Grab dẫn trước Uber tại thị trường Đông Nam Á

Grab dẫn trước Uber tại thị trường Đông Nam Á

Grab dẫn trước Uber tại thị trường Đông Nam Á

Startup Grab đang dẫn đầu thị trường chia sẻ phương tiện tại Đông Nam Á.

Startup Grab đang dẫn đầu thị trường chia sẻ phương tiện tại Đông Nam Á. Đây được đánh giá là một thị trường hết sức tiềm năng với 600 triệu người, gần gấp đôi dân số Mỹ. Startup này mở dịch vụ tại nhiều thành phố và khu vực hơn Uber. Theo công ty phân tích ứng dụng App Annie, Grab đã hạ gục Uber trong cuộc đua giành giật người sử dụng.

Thị trường chia sẻ phương tiện tại khu vực này dự kiến tăng trưởng gấp 5 lần, từ 2,5 tỷ USD của năm ngoái lên con số 13,1 tỷ USD vào năm 2025, theo dữ liệu của một báo cáo về kinh tế Internet Đông nam Á của công ty đầu tư Temasek Holdings.

GrabTaxi Holding Pte Ltd., công ty có trụ sở tại Singapore, ra đời năm 2012, chuyên cung cấp các dịch vụ được điều chỉnh linh hoạt ví dụ như dịch vụ “Grabbike” với giá rẻ hơn và phù hợp với những quốc gia có hệ thống giao thông còn hạn chế. Trong vòng 4 năm, công ty tăng số nhân viên lên thành 1.600 người, hoạt động tại 6 quốc gia, 30 thành phố ở Đông Nam Á, tức là gấp đôi so với Uber.

Mặc dù vậy Grab vẫn vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ phía “đại gia lắm tiền” Uber, với tổng giá trị 68 tỷ USD. Grab đã kêu gọi được 14 tỷ USD tiền đầu tư và giúp công ty có thêm thế mạnh để mở rộng thị trường.

Thế nhưng, Grab có những nhà đầu tư lớn "ngấp nghé chờ đợi", ngoài các quỹ Coatue Management LLC và Tiger Global Management, công ty còn nhận được nguồn vốn từ đối thủ lớn nhất của Uber: Didi Chuxing Technology Co., công ty chia sẻ phương tiện lớn nhất tại Trung Quốc.

Ông Anthony Tan, 34 tuổi, người Malaysia từng học tại Harvard Business School, Giám đốc cấp cao của Grab cho biết ông đã mường tượng ra công ty như một nền tảng web không chỉ chuyên về dịch vụ chia sẻ phương tiện mà còn nhiều dịch vụ khác, ví dụ như thanh toán điện tử.

"Chúng tôi không chỉ nghĩ về việc vận chuyển. Làm thế nào chúng ta xây dựng được Baidu, Alibaba, Tencent?", ông Tan đề cập đến những công ty tìm kiếm, thương mại điện tử và mạng xã hội lớn nhất tại Trung Quốc.

Grab đã chuyển vào ngân hàng khoảng 2/3 trong số 700 triệu USD công ty được các nhà đầu tư rót vốn và cũng không cần thêm vốn trong thời điểm hiện tại, ông Tan cho hay. Công ty đang kiếm ra lãi tại một số thành phố nhưng ông Tan từ chối đưa ra dự đoán khi nào công ty sẽ có lãi ở tất cả các thành phố.

Tại khu vực nơi ít người sử dụng thẻ tín dụng và không phải ai cũng có tài khoản ngân hàng, Grab chấp nhận cho người dùng và lái xe trả và nhận tiền mặt. Tại TP.HCM và Jakarta, Grab còn mở thêm dịch vụ Grab Bike. Grab cũng cung cấp dịch vụ chuyển hàng để hỗ trợ các startup thương mại điện tử trong khu vực, giúp chuyển các gói hàng này đến những ngóc ngách của thành phố. Uber cũng có dịch vụ chuyển hàng nhưng chỉ có tại Mỹ.

Thế nhưng, Uber nhờ nguồn tài chính mạnh có thể giúp công ty tuyển được những kỹ sư tài năng và phát triển các công nghệ hàng đầu. Với khoản tiền đầu tư lớn đó, Uber có thể trang trải trong thời gian dài hơn Grab. Tuy nhiên, cả 2 công ty đều đang vướng phải một vấn đề về công nghệ: Mặc dù dân số Đông Nam Á đông nhưng nhiều người tiêu dùng chưa được tiếp cận với Internet và có nghĩa là họ không thể sử dụng ứng dụng.

Cả 2 công ty đều từ chối tiết lộ về số người sử dụng song ứng dụng Grab đã dẫn trước Uber về số lượt tải trong quý đầu trên cả 2 nền tảng Android và Apple tại mọi thị trường mà Grab mở dịch vụ, bao gồm: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, theo App Annie. Ngoài ra, theo App Annie, Grab cũng dẫn trước Uber về số người dùng tích cực mỗi tháng ở "rất nhiều thị trường Đông Nam Á" trên Android smartphone vốn thống trị thị trường này.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận