Giám đốc quỹ đầu tư CyberAgent: Chỉ những nhà đầu tư kiên nhẫn nhất mới có thể đầu tư vào thị trường Việt Nam

Giám đốc quỹ đầu tư CyberAgent: Chỉ những nhà đầu tư kiên nhẫn nhất mới có thể đầu tư vào thị trường Việt Nam

Giám đốc quỹ đầu tư CyberAgent: Chỉ những nhà đầu tư kiên nhẫn nhất mới có thể đầu tư vào thị trường Việt Nam

Đây là thông tin được ông Dzung Nguyen, Giám đốc quỹ đầu tư CyberAgent Việt Nam và Thái Lan đưa ra tại TalkUp@VPBank No.1, chủ đề Toàn cảnh Đông Nam Á và câu chuyện gọi vốn của Việt Nam.

Gọi vốn luôn được xem là vấn đề nan giải đối với các startup trong nước. Thống kê cho thấy trong năm 2016 tổng giá trị đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp khu vực Đông Nám Á là 1,5 tỷ USD, nhưng 80% trong số đó đổ vào Indonesia và Singapore. Ở Việt Nam số tiền là rất khiêm tốn.

Bên cạnh đó, các startup ở Việt Nam, theo như thông tin của ông Dzung Nguyen mới chỉ gọi vốn ở đơn vị hàng chục chứ chưa có công ty nào kêu gọi được hàng trăm triệu USD.

Giải thích cho câu chuyện vốn đầu tư ngoại không mặn mà với thị trường startup Việt Nam, GĐ quỹ đầu tư CyberAgent Việt Nam và Thái Lan đưa ra một số nguyên nhân.

Thứ nhất là về quy mô thị trường. Ông Dzung Nguyen nói rằng theo quy luật, nguồn vốn sẽ chảy từ thị trường lớn sang thị trường nhỏ. Cụ thể, từ Mỹ sang đến Nhật, Trung Quốc, Ấn Độ rồi mới tới Đông Nam Á. “Nói đến Đông Nam Á, Indonesia là thị trường lớn nhất, GDP nước này gấp 4,5 lần Việt Nam”.

Thứ hai đó là về chính sách hỗ trợ mà theo ông Dzung Nguyen là Việt Nam chưa có chính sách tốt cho việc gọi vốn.

“Điểm nhấn, khác biệt lớn nhất giữa thị trường startup Việt Nam và các quốc gia khác như Indonesia, Malaysia, Singapore chính là chính sách hỗ trợ, khiến cho tình hình gọi vốn tốt hơn”, ông nói.

Ông cũng cho rằng thị trường Việt Nam tiềm ẩn những rủi ro lớn, nhiều thủ tục, giấy phép con, thời gian giải ngân vốn đầu tư rất lâu mà như ví von thì “chỉ những nhà đầu tư kiên nhẫn nhất mới có thể đầu tư”.

Cụ thể, như đại diện CyberAgent đưa ra thì việc giải ngân 50.000 USD hay 100 triệu USD thì thời gian là như nhau, không có sự khác biệt. Thời gian giải ngân ở Việt Nam được xem là rất lâu, từ 8 tháng đến 1 năm trong khi đó ở Singapore chỉ là 1 tuần, Thái Lan là 1 tháng…

Giám đốc quỹ đầu tư CyberAgent: Chỉ những nhà đầu tư kiên nhẫn nhất mới có thể đầu tư vào thị trường Việt Nam

Nguyên nhân vì một bộ hồ sơ giải ngân ở Việt Nam rất phức tạp, nhiều thông tin, phiên dịch công chứng nhiều lần, yêu cầu chữ ký “tươi” (không được dùng chữ ký điện tử),…Bên cạnh đó, giấy phép con ở Việt Nam còn rất nhiều, một lĩnh vực, ngành nghề có thể nằm trong sự quản lý của vài bộ, khiến cho nhà đầu tư cảm thấy lo ngại.

Trong khi đó, đối với các startup, đặc biệt startup nhỏ, thì chỉ cần khoảng 6 tháng là biết “sống hay chết”, nghĩa là nếu không có tiền để sống qua vòng đầu tư thứ nhất thì chắc chắn không có vòng gọi vốn với những con số đầu tư lên đến chục, trăm triệu USD.

Thứ ba, ngoài các vấn đề về môi trường, chính sách, quy mô thị trường thì các founder của startup Việt có mức độ cọ xát quá ít so với các startup ở nước ngoài.

Thứ tư, theo ông Dzung là vấn đề thoái vốn đầu tư ở Việt Nam gặp khó khăn. Cho rằng startup là sản phẩm, các nhà đầu tư mua vào sẽ phải bán ra, nếu bán được mới thành công. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện “không có lối thoát”, do đó, không ai dám đầu tư. “Họ sẽ chọn những thị trường dễ thu hồi vốn hơn, đó có thể là Indonesia, Singapore, Thái Lan…”, ông nói.

Ông Đỗ Hoài Nam, đồng sáng lập Up Co-working Space bổ sung thêm ngoài vấn đề thoái vốn với bao nhiêu tiền thì nhà đầu tư quan tâm đến cả thoái vốn bằng cách nào. Bởi tại Việt Nam chưa có nhiều sự lựa chọn thoái vốn do hệ thống mua bán sáp nhập chưa hoàn thiện.

Lựa chọn IPO cũng là một phương án khó. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp lâu đời cũng chỉ vừa mới dám thực hiện. Đa phần các startup chọn bán lại cho nước ngoài hoặc các nhà đầu tư khác.

Tuy nhiên, ở đây lại phát sinh thêm vấn đề thuế không rõ ràng. Câu hỏi đặt ra là thuế nhà đầu tư phải đóng là thuế gì? Đó là thuế chuyển nhượng vốn hay thuế mua bán chứng khoán.

Theo ông Đỗ Hoài Nam, câu hỏi này với nhà đầu tư cá nhân tương đối rõ ràng, nhưng với nhà đầu tư pháp nhân vẫn là một dấu hỏi, đặc biệt là với nhà đầu tư nước ngoài.

“Việc các nhà đầu tư dè dặt với startup Việt Nam nhiều khi không phải do chúng ta đánh thuế nhiều, mà môi trường của chúng ta không rõ ràng, nhà đầu tư không hiểu mình sẽ phải làm gì”, ông Đỗ Hoài Nam nói.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận