội thứ hai để thúc đẩy sự gắn kết và bán hàng tới người tiêu dùng vào ngày 12/12, tiếp tục bởi đà mua sắm được tạo ra từ Ngày Độc thân.

Doanh số TMĐT tăng hơn gấp đôi vào Ngày Độc thân 11/11, nhưng doanh số ngày 12/12 còn cao hơn

Một mẫu quảng cáo của Robins cho đợt mua sắm ngày 12/12 năm ngoái.

Ở khu vực Đông Nam Á, doanh số bán lẻ đạt đỉnh điểm vào ngày 12/12, với mức tăng 258%. Từ ngày 9 đến ngày 12/12, lưu lượng truy cập trực tuyến trung bình trên các trang web của các công ty bán lẻ chính tăng 46%.

Ở các nước như Việt Nam và Indonesia, 12/12 đang nổi lên như một cơ hội lớn hơn cho các nhà bán lẻ so với Ngày Độc thân, lần lượt tăng 387% và 340% doanh số bán lẻ. Tiếp theo là Singapore (530%) và Đài Loan (193%).

Một số thông tin về các ngành hàng trong khu vực ĐNA cho ngày 12/12: Sức khoẻ và Làm đẹp – 547% (Việt Nam: 137%), Đồ điện tử - 547% (Việt Nam 341%), Đồ gia dụng – 463% (Việt Nam: 249%), Thời trang – 435% (Việt Nam: 233%), Đồ chơi và Điện tử - 369% (Việt Nam 107%).

Với việc tăng doanh số đỉnh điểm vào ngày 12/12, Criteo khuyên các nhà bán lẻ nên duy trì nỗ lực cho việc quảng cáo của họ đến ngày 21/12 nhằm tiếp tục thúc đẩy doanh số bán hàng khi người tiêu dùng có xu hướng nhiều nhất giai đoạn này.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận