Samsung cần những cải tổ mạnh mẽ để tồn tại

Samsung cần những cải tổ mạnh mẽ để tồn tại

Samsung là công ty ghét thất bại.

Đó là điều hiển nhiên, không công ty nào thích thất bại, nhưng cũng chẳng có công ty nào phản ứng với thất bại theo cách mà hãng điện tử Hàn Quốc đã làm.

Một câu chuyện nổi tiếng từ năm 1995 khiến người ta nhớ mãi. Chủ tịch Samsung khi đó là ông Lee Kun-hee đã bắt 2000 nhân viên đứng xem cảnh tượng 150.000 chiếc điện thoại lỗi bị đốt trước nhà máy của họ ở Guni, Hàn Quốc. 

Rất nhiều trong số những chiếc điện thoại này lẽ ra là quà Giáng sinh từ Samsung đến nhân viên của mình. Tất cả đều gặp lỗi.

Hành động này gửi đến thông điệp rõ ràng: Đừng để những điều tương tự xảy ra một lần nữa.

Hai thập kỷ sau, Samsung vẫn quay cuồng trong thảm họa Galaxy Note 7, đặt nhân viên của họ đứng trước trận lửa lớn hơn rất nhiều.

Chủ tịch Lee Kun-hee và gia đình
Chủ tịch Lee Kun-hee và gia đình. Ảnh: Sonyinsider.

Những biến cố này sẽ khiến Samsung thay đổi. Bên cạnh đó, kỳ đại hội lãnh đạo hàng năm sắp tới có lẽ sẽ chứng kiến rất nhiều thay đổi về mặt nhân sự, đặc biệt là các vị trí cao cấp. Samsung phải thay đổi nếu không muốn giá trị thị trường tiếp tục giảm sút và Apple, Google hưởng lợi sau khủng hoảng Note 7.

Tính bí mật

Bên trong Samsung rất bí mật. Cây bút Steve Kovach của tờ Business Insider nói rằng, ngay cả những nguồn tin thân cận với anh cũng đột nhiên kín tiếng trong lúc cuộc điều tra nguyên nhân Note 7 cháy nổ diễn ra.

Nhiều người cho rằng công ty đang muốn giữ kín thông tin tốt nhất có thể, cho tới khi hoàn thành quá trình điều chỉnh lãnh đạo hàng năm. Sau đó, các kế hoạch xây dựng lại thương hiệu sẽ bắt đầu.

Chỉ một tuần sau khi có thông tin về những chiếc Note 7 được cho là an toàn tiếp tục cháy nổ, Samsung buộc lòng phải thu hồi Note 7 lần 2, đồng thời tuyên bố khai tử luôn dòng sản phẩm này. 

Mới đây, Samsung tiếp tục phải thu hồi 2,8 triệu chiếc máy giặt cửa trên tại Mỹ vì lý do an toàn.

Nguồn tin thân cận với Samsung nói rằng mảng thiết bị điện tử của công ty hiện đang đánh giá lại tất cả mọi thứ, từ marketing đến thiết kế và kỹ thuật nhằm đảm bảo không có thêm bất kỳ một trường hợp nào như Note 7 nữa. Điều này có nghĩa là Samsung sắp thay đổi cả về lãnh đạo lẫn văn hóa công ty.

Samsung xây dựng thương hiệu của mình bằng cách trình làng đầu tiên những công nghệ thú vị nhất và mới nhất, từ smartphone tới TV. Công ty đã phát hành tới 6 mẫu smartwatch trong vòng một năm trước khi Apple trình làng Apple Watch. Samsung cũng là một trong những hãng đầu tiên trình làng những dòng TV OLED màn hình cong.

Nhưng giờ đây, chiến lược ấy của Samsung lại dần trở thành gánh nặng.

Theo báo cáo của Bloomberg, tham vọng đánh bại iPhone 7 của Samsung có thể là một trong những lý do khiến Note 7 gặp lỗi.

Thông thường, Samsung sẽ nhanh chóng giải quyết khủng hoảng để tiếp tục phát triển. Nhưng trong trường hợp này, gã khổng lồ Hàn Quốc đang đi chậm lại để đánh giá tất cả mọi thứ trong chu kỳ phát triển sản phẩm của họ.

"Nếu không thay đổi, chúng ta không thể tồn tại"

Samsung ý thức được rằng, nếu không thay đổi triệt để, họ có thể sẽ chịu chung số phận với những tên tuổi từng một thời dẫn đầu như Nokia hay BlackBerry. Một số chuyên gia cho rằng, khủng hoảng Note 7 chính là nhân tố xúc tác cho cuộc cải tổ mạnh mẽ văn hóa doanh nghiệp của Samsung.

"Nếu chúng tôi không thay đổi, chúng tôi sẽ chết", nguồn tin giấu tên bên trong Samsung cho hay. Và lần đầu tiên, những người trong cuộc cảm nhận được rằng mọi thứ đang thực sự thay đổi.

Samsung cần thay đổi để không lặp lại những sự cố như Note 7
Samsung cần thay đổi để không lặp lại những sự cố như Note 7. Ảnh: Businessinsider.

Một phần của sự thay đổi này dường như để đảm bảo sản phẩm được kiểm tra kỹ lưỡng trước khi giới thiệu đến công chúng. Phát triển nhanh là tốt, rất đáng ngưỡng mộ trong giới công nghệ, nhưng không phải là giảm nhẹ tính an toàn khi sử dụng thiết bị. Dù khó khăn, Samsung đã học được bài học quý giá. Còn bây giờ, họ đã sẵn sàng cho cuộc thay đổi.

Tuy nhiên, thay đổi là không hề dễ dàng. Văn hóa làm việc khẩn trương từ lâu đã ngấm vào Samsung, thậm chí còn truyền sang những hoạt động khác nhau, bao gồm cả việc sản xuất chất bán dẫn hay pin.

2017 là một năm đặc biệt với công ty xứ kim chi. Trước sự cố Note 7, Samsung đã chuẩn bị cho sự ra mắt mẫu smartphone hàng đầu của họ vào đầu năm tới. Không may, kế hoạch này đã bị phá hỏng bởi cuộc khủng hoảng vừa qua, khiến công ty phải xem lại toàn bộ chương trình ra mắt sản phẩm mới. Thiết bị này được cho là có thiết kế rất khác cũng như được trang bị những công nghệ mới nhất của Samsung

Nhưng nếu Samsung muốn sản phẩm tiếp theo cũng như những smartphone sau này thành công, họ cần phải chứng minh rằng mình đã thuộc lòng bài học Note 7 và có những tiêu chuẩn nhằm đảm bảo tất cả các thiết bị trong tương lai đều an toàn khi sử dụng.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận