Giới công nghệ Mỹ thất vọng vì Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ

Giới công nghệ Mỹ thất vọng vì Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ

Ông Donald Trump không được lòng giới công nghệ Mỹ ngay từ đầu nên khi ông chính thức đắc cử tổng thống Mỹ lần thứ 45, một không khí thất vọng, lo lắng, buồn bã bao trùm lên Silicon Valley.

Donald Trump

Theo kênh CNBC của Mỹ, những nhân viên đang làm việc ở Apple, Alphabet, Microsoft, Facebook và Amazon đã ủng hộ tổng số 3 triệu đô la cho ứng viên đảng Dân chủ là bà Hillary Clinton, so với chỉ hơn 50.000 USD cho ông Donald Trump.

Về số tương đối, bà Clinton thu hút 97% tài trợ của các hãng công nghệ lớn, 3% còn lại chia cho ông Trump, ứng viên tự do Gary Johnson và ứng viên đảng Xanh Jill Stein.

Silicon Valley và Seattle, quê nhà của các hãng công nghệ khổng lồ, từ lâu đã ủng hộ đảng Dân chủ, nhưng việc ủng hộ một phía như thế này là chưa từng có, thể hiện sự phản ứng của giới công nghệ với thái độ của ông Trump về người thiểu số, phụ nữ và mối quan ngại về các vấn đề như nhập cư, biến đổi khí hậu (mà ông Trump gọi là nhảm nhí). Các hãng công nghệ cho rằng các chính sách kinh doanh của bà Clinton là thân thiện hơn.

Về tổng thể, ngành điện tử và truyền thông Mỹ đã gửi 55,7 triệu USD đến chiến dịch tranh cử của bà Clinton và các nhóm liên quan, nhiều hơn 55 lần so với 1 triệu USD gửi cho ông Trump. So với năm 2012, tổng thống Barack Obama gây được gấp 3 lần số tiền so với đối thủ Mitt Romney và vào năm 2008, ông Obama thu hút gấp 6 lần so với đối thủ John McCain.

Trong một số trường hợp, mối quan hệ của ông Trump với một số hãng công nghệ lớn đã chuyển hướng thù nghịch công khai. Theo kế hoạch lấy lại việc làm về Mỹ và xoá bỏ trợ cấp thương mại cho các nước như Trung Quốc, ông đã nhiều lần nói rằng ông yêu cầu Apple sản xuất iPhone ở Mỹ.

"Chúng ta sẽ bắt Apple bắt đầu sản xuất những chiếc máy tính và sản phẩm chết tiệt của họ ở đất nước này", ông phát biểu như vậy hồi tháng Một năm nay.

Ông chỉ trích Amazon vì cáo buộc né đóng thuế, tấn công CEO Jeff Bezos của Amazon – cũng là người sở hữu báo Washington Post – sử dụng tờ báo như một "công cụ cho quyền lực chính trị". Sau đó, ông Bezos phản bác lại, chỉ trích những nỗ lực gây ảnh hưởng lên báo chí của ông Trump. Washington Post cũng công khai ủng hộ đối thủ của ông Trump là bà Clinton.

Ngay từ những ngày đầu chiến dịch tranh cử, ông Trump nhận được thái độ lạnh nhạt của Silicon Valley, khi ông tuyên bố sẽ xây một bức tường ở biên giới với Mexico và trục xuất tất cả những người nhập cư bất hợp pháp. Nhiều hãng công nghệ Mỹ được lập ra bởi người nhập cư và tất nhiên, ngành công nghệ cũng dựa chủ yếu vào nguồn lao động nước ngoài có kỹ năng kỹ thuật. Thậm chí, khi nhà đầu tư mạo hiểm và đồng sáng lập PayPal là Peter Thiel ủng hộ ông Donald Trump, một số người trong ngành công nghệ đã xa lánh ông.

Chính vì vậy, hôm nay khi ông Donald Trump thắng cử, theo tường thuật của báo Los Angeles Times, cảm xúc bao trùm Silicon Valley là không tin được, tức giận, thất vọng và buồn như đưa đám. Và hơn cả, hiện giới công nghệ  Mỹ có nhiều điều để lo lắng hơn, như một tổng thống Trump có ý nghĩa gì đối với ngành công nghệ?

Những phát biểu của Trump về công nghệ không giúp làm giảm căng thẳng ở Silicon Valley. Trong chiến dịch của mình, ông Trump kêu gọi tẩy chay Apple trừ phi hãng cung cấp cho FBI biện pháp bẻ khoá iPhone. Trong một cuộc tranh luận tổng thống, ông nhấn mạnh sự thiếu hiểu biết của ông về ngành công nghệ.

Minh Hương

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận