Những điều cần biết về dịch vụ đi nhờ xe Trung Quốc được Apple chống lưng

Những điều cần biết về dịch vụ đi nhờ xe Trung Quốc được Apple chống lưng

Didi Chuxing vừa được Apple “rót” 1 tỷ USD đầu tư. Nó thường được gọi là “Uber của Trung Quốc” nhưng thực tế, Didi Chuxing khiến Uber và nhiều đối thủ khác phải kiêng dè. Didi gần như nắm trọn thị trường đi nhờ xe Trung Quốc với 99% thị phần, hoạt động tại hơn 400 thành phố, so với con số 45 của Uber. Không chỉ có xe hơi và taxi, Didi còn cung cấp dịch vụ xe buýt và tài xế (trong trường hợp bạn quá say và không thể tự đi về nhà).

Dưới đây là một số điều cần biết về Didi Chuxing:

1. Didi "to" hơn Uber

Didi Chuxing được sáng lập sau khi hai công ty đi nhờ xe Didi Dache và Kuiadi Dache sáp nhập. Ban đầu, nó chỉ cho phép khách hàng gọi taxi do lái xe chuyên nghiệp cầm lái. Đó là bởi vì trước năm 2015, thuê tài xế không chuyên chở khách trên xe tư là việc làm bất hợp pháp tại phần lớn Trung Quốc.

Tất cả thay đổi vào tháng 10/2015 khi Didi được Trung Quốc cấp phép hoạt động dịch vụ gọi xe tư. Kể từ đó, Didi bùng nổ và ước tính có tới 14 triệu tài xế, thực hiện 11 triệu chuyến đi mỗi ngày trên hơn 400 thành phố. Didi gọi vốn 4 tỷ USD vào thời gian đó và được định giá khoảng 20 tỷ USD. 1 tỷ USD của Apple là khoản đầu tư riêng lẻ lớn nhất mà Didi nhận được kể từ khi thành lập.

Didi còn được “chống lưng” mạnh mẽ từ một số doanh nghiệp lớn trong nước cũng như hai hãng công nghệ quyền lực Tencent và Alibaba.

Những điều cần biết về dịch vụ đi nhờ xe Trung Quốc được Apple chống lưng

Didi Chuxing cung cấp nhiều dịch vụ vận tải tại Trung Quốc

2. Triệt hạ cạnh tranh

Didi thống trị thị trường Trung Quốc nên rất khó để các đối thủ như Uber thâm nhập vào. Didi nắm trong tay 87% thị trường gọi xe tư nhân tại đây và nhiều khả năng còn mở rộng hơn. Nó thậm chí còn điều hành cả một dịch vụ xe buýt tư.

Didi ký thỏa thuận với Lyft của Mỹ để những người dùng đang ở Mỹ có thể dùng ứng dụng Didi để gọi xe Lyft. Ngược lại, người Mỹ có thể dùng ứng dụng Lyft để gọi xe Didi. Công ty còn hợp tác với các dịch vụ gọi xe phổ biến tại Ấn Độ và Malaysia.

Ngoài ra, Didi đặt cược vào trí tuệ nhân tạo, đầu tư mạnh mẽ vào việc nghiên cứu phát triển các thuật toán để dự đoán chính xác nhu cầu và hướng dẫn tài xế đến các khu vực có đông khách hàng. Bởi sức mạnh của Didi, Uber mất tới 1 tỷ USD/năm chỉ để cạnh tranh tại Trung Quốc.

3. Chính phủ Trung Quốc hỗ trợ

Quan điểm của Bắc Kinh đối với các công ty như Didi thay đổi hoàn toàn vào năm ngoái. Tháng 5/2015, Bộ trưởng Giao thông vận tải Trung Quốc khẳng định nước này không bao giờ cho phép xe tư hoạt động như dịch vụ chia sẻ xe thương mại. Các dịch vụ như vậy được xem như mối đe dọa lớn tới dịch vụ taxi truyền thống. Tuy nhiên cuối năm đó, quỹ đầu tư của nhà nước đã “bơm” 500 triệu USD cho Didi, dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy chính phủ hỗ trợ mở rộng dịch vụ gọi xe. Ngoài ra, điều đó còn trở thành chướng ngại vật cho các đối thủ khi muốn thách thức Didi.

4. Một “rổ” bê bối

Tháng 5/2016, thị trường gọi xe Trung Quốc rúng động khi Didi Chuxing xác nhận một trong các tài xế của mình đã sát hại một hành khách nữ. Theo Techweb đưa tin, hôm 2/5, một người dùng diễn đàn đăng thông báo mất tích nhấn mạnh em vợ mình biến mất sau khi gọi xe Didi từ trường về sau 9h tối. Anh nhấn mạnh chiếc xe là Toyota màu trắng, còn có cả biển số xe.

Bài đăng được chia sẻ nhiều trên mạng và cảnh sát bắt tay vào cuộc. Ngày hôm sau, họ thông báo tìm ra người được tin là tài xế của xe tại một phòng khách sạn. Người phụ nữ mất tích bị cướp và bị giết.

Phát ngôn viên Didi cho biết tài xế này đã vượt qua vòng kiểm tra lý lịch và không phạm tội trong quá khứ. Song, giấy phép lái xe mà hắn dùng trên chiếc xe để đón nạn nhân lại khác với hồ sơ nộp cho Didi. Do đó, nếu nạn nhân không chụp biển số xe trước khi lên xe, nghi phạm có thể đã không bị bắt.

Tháng trước đó, Didi đã đuổi việc 3.000 tài xế có tiền sử dùng chất kích thích và phạm pháp. Tháng 4/2015, 2 lái xe khác của Didi cũng bị tố cáo hãm hiếp hành khách.

Dù vậy, nhà sản xuất iPhone vẫn xem Didi là ván bài lớn. Do Apple đang muốn thúc đẩy doanh số tại Trung Quốc, đầu tư vào dịch vụ gọi xe lớn nhất nước có thể giúp công ty có được dấu ấn vững chắc hơn.

“Chúng tôi đầu tư vì một số lý do chiến lược, trong đó có cơ hội hiểu sâu hơn về vài phân khúc trong thị trường Trung Quốc”, CEO Tim Cook giải thích nguyên nhân đầu tư 1 tỷ USD cho Didi.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận