Những cổng kết nối bị "kết liễu" bởi các thiết bị dán mác Apple

Những cổng kết nối bị "kết liễu" bởi các thiết bị dán mác Apple

Giắc tai nghe 3.5mm sớm muộn cũng sẽ trở thành cái tên tiếp theo trong danh sách hàng chục chuẩn kết nối phổ biến bị "kết liễu" dưới tay Apple suốt hàng chục năm qua.

Những cổng kết nối bị kết liễu bởi các thiết bị dán mác Apple

Trong thời gian gần đây, cộng đồng mạng liên tục bàn tán về tin đồn Táo khuyết sẽ loại bỏ một chuẩn kết nối cực kỳ phổ biến - giắc tai nghe 3.5mm - trên thế hệ iPhone mới sắp ra mắt. Các bằng chứng thuyết phục được đưa ra như ảnh dựng không có giắc 3.5mm của iPhone mới, hay gần đây nhất là chiếc tai nghe EarPods dùng đầu cắm Lightning.

Dù chưa được Apple xác nhận nhưng nó đã gây ra những cuộc tranh cãi về ưu, nhược điểm cũng như giải pháp thay thế của Apple khi loại bỏ giắc 3.5mm khỏi một thiết bị điện tử cực kỳ phổ biến như iPhone. Bàn tán nhiều bởi 3.5mm đã trở thành cổng kết nối quá phổ biến, nó xuất hiện trên hầu hết các thiết bị điện tử ngày nay và tồn tại trong khoảng thời gian rất dài.

Tuy nhiên, 3.5mm không phải chuẩn kết nối duy nhất bị Apple tiên phong loại bỏ khỏi các thiết bị nổi tiếng của mình. Trong lịch sử, Táo khuyết đã không ít lần mạnh tay loại bỏ các cổng kết nối phổ biến trên các thiết bị mới của hãng và thay thế chúng bởi các loại cổng mới hơn, hiện đại hơn, kể cả khi các nhà sản xuất khác còn chưa kịp sẵn sàng với điều đó.

Dù ban đầu luôn phải hứng chịu nhiều chỉ trích, nhưng không thể phủ nhận chính sự "mạnh tay" của Táo khuyết mà các chuẩn kết nối hiện đại hơn mới có thể phổ biến và được trang bị ngày càng nhiều trên các thiết bị của nhiều hãng khác ngoài Apple. Theo sự phát triển của công nghệ, một số cổng thậm chí còn "chìm vào quên lãng" khỏi ngành công nghiệp chỉ vài năm sau khi bị Apple loại bỏ khỏi các thiết bị của hãng (dù trước đó nó cực kỳ phổ biến) như ổ đĩa mềm, ổ đĩa quang, cổng SCSI hay VGA chẳng hạn.

Nhưng tóm lại, đã có bao nhiêu cổng bị "giết chết" dưới tay Apple và chúng phải mất bao nhiêu năm để hoàn toàn biến mất khỏi thế giới công nghệ hiện đại? Trang tin The Verge đã tổng hợp lại danh sách một số cổng kết nối phổ biến từng bị Apple loại thẳng tay khỏi các sản phẩm dán mác Táo như sau:

Những cổng kết nối bị kết liễu bởi các thiết bị dán mác Apple

Có thể thấy, khoảng thời gian tồn tại của chúng trên các thiết bị Apple thường vào khoảng 10-15 năm cho đến lúc thiết bị cuối cùng trang bị kết nối đó bị khai tử hoàn toàn, ngay cả ổ đĩa mềm – phương tiện lưu trữ phổ biến nhất vào thời điểm đó – cũng chỉ tồn tại trên chiếc iMac được 15 năm, "đệ tử" của nó là ổ CD cũng chỉ sống được 15 năm trên các sản phẩm Táo khuyết. Cổng kết nối USB truyền thống đã tồn tại được 18 năm, và dường như nó sẽ sớm bị thay thế bởi USB-C, cổng kết nối chỉ mới xuất hiện trên chiếc MacBook 12 inch ra mắt năm ngoái.

Tuy nhiên, nếu thường xuyên đọc tin công nghệ thì bạn sẽ thấy cổng kết nối thường được loại bỏ khỏi các dòng sản phẩm mới trước (được cho là "chiến lược" tiếp theo của Apple) rồi sau đó vài năm thì nó mới "về vườn" hoàn toàn. Trước đây, khi mẫu máy tính iMac đã loại bỏ cổng ADB, SCSI và ổ đĩa mềm thì Apple vẫn trang bị chúng trên các sản phẩm khác (hầu hết dành cho doanh nghiệp và người dùng chuyên nghiệp) trong vài năm tiếp theo vì vẫn còn rất nhiều khách hàng cần chúng và họ cần thời gian chuẩn bị để "lên đời" các chuẩn kết nối mới hơn.

Bạn cũng có thể thấy trong biểu đồ trên, chúng tôi sử dụng hầu hết những chiếc máy iMac, MacBook và iPhone làm ví dụ bởi các sản phẩm của Apple thường có khá nhiều mâu thuẫn giữa khái niệm cổng kết nối (port) và chuẩn kết nối (standard). Ví dụ như chiếc MacBook đời đầu bằng nhựa, hỗ trợ chuẩn VGA nhưng lại dùng cổng Mini VGA. Sau đó Apple lại có thêm cổng Mini DVI, chuẩn Mini DisplayPort và bây giờ chuẩn kết nối Thunderbolt và Thunderbolt 2 lại dùng chung cổng kết nối với chuẩn Mini DisplayPort. Vì vậy, 1 cổng kết nối nhưng các chuẩn kết nối trên nó lại rất khác nhau.

MacBook 12 inch được tách ra thành một thiết bị riêng bởi chúng tôi dự đoán USB-C sẽ trở thành chuẩn kết nối mới trong tương lai nhờ vào chiếc MacBook này. Mặc dù để ý thì bạn sẽ thấy: có chung chuẩn kết nối là USB nhưng USB-C và USB lại dùng 2 loại cổng kết nối khác nhau.

Trên đây chỉ là các thiết bị tiêu biểu. Nếu có nhiều thời gian hơn, mời bạn xem bảng danh sách toàn bộ các cổng kết nối và sự xuất hiện của chúng trên tất cả các thiết bị của Apple từ trước đến nay (như Macintosh, iMac, PowerBook, MacBook, iPhone, iPad,…) do biên tập viên trang The Verge thực hiện.

Giắc tai nghe 3.5mm có lẽ là cổng kết nối "già" nhất trong các cổng kết nối được tích hợp trên các thiết bị của Apple, nó xuất hiện đến nay đã 32 năm kể từ chiếc Mac đầu tiên ra mắt năm 1984. Đây cũng là một trong số ít ỏi các cổng kết nối không hề có sự thay đổi về công dụng hay tính năng, như USB còn có USB 2.0, USB 3.0 thì giắc tai nghe 3.5mm lại… chẳng có bất kỳ nâng cấp nào cả. Liệu giắc tai nghe có còn tồn tại thêm nhiều năm nữa hay không? iPhone 7 có loại bỏ giắc tai nghe hay không? Thời gian sẽ trả lời cho câu hỏi trên.

Phúc Thịnh

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận