Những thăng trầm của Samsung trên thị trường smartphone

Những thăng trầm của Samsung trên thị trường smartphone

Có thể nói, trong những năm qua, Samsung đang trải qua nhiều thăng trầm trên thị trường smartphone. Gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc vươn lên trở thành hãng smartphone hàng đầu thế giới sau khi ra mắt Galaxy S3 năm 2012. Thời điểm đó, nhu cầu về những mẫu smartphone cao cấp rất lớn và việc đáp ứng đúng nhu cầu này giúp Samsung có 5 quý liên tiếp đạt lợi nhuận kỷ lục.

Hiện tại, smartphone đã trở nên bão hòa, nó trở thành một chiếc điện thoại bình thường mà ai cũng có thể sở hữu - nhờ giá bán giảm xuống đáng kể. Ngay cả Apple nổi tiếng với dòng iPhone được đánh giá là smartphone tốt nhất, cũng không thoát khỏi quy luật bão hòa này khi tốc độ tăng trưởng gần như bằng 0 trong quý vừa qua. "Táo khuyết" cũng dự báo doanh số iPhone sẽ giảm trong quý tiếp theo.

Những thăng trầm của Samsung trên thị trường smartphone

Điện thoại Galaxy S6 Edge của Samsung. 

Ngày hôm qua , Samsung công bố kết quả tài chính quý IV/2015 (quý kết thúc vào ngày 31/12/2015). Theo đó, doanh số bán vi xử lý cùng tấm nền màn hình giúp công ty đạt lợi nhuận quý 5,1 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2014. Đây là thành quả của những nỗ lực đến từ công ty Hàn Quốc, khi mà cách đây 1 năm, trong báo cáo tài chính của Samsung là con số 36% tụt giảm về lợi nhuận. Samsung cũng cho biết trong một tuyên bố rằng, hãng dự đoán sẽ gặp nhiều thách thức trong năm 2016 khi nhu cầu công nghệ thông tin (IT) giảm xuống.

Những khó khăn của Samsung không phải là điều gì đó quá khó hiểu. Smartphone ngày càng rẻ hơn, và ngay cả các model cực rẻ cũng có thể lướt web, gửi tin nhắn, chơi game... Khi giá bán giảm xuống, mức chi tiêu cho smartphone sẽ giảm. Hãng phân tích thị trường Gartner dự đoán rằng lượng xuất xưởng điện thoại di động tăng 2,6% trong năm 2016 nhưng doanh thu sẽ giảm. Các thị trường "đẻ trứng vàng" cho Samsung và Apple (điển hình là Trung Quốc) xuất hiện hàng loạt công ty smartphone nội địa. Các công ty này tung ra hàng loạt model có giá bán rẻ hơn iPhone hay điện thoại Samsung nhưng chức năng không hề thua kém.

Tất cả những thực tế này được thể hiện rõ trong kết quả tài chính của mảng di động của Samsung. Trong quý IV/2015, mảng mobile của công ty Hàn Quốc chứng kiến mức tăng trưởng lợi nhuận 13%, còn doanh số bán giảm 3%. Về tổng thể, mobile đóng góp 36% trong tổng lợi nhuận hoạt động của công ty, giảm đáng kể so với những năm trước (có thời điểm mobile chiếm 2/3 lợi nhuận của Samsung).

Trong năm 2016, Samsung dự đoán mức tăng trưởng ở mảng smartphone sẽ chỉ ở một con số do nhu cầu bão hòa và tính cạnh tranh ngày càng cao. Hồi cuối năm ngoái, công ty đã có những thay đổi ở bộ phận quản lý nhằm vực dậy tình hình - bằng cách tập trung hơn vào phần mềm và dịch vụ. Nếu thành công với chiến lược mới, mảng điện thoại của Samsung có thể sẽ tiếp tục tăng trưởng, bởi phần mềm và dịch vụ là những yếu tố thu hút người dùng tìm đến với thiết bị. Tuy nhiên, khả năng thành công là cao hay thấp thì vẫn là một câu hỏi chưa có câu trả lời. Samsung bị phụ thuộc vào hệ điều hành Android của Google để sử dụng trên smartphone của mình, còn nền tảng Tizen do chính công ty phát triển thì vẫn mới chỉ ra mắt ở một vài thị trường nhỏ lẻ. Trong khi đó, chính Samsung cũng đã "ra tay" khai tử hàng loạt dịch vụ mà họ ra mắt, như Samsung Media Hub và Milk Video.

Trong lúc chờ mảng dịch vụ và phần mềm "cất cánh", trong những quý vừa qua, Samsung đang phải phụ thuộc vào các mảng khác để "làm đẹp" báo cáo tài chính của mình, như TV và chip xử lý. Công ty Hàn Quốc hiện là hãng sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới, và là hãng sản xuất vi xử lý lớn thứ 2 toàn cầu, chỉ sau Intel. Samsung là đối tác cung cấp các thành phần linh kiện để các công ty công nghệ khác sử dụng trong sản phẩm của mình, trong đó có cả Apple (iPhone 6S của Apple sử dụng RAM do Samsung sản xuất).

Trong báo cáo tài chính quý, mảng chip và màn hình của Samsung ghi nhận mức tụt giảm lợi nhuận 4,7% so với cùng kỳ năm 2014 trong khi vẫn chiếm gần một nửa lợi nhuận của toàn công ty. Để củng cố sức mạnh, cũng như để "nâng đỡ" mảng smartphone trong thời kỳ khó khăn, Samsung cho biết họ sẽ phát triển một con chip được thiết kế đặc biệt để dùng cho các thiết bị theo dõi sức khỏe, một thị trường được đánh giá là rất tiềm năng trong tương lai. Hồi tháng trước, công ty từng công bố một loại vi xử lý sinh học (bio-processor). Vi xử lý này sẽ được tích hợp các công cụ đo lường tinh vi có thể theo dõi các số liệu như chất béo cơ thể, độ stress, khối lượng cơ xương, nhịp tim, nhiệt độ da. Công ty cho biết, con chip đang trong quá trình sản xuất và sẽ có mặt trên các thiết bị theo dõi sức khỏe vào nửa đầu năm 2016. 

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận