Mạng xã hội Việt khó sống khi bị “ngược đãi”

Mạng xã hội Việt khó sống khi bị “ngược đãi”

Giảm mạnh số người sử dụng

Theo thống kê của Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin & Truyền thông : Kể từ khi Thông tư số 09/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông có hiệu lực (từ tháng 10/2014) đến nay, Bộ TT&TT đã cấp phép khoảng 100 mạng xã hội (MXH). Trong đó, lĩnh vực nội dung thông tin chia sẻ, trao đổi trên MXH có số lượng giấy phép được cấp nhiều nhất (27 giấy phép). Tiếp đến là các lĩnh vực giải trí, âm nhạc, công nghệ, đời sống xã hội, kinh tế... (24 giấy phép); sức khỏe, gia đình (8 giấy phép), công nghệ thông tin (8 giấy phép), kinh tế, tài chính, ô tô xe máy (7), trò chơi điện tử (6), thể thao (5), giáo dục (4), du lịch, địa điểm (4), lao động, việc làm (2), kết bạn (2), nông, lâm ngư nghiệp (2), công tác từ thiện (1)...

Riêng trong năm 2015, đã có 54 MXH được cấp phép hoạt động, trong đó, 8 MXH được cấp phép với thời hạn 5 năm, còn lại được cấp phép với thời hạn 10 năm.

Nhìn vào con số nêu trên, nhiều người ngỡ rằng kinh doanh MXH là mảng kinh doanh khá hấp dẫn, ngày càng được nhiều doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đầu tư.

Thế nhưng, với trải nghiệm của người trong cuộc, nhiều doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh MXH lại đang có chung tâm trạng khá bi quan.

Đại diện cho VNG Corporation, bà Phan Thu cho biết: “VNG hiện có 5 MXH, đã hoàn tất thủ tục cấp phép trong năm 2015, gồm f319, TV.Zing, Me.Zing (được cấp phép tháng 6/2015), Talktv, Mp3.Zing (được cấp phép tháng 7/2015). Con số người sử dụng của MXH của Zing Me dựa trên dữ liệu (data) tổng của Zing ID năm 2013 là 22 triệu người. Thế nhưng đến năm 2015, tài khoản (account) thường xuyên sử dụng chỉ còn 7,1 triệu người”.

Còn theo ông Phan Thế Luân, người sáng lập website Nhạc của tui: “Hiện tại, 90% traffic (lưu lượng) mạng xã hội hoạt động ở Việt Nam đang thuộc về FacebookYouTube. Còn hơn 200 website, MXH Việt Nam may lắm chỉ nắm giữ được khoảng 10%. Nếu không có những chính sách quản lý, hỗ trợ phù hợp thì chỉ khoảng 5 năm nữa, chúng ta sẽ mất sạch 100% thị phần”.

Mạng xã hội, Facebook, chính sách, Youtube, chính sách quản lý, kinh doanh mạng xã hội,
Theo đại diện doanh nghiệp, nếu không có những chính sách quản lý, hỗ trợ phù hợp thì chỉ khoảng 5 năm nữa, chúng ta sẽ mất sạch 100% thị phần

Doanh nghiệp than chính sách đang "bảo hộ ngược"

Phân tích nguyên nhân của hiện trạng nêu trên, ông Phan Thế Luân nhấn mạnh: “Chính sách, quy định của chúng ta đang tạo sự “ngược đãi” với các doanh nghiệp trong nước. Doanh nghiệp trong nước kinh doanh MXH thì phải làm rất nhiều việc như phải xin giấy phép, báo cáo, đóng thuế... và thường xuyên bị xử lý, bị phạt. Trong khi đó, doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh MXH tại Việt Nam lại không phải làm những việc đó, và chưa bao giờ bị phạt. Đơn cử chương trình “Những kẻ lắm lời” nếu nằm trên trang mạng xã hội của doanh nghiệp Việt Nam thì chắc chắn nhận biên bản phạt. Song vì nằm trên YouTube nên không bị xử lý gì. Mặt khác, doanh nghiệp Việt muốn kinh doanh MXH phải tuân thủ quá nhiều quy định kiểm soát, không thể cạnh tranh nổi với doanh nghiệp nước ngoài trong cùng lĩnh vực”.

“Hiện Google và nhiều đơn vị nước ngoài khác đặt mấy trăm server ở Việt Nam. Họ còn được hưởng giá sốc là miễn phí. Chỉ cần bắt họ đặt server ở nước ngoài thì chắc chắn đường truyền rất chậm, MXH của họ chắc chắn không hoạt động tốt, và lúc đó người dùng sẽ quay về sản phẩm Việt Nam. Chẳng hạn, mỗi lần đứt cáp, trafic của các trang MXH nội địa tăng 20 – 30%, vì người dùng không vào được Facebook, YouTube... thì buộc phải vào Zing, Nhạc của tui...”, ông Phan Thế Luân nói.

Bà Phan Thu cũng chung nhận định: “Câu chuyện bất bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài đã được nói rất nhiều. VNG gần như không còn niềm tin với việc có thể làm được chuyện tạo sự công bằng giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài cùng kinh doanh MXH nữa. Do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan như kém thế cạnh tranh với đối thủ nước ngoài, hạn chế phát triển nội dung..., hiện VNG đã hạn chế đầu tư cho mảng kinh doanh mạng xã hội”.

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Giám đốc VTC Intecom cũng không kém vẻ bi quan khi chia sẻ: “Sự bất cập trong quản lý gây thua thiệt cho doanh nghiệp trong nước cùng với sự gia tăng áp lực cạnh tranh từ doanh nghiệp nước ngoài đang khiến mạng xã hội trong nước giảm mạnh doanh thu và hoạt động. Nhiều doanh nghiệp không còn niềm tin để phát triển nữa”.

Một điểm đáng chú ý khác, theo phân tích của ông Phan Thế Luân, đang khiến cho các mạng xã hội Việt dễ chết sớm, đó là: “Chúng tôi rất đau khổ khi thấy các trang thông tin điện tử trong nước thường xuyên đăng quảng cáo miễn phí cho Facebook, YouTube. Ngay cả Đài Truyền hình quốc gia cũng suốt ngày quảng cáo rằng “lên YouTube để tìm kiếm chương trình của VTV”. Thậm chí cả doanh nghiệp viễn thông khi hướng dẫn đăng ký gói cước cũng dẫn luôn rằng “gói này cho xài Facebook miễn phí”. Nếu những đơn vị không được cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam cấp phép này cứ được quảng cáo miễn phí rầm rộ thế này thì doanh nghiệp Việt kinh doanh MXH chết chắc. Nếu không có chính sách quản lý phù hợp, bình đẳng hơn thì doanh nghiệp Việt Nam ngày càng yếu thế và gần như chết. Thậm chí nhà có điều kiện như VNG còn không dám đầu tư tiếp thì các công ty khác càng khó khăn hơn rất nhiều”.

Đề xuất cách tháo gỡ khó khăn cho các MXH Việt Nam, người sáng lập Nhạc của tui đề nghị Bộ TT & TT không cho phép doanh nghiệp không có giấy phép MXH được đặt máy chủ (server) tại Việt Nam.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận