LG thua Samsung ở điểm nào?

LG thua Samsung ở điểm nào?

Trước khi smartphone xuất hiện và trở nên phổ biến, LG vẫn có chỗ đứng trên thị trường di động toàn cầu. Các mẫu điện thoại của hãng như Chocolate, Prada hay Cookie rất được ưa chuộng và khiến Samsung như ngồi trên đống lửa. Song từ nửa sau năm 2009 đến nay, khi nhắc đến các thương hiệu smartphone nổi tiếng, Samsung luôn được nhắc đến trước LG.

Một nguyên nhân được nhắc đến trong bài viết trước là LG đã chọn bắt tay với Microsoft và Windows Mobile thay vì Google và Android. Android và sự bùng nổ smartphone đã đưa HTC lên thành một cái tên nổi bật của làng công nghệ còn Samsung vượt mặt Nokia thành nhà sản xuất thiết bị cầm tay lớn nhất vào năm 2012. Trong khi đó, LG vẫn đang lấn cấn giữa các lối đi, giảm bớt thiết bị Windows Phone và lúc này mới chuyển hướng sang Android.

LG thua Samsung ở điểm nào?

Chiến dịch quảng bá của LG gắn với nhiều cái “đầu tiên”: công ty đầu tiên ra smartphone Android lõi kép (Optimus 2X); công ty đầu tiên giới thiệu smartphone 3D không cần kính (Optimus 3D); smartphone đầu tiên dùng chip Snapdragon S4 Pro (Optimus G). Sang đến thời hiện tại, LG vẫn không ngừng chứng minh sức sáng tạo của mình với LG G Flex màn hình cong hay dòng LG G với các nút bấm chuyển hết về phía sau và đặc biệt là mẫu điện thoại “xếp hình” LG G5.

Dù vậy, có vẻ không phải sáng tạo nào cũng được đền đáp và thành công. Thực tế cho thấy dường như người dùng ưa chuộng các sản phẩm có kiểu dáng truyền thống, thậm chí từa tựa nhau qua các năm nhưng được nâng cấp nhiều về công nghệ bên trong hơn, chẳng hạn Galaxy S7 và S7 Edge. So với S6, S7 không thay đổi nhiều về kiểu dáng bên ngoài nhưng được trang bị nhiều tính năng mới và thực sự mạnh mẽ. Samsung đưa nhiều đổi mới vào camera của S7, trong đó có ống kính độ mở lớn hơn và chụp ảnh thiếu sáng đẹp hơn. Cơ chế lấy nét tự động kép học tập từ máy ảnh chuyên nghiệp hiện diện lần đầu tiên trên S7. Đó là một nước cờ táo bạo và không có smartphone nào lấy nét nhanh hay chụp chất lượng, rõ nét như S7. Chính nhờ những thay đổi ngoạn mục trong bộ đôi S7/ S7 Edge, Samsung đã vực dậy được mảng di động của mình sau một thời gian dài sụt giảm.

Có thể nói, sản phẩm của LG không thua kém các đối thủ ở bất cứ điểm nào, chỉ vì sự hiện diện ít ỏi đã làm tổn thương tất cả. Hugues de la Vergne, một nhà phân tích của Gartner, từng nhận xét do thị trường thay đổi quá nhanh nên hãng nào chậm một nhịp với các thay đổi đó đều có xu hướng bốc hơi nhanh chóng trước mắt công chúng.

Theo một số cây bút công nghệ, vấn đề lớn nhất của LG nằm ở nhận diện thương hiệu. Còn nhớ khi ra mắt Galaxy S3, Samsung đã tổng lực quảng bá sản phẩm trên mọi mặt trận: từ các bảng biểu lớn đến trạm xe buýt, công ty phủ sóng hình ảnh S3 khắp mọi ngóc ngách tại các thị trường phát triển. Họ không phải doanh nghiệp duy nhất làm điều đó: HTC cũng nỗ lực tiếp thị cho dòng One và cả cái tên HTC, Apple được xem là “tường thành” trong lĩnh vực marketing. Thậm chí, nhiều hãng còn “nương” theo Apple để nhiều người biết đến hơn thông qua những quảng cáo “sặc mùi” cạnh tranh.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận