Sắp có Internet từ ánh sáng ?

Sắp có Internet từ ánh sáng ?

 internet, wifi, truyền tải dữ liệu, fi, công nghệ kết nối bằng ánh sáng, Internet từ ánh sáng,

fi là công nghệ kết nối bằng ánh sáng có thể đạt tốc độ truyền tải dữ liệu ở mức 224 Gb/giây, nhanh hơn Wi-fi gấp 100 lần.

Thay vì sử dụng sóng vô tuyến như Wi-fi, Li-fi có thể truyền tải dữ liệu thông qua ánh sáng có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Một thử nghiệm được thực hiện gần đây ở Estonia cho thấy Li-fi đạt tốc độ truyền tải dữ liệu ở mức 224 Gb/giây, nhanh hơn Wi-fi gấp 100 lần.

Ý tưởng phát triển Li-fi từng được nhà vật lý học người Đức Harald Haas trình bày vào năm 2011. Khi đó, công nghệ này được dự báo sẽ là một trong những đột phá lớn nhất của tương lai. Năm 2012, Harald Hass thành lập Công ty pureLiFi chuyên nghiên cứu và phát triển công nghệ kết nối này. Vừa qua, pureLiFi đã bắt tay với một nhà sản xuất bóng đèn chiếu sáng công nghiệp của Pháp và dự kiến sẽ tung ra thị trường những sản phẩm đầu tiên vào quý III/2016.

Giải thích đơn giản, công nghệ Li-fi hoạt động với nguyên lý như sau: các bóng đèn trong hệ thống sẽ được tắt bật rất nhanh, ở tốc độ nano giây. Mỗi lần tắt bật như thế, bộ thu tín hiệu trên các thiết bị di động như điện thoại hay laptop sẽ ghi nhận và chuyển thành dữ liệu. Vì điều này diễn ra quá nhanh nên mắt người không thể thấy được sự thay đổi trạng thái của đèn. Đặc biệt, bóng đèn có thể chỉnh độ sáng xuống mức cực thấp mà mắt người không nhìn thấy, nhưng việc truyền tải tín hiệu vẫn diễn ra được.

Theo Harald Hass, với công nghệ hiện tại, chỉ việc gắn thêm microchip vào các bóng đèn LED thông thường là đã có thể biến chúng thành “cục phát Li-fi”. Nhưng vì sao phải là đèn LED? Tất cả đều có liên quan đến tốc độ. Đèn huỳnh quang hoặc đèn dây tóc không thể chớp tắt ở tốc độ nano giây như LED. Chi phí và tuổi thọ của bóng LED cũng cao hơn so với các loại nguồn sáng phổ thông khác.

Đường truyền tín hiệu của Li-fi là hoàn toàn miễn phí vì không ai đi tính tiền ánh sáng cả. Trong khi đó, việc sử dụng các băng tần sóng radio thường phải đợi quy trình cấp phép lâu dài từ cơ quan quản lý. Li-fi còn sở hữu một lợi thế rất lớn so với Wi-fi là có thể sử dụng trong các khu vực nhạy cảm với từ tính, chẳng hạn như trong khoang máy bay, bệnh viện hoặc nhà máy điện hạt nhân bởi không gây ra nhiễu điện từ.

Tương lai của Li-fi

Khoảng 5 năm nữa, có lẽ Wi-fi vẫn sẽ còn được sử dụng rộng rãi bởi công nghệ này đã tiến bộ rất nhiều, trong khi Li-fi vẫn còn ở thời kỳ sơ khai. Nếu được ứng dụng, Li-fi cũng chỉ hiện diện trong những lĩnh vực chuyên biệt như y tế, hàng không, hoặc như giải pháp bổ sung cho Wi-fi. Nhưng trong tương lai xa, khả năng Li-fi thay thế Wi-fi là hoàn toàn có thể.

Hiện nay, nhiều thiết bị đã có sẵn đèn LED, ví dụ như lò vi ba thông minh, tủ lạnh thông minh, bóng đèn thông minh... Nhờ vậy, việc kết nối những thiết bị này vào internet bằng ánh sáng sẽ tiện và nhanh hơn dùng Wi-fi hoặc cáp đồng.

Xe chạy trên đường cũng có thể nhanh chóng “giao tiếp” với nhau bằng đèn LED, giúp hạn chế tai nạn đáng tiếc xảy ra. Bạn cũng có thể gắn một cảm biến đèn LED lên người để ghi nhận các thông số sức khỏe rồi chuyển về thiết bị di động... Nói cách khác, tiềm năng và cơ sở ứng dụng của Li-fi là rất lớn.

Tuy nhiên, không có công nghệ nào là hoàn hảo. Li-fi sử dụng ánh sáng để truyền tải dữ liệu, nên tín hiệu sẽ không thể đi xuyên tường như Wi-fi. Điều này có nghĩa là nếu muốn dùng Li-fi cho gia đình, bạn sẽ phải gắn các bóng đèn LED ở từng căn phòng riêng biệt. Mặt khác, công nghệ này trước mắt cũng sẽ chưa thể được ứng dụng ở ngoài trời, nhất là vào ban ngày.

 

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận