Tại sao Apple không muốn khách hàng mang iPhone hay iPad hỏng đi sửa?

Tại sao Apple không muốn khách hàng mang iPhone hay iPad hỏng đi sửa?

Mặc dù nhiều bang ở Mỹ đã công bố những điều luật liên quan "Quyền được sửa chữa" để giúp người dùng có điều kiện dễ dàng và tốn ít chi phí hơn trong việc sửa chữa các thiết bị điện tử của họ, những công ty như Apple và Microsoft lại đang cố để ngăn chặn chúng được thông qua. Bạn hẳn sẽ nghĩ đây hẳn là vấn đề về lợi nhuận, nhưng thực ra lại không hoàn toàn như vậy!

Tại sao Apple không muốn khách hàng mang iPhone hay iPad hỏng đi sửa?

Theo ZDNet, người ta thường nghĩ lý do các công ty không muốn người dùng mang các thiết bị điện tử đi sửa là vì nó sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận, bởi đương nhiên là "nếu anh làm hỏng đồ của mình thì anh nên mua một cái mới ngay đi thôi". Và người dùng sẽ phải "cắn răng móc hầu bao", còn công ty thì có cơ hội "tống tiễn" thêm một món đồ ra khỏi nhà kho. Đó về cơ bản là phương thức hoạt động của bất kỳ nền kinh tế nào trên thế giới!

Tuy nhiên, điều này lại không hoàn toàn đúng, nên bạn đừng nên cười vội.

Đều tiên, chúng ta cần biết "Quyền được sửa chữa" là gì? Đó là tập hợp các điều luật yêu cầu các công ty phải cung cấp tài liệu liên quan việc sửa chữa các thiết bị điện tử cũng như bán các linh kiện chính hãng cho các cửa hàng sửa chữa điện tử bên ngoài, không thuộc công ty hay không được công ty ủy quyền. Tức là người dùng có toàn quyền sửa chữa thiết bị của họ với các linh kiện chính hãng mà không phải mang đến các trung tâm bảo hành chính hãng, vốn được biết đến là những nơi "vòi tiền" khách hàng không hơn không kém.

Một chuyên gia sửa chữa điện tử có kinh nghiệm tại Mỹ chia sẻ rằng, quả thực, lợi nhuận đóng một vai trò lớn, tác động lên ngành công nghiệp sửa chửa thiết bị điện tử. Khi một thiết bị bị hỏng thì người chủ thiết bị trở thành một khách hàng tiềm năng để các hãng "dụ dỗ" mua thiết bị mới, hoặc ít ra thì họ cũng sẽ trở thành khách hàng tiềm năng của các trung tâm sửa chữa bảo hành chính hãng, mà dù thế nào thì cũng mang lại ít nhiều lợi nhuận (mặc dù với các công ty khổng lồ như Apple thì lợi nhuận này chỉ như một giọt nước giữa đại dương, nhưng với các trung tâm sửa chữa bên ngoài được Apple cấp phép thì lại là những miếng hời béo bở).

Tuy nhiên, bạn đừng nên chỉ nhìn vào mặt trái của vấn đề, hãy nhìn vào nơi mà đồng tiền của bạn đi đến. Một trung tâm bảo hành chính hãng được ủy quyền, với các chuyên viên kỹ thuật được đào tạo bài bản rõ ràng là "ăn đứt" các cửa hàng nhỏ "mọc lúc nhúc" ở các khu phố điện máy. Sự khác biệt này đến từ việc, những tài liệu liên quan việc sửa chữa thiết bị được các hãng cung cấp cho các trung tâm ủy quyền khác biệt rất nhiều so với các tài liệu cung cấp cho người dùng - những người chưa một lần trong đời bung máy. Nếu bạn là một chuyên gia sửa chữa, câu "quá trình lắp vào được tiến hành ngược lại với quá trình tháo ra" có vẻ dễ nghe dễ hiểu, nhưng nếu bạn là "một con gà" thì bạn sẽ phải khóc thét lên rằng "chỉ cho tôi từng bước một, chi tiết vào, con vít này ở đâu, con ốc kia ở đâu...". Bạn hiểu vấn đề chứ?

Tiếp nữa là vấn đề lòng tin, và ai sẽ là người bạn tìm đến nếu máy bạn lắp vào nhưng không hoạt động như mong đợi. Nhiều thiết bị điện tử ngày nay rất khó tháo ra, bởi người ta muốn máy phải càng mỏng, càng nhẹ càng tốt, do đó các chi tiết phải được hàn chặt với nhau trong một khung máy nguyên khối. Tương tự như việc sửa máy tính, bạn có thể thò đầu vào thùng máy bàn để tháo main, RAM, chip..., nhưng với laptop thì bạn cần những công cụ đặc biệt, một bàn tay khéo léo, và đối với điện thoại hay máy tính bảng thì mọi thứ còn cao siêu hơn gấp nhiều lần.

Các công ty có thể từ chối trách nhiệm nếu bạn hay một anh thợ bán chuyên nào đó táy máy rồi tự gây tai nạn cho chính mình trong quá trình sửa chữa (kính bay vào mắt, tuốc-vít đâm vào tay, hay giật điện, nổ pin...), hay mạnh tay làm hỏng một số linh kiện quan trọng trong máy, sử dụng các linh kiện "đểu" không đảm bảo an toàn..., thì báo chí cũng sẽ nhảy vào làm ảnh hưởng hình ảnh công ty.

Theo chuyên gia nêu trên, ông hoàn toàn ủng hộ việc khách hàng tự sửa các thiết bị của mình, nhưng ông cũng nhận thấy việc này có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng xuất phát từ thiếu hiểu biết, thiếu công cụ, khiến những lỗi đơn giản trở nên nghiêm trọng và đắt đỏ, mà như ông bà ta thường nói "biến lợn lành thành lợn què", rồi lại đem đổ trách nhiệm lên các công ty sản xuất thiết bị.

Đôi lúc bạn sẽ thoải mái hơn, và có khi còn kinh tế hơn, nếu bạn mang thiết bị tới các trung tâm sửa chữa chính hãng hay được ủy quyền, nơi có các chuyên gia với các công cụ cần thiết. Ở đây, chúng tôi không khẳng định chi phí sửa chữa sẽ rẻ hơn, nhưng nó kinh tế hơn ở chỗ, bạn sẽ không phải tốn công sửa đi sửa lại nhiều lần, hay bị dụ dỗ sửa chữa những lỗi không hề tồn tại!

Đó là lý do vì sao các công ty lớn như Apple và Microsoft không muốn các điều luật về "Quyền sửa chữa thiết bị" được thông qua. Họ muốn gởi một thông điệp rõ ràng tới người dùng là họ không muốn người dùng hay bất kỳ ai không được họ ủy quyền động chạm vào bên trong thiết bị của hãng, gây hư hỏng và nhiều rắc rối liên quan. 

Tấn Minh

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận