Thị trường smartphone 2015:  Kẻ khóc, người cười

Thị trường smartphone 2015: Kẻ khóc, người cười

Năm 2015 chúng ta đã chứng kiến một thị trường tiến vào giai đoạn khốc liệt, hủy diệt hơn bao giờ hết. Những nỗ lực vẫy vùng mong cải thiện tình hình của các hãng tạo ra một diễn biến vô cùng kịch tính, khi thị phần, doanh số giành giật, thay đổi từng giờ.

  1. Thị phần

Theo như báo cáo mới nhất do hãng nghiên cứu IDC công bố, Samsung đã duy trì thành công ngôi vị quán quân thị trường smartphone trong năm 2015, một phần là nhờ sự ra đời của nhiều sản phẩm mới hấp dẫn hơn cũng như cố gắng vượt bậc của hãng trong việc giảm giá xuống ngưỡng vừa túi tiền người dùng hơn. Apple tiếp tục bám sát Android ở vị Á quân, trong khi Huawei, Xiaomi và Lenovo (cộng cả Motorola) lần lượt đứng ở ba vị trí tiếp theo. Các hãng “còn lại” có tổng thị phần khoảng 44,8%, nhưng thị phần riêng lẻ thì không đủ đáng kể để được nêu tên trong danh sách. Vâng, chia buồn với các fan của HTC, BlackBerry hay Microsoft, Sony…

image001

Cụ thể, với 23,8%, dù giảm 0,1 điểm phần trăm, Samsung vẫn thống trị thị trường, nhiều gần gấp đôi thị phần so với đại địch Apple. Dù tăng hơn 1,7% thị phần song Táo khuyết vẫn chỉ kiểm soát được 13,5% miếng bánh ngon lành mà thôi. Huawei là hãng có sự thăng tiến nhanh nhất và mạnh nhất (2,5%), lên mức 7,5% thị phần, trong khi Lenovo + Motorola bám sát với 5,3%. Xiaomi giậm chân tại chỗ với 5,2% trong khi tổng thị phần của các hãng “còn lại” giảm 4,2%, từ 49% xuống còn 44,8%.

Một điểm cần lưu ý nữa là thị trường smartphone năm qua chỉ tăng trưởng 6,8% so với năm 2014, với xấp xỉ 355,2 triệu con dế được xuất xưởng đi khắp mọi ngõ ngách trên thế giới. Khi tốc độ tăng trưởng chậm lại, nhiều thị trường mới nổi như Trung Quốc cũng bắt đầu có dấu hiệu bão hòa chứ không riêng gì các nước phát triển như Mỹ, châu Âu nữa, thì một xu hướng chưa từng có tiền lệ nổi lên: Đó là người dùng ngày càng để ý hơn đến những lựa chọn kinh tế khi chọn mua smartphone. Các chương trình đổi máy cũ lấy máy mới, bán smartphone bản không khóa… ngày càng phổ biến với nhà mạng, còn mức giá được nhiều người dùng ưa chuộng nhất là trong khoảng 400-500 USD.

Samsung
Sau 7 quý liên tiếp chứng kiến doanh thu đi xuống trong đau khổ và bất lực, cuối cùng thì đại gia di động Hàn Quốc cũng có được một quý tăng trưởng trở lại vào mùa thu 2015. Nhờ thành công về mặt thương mại của bộ đôi đầu bảng Galaxy S6 và S6 Edge mà Samsung có được sự phục hồi tạm thời này. Được đánh giá là sở hữu thiết kế ấn tượng và phần cứng mạnh mẽ, bộ đôi đã giúp Samsung cải thiện phần nào tình hình, dù phải thú thực là mức cải thiện mới chỉ khiêm tốn mà thôi. Thừa thắng xông lên, Samsung đã có sự điều chỉnh giá bán khá khôn ngoan, cùng với lựa chọn thời điểm phát hành Galaxy Note 5 và S6 Edge+ hợp lý để tạo đà cho hai quý cuối năm. Họ máy Galaxy A với cấu hình ổn, giá hợp lý cũng đóng góp đáng kể vào kết quả kinh doanh chắc chắn của hãng năm qua.

image005

Dù không thể so sánh được với giai đoạn hoàng kim khi ra mắt Galaxy S3, song một thực tế không thể chối cãi là Samsung vẫn là hãng thiết bị Android duy nhất có lãi hiện nay, trong bối cảnh hầu hết các đối thủ chỉ hòa vốn là may, chưa nói đến thua lỗ.

Apple

Apple tiếp tục có một năm “lên hương”! Ngoài việc bán được hàng chục triệu chiếc iPhone và biến Apple Watch thành một ngành kinh doanh tỷ đô, năm nay, Apple còn một mình độc chiếm tới 95% lợi nhuận của cả ngành công nghiệp smartphone toàn cầu. Đây thực sự là một tỷ suất lợi nhuận điên rồ, khi mà số lượng smartphone do hãng bán ra chỉ chiếm chưa đầy 20% tổng lượng smartphone xuất xưởng (như đã đề cập ở trên).

Có thể nói, thế song mã Samsung – Apple chưa bao giờ mạnh như hiện tại, dù cả hai ông lớn này đều chưa thể thống trị thị trường Trung Quốc. Tại thị trường đông người dùng di động nhất thế giới này, quyền lực vẫn đang chia đều cho ba thương hiệu nội địa là Huawei, Lenovo và Xiaomi. Tuy vậy, cả ba hãng này đều đang rất nỗ lực xuất ngoại, đem chuông đi đánh xứ người.

Huawei
Huawei có tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc về doanh số trong quý 3, lên tới 81%. Hãng này đang kiểm soát 7,5% thị trường toàn cầu và đang nới rộng khoảng cách với đối thủ Xiaomi (5,3%). Tham vọng của Huawei không đơn giản chỉ là trở thành hãng smartphone số 1 Trung Quốc, mà còn là trở thành đối thủ “chân vạc” với hai đại gia Samsung – Apple. Năm qua, Huawei không chỉ trình làng nhiều mẫu smartphone đầu bảng mới thuộc họ Ascend Mate, mà hãng này còn ghi điểm khi chế tác con dế Nexus 6P cho Google. Nexus 6P được giới công nghệ đánh giá khá cao về chất lượng, thiết kế cũng như cấu hình, thậm chí còn được nhiều trang web bình chọn là smartphone Android xuất sắc nhất năm.

Tablet PC and Smart Phone with apps

Tablet PC and Smart Phone with apps

Theo đồn đoán, Huawei hiện đang phát triển một mẫu phablet Mate 8 với độ phân giải màn hình QHD và kích cỡ 6-inch, sử dụng chipset Kirin 950 do hãng này tự sản xuất với hiệu suất ngang ngửa Samsung Exynos và Qualcomm Snapdragon 820. Nếu tin đồn này chính xác thì năm 2016 rất có thể sẽ chứng kiến sự đột phá từ sói xám, bởi họ chip Kirin trước giờ chưa bao giờ bắt kịp hai đối thủ về năng lực đồ họa.

Xiaomi

“Apple của Trung Quốc” có một năm 2015 khá phức tạp. Mở đầu năm mới bằng tuyên bố gây chấn động về mục tiêu bán được 100 triệu smartphone trong năm 2015, sau đó phải hạ xuống 80 – 100 triệu máy “do cân nhắc tình hình mới”, đến thời điểm gần đây, Xiaomi một lần nữa bị cảnh báo về việc có thể không đáp ứng được ngay cả mục tiêu 80 triệu máy này.

Ngoại trừ việc quá tự tin (có phần thổi phồng) vào năng lực của mình, thì công việc kinh doanh của Xiaomi vẫn khá thuận lợi. Những sản phẩm Xiaomi tung ra năm qua vẫn tuân thủ nghiêm túc công thức ngon, bổ, rẻ. Không những vậy, hãng còn thể hiện tham vọng vươn rộng ra thị trường đồ điện gia dụng khi trình làng một mẫu TV 60 inch và xe trượt scooter điện. Có thể vì vậy mà Xiaomi có hơi lơ là công việc kinh doanh chính (smartphone) của mình và để Huawei qua mặt chăng?

Microsoft, 2015.

Microsoft, 2015.

Lenovo

Lenovo đang bám sát Xiaomi khi chỉ thua kém đúng 0,1% thị phần. Motorola sau khi về mái nhà mới vẫn tiếp tục đạt mức tăng trưởng khả quan 16% so với năm 2014, cũng như có sự tái xuất ấn tượng ở thị trường Mỹ bằng loạt sản phẩm mới được đánh giá rất cao như Droid Turbo 2. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của công ty mẹ Lenovo thì lại chưa có nhiều biến chuyển. Doanh số thực tế cũng thấp hơn mục tiêu đặt ra vài triệu máy.

Nhóm “còn lại”

HTC, LG, Sony, Microsoft và BlackBerry đều ngậm ngùi bị xếp vào nhóm “chiếu dưới” của thị trường smartphone năm qua. Thị phần của họ quá nhỏ đến mức các hãng nghiên cứu không muốn nêu riêng rẽ trong các bản báo cáo, mà gộp chung vào một “nhóm” cho tiện.

Rõ ràng, nhiệm vụ đặt ra cho các hãng này trong năm 2016 nặng nề khủng khiếp. Với những hãng như Sony, HTC hay BlackBerry, tình cảnh hiện tại thực sự đã là đứng giữa ranh giới “sống và chết”.

LG

LG có một năm “vừa tốt, vừa xấu” khi doanh số tăng 6% trên quy mô toàn cầu và 12% riêng tại Bắc Mỹ, nhưng doanh thu lại giảm tới 21% so với năm ngoái. Sức cầu yếu đi dành cho các smartphone cao cấp tại quê nhà Hàn Quốc, cùng với sự cạnh tranh quá khốc liệt của thị trường Android đã đẩy LG vào tình cảnh chông gai hiện tại.

image009

Sony

Sự hiện diện của Sony Mobile trên thị trường cũng gây bối rối hệt như loạt smartphone đầu bảng mới nhất của hãng vậy. Xperia Z5 và Z5 Compact không có điểm gì để chê, nhưng thật không may, di động vẫn là mảng kinh doanh duy nhất của hãng “thua lỗ bền vững” và thương hiệu smartphone Xperia tiếp tục khiến hãng đau ví. Doanh số đã giảm 15,2% so với năm 2014, bất chấp mọi nỗ lực về thiết kế. Dù vậy, Sony vẫn chưa muốn bỏ cuộc. Hãng vừa quyết định khởi công xây dựng một nhà máy mới tại Đài Loan và tách riêng mảng sản xuất sensor máy ảnh rất thành công của mình thành một công ty độc lập.

Microsoft
Dù công bố bộ đôi smartphone Lumia đầu bảng được chờ đợi sau hơn một năm rưỡi vắng bóng ở phân khúc này (Lumia 950 và 950 XL), cái tên Microsoft vẫn rất mờ nhạt ở thị trường smartphone. Sự thú vị của hai con dế nói trên không đủ để tạo ra sức bật mới cho hệ điều hành Windows 10 Mobile mới nhất. Tháng 7 vừa qua, Microsoft thông báo khoản lỗ lên tới 7,6 tỷ USD sau vụ mua lại mảng thiết bị của Nokia. Đến quý 3, doanh số giảm tới 54% so với cùng kỳ năm trước, với chỉ 5,8 triệu smartphone Lumia bán được.

HTC

HTC mở màn năm 2015 một cách chán ngắt khi công bố mẫu smartphone đầu bảng mới nhất – One M9 – với sự đơn điệu và tẻ nhạt khó chấp nhận. Không có gì khó hiểu khi con dế này bị giới chuyên môn ném đá tơi bời còn người dùng thì lạnh nhạt hờ hững. Mục tiêu doanh số không thể đáp ứng buộc HTC phải xoay sang hướng đi khác. Hãng tung ra One A9 hồi cuối tháng 10 vừa qua với chủ trương “nhái iPhone” một cách không thèm che giấu. Hiện tại, One A9 có vẻ được lòng người dùng hơn là kẻ tiền nhiệm M9, nhưng rõ ràng, số phận của HTC vẫn mong manh vô cùng. Với việc doanh thu giảm tiếp 7% và thua lỗ 157 triệu USD, HTC thực sự đã bị dồn đến chân tường rồi.

BlackBerry

Cái tên cuối cùng trong danh sách là BlackBerry. Ông vua một thời của thị trường smartphone không cách nào tìm lại được hào quang đã mất, dù rất cố gắng xoay xở. Passport và Priv đều là những con dế khác biệt và ấn tượng theo cách riêng của chúng, nhưng Passport thì đã thất bại về mặt thương mại, còn Priv thì chưa có nhiều thời gian để thể hiện. Dù vậy, có vẻ như BlackBerry đang muốn đặt cược mạnh tay cho hướng đi này: tung ra các con dế Android để kết hợp thế mạnh của một nền tảng đông người dùng với những tính năng và cơ chế bảo mật độc quyền từ BlackBerry. Dù vậy, với chỉ 0,2% thị phần toàn cầu, BlackBerry cần phải tăng tốc lên nếu không muốn tên tuổi của mình về mốc Zero trong bảng xếp hạng năm 2016.

  1. Cuộc chiến hệ điều hành

Trong cả năm 2015, Android tiếp tục thống trị thị trường smartphone toàn cầu với 52,61% thị phần. Mặc dù Samsung – thủ lĩnh của phe Android và cũng là đầu tàu tăng trưởng chính của nền tảng này – không có được phong độ mạnh mẽ như kỳ vọng với bộ đôi S6 và S6 Edge, song sự vươn lên ấn tượng của các thương hiệu Trung Quốc như Huawei, Xiaomi và ZTE đã bù đắp kịp thời.

Thị phần iOS bám sát phía sau với 40,28%. Apple tiếp tục kinh doanh phát đạt và mở rộng tầm ảnh hưởng của mình đến người dùng toàn cầu, nhờ hiệu ứng ăn khách chưa bao giờ nguội của iPhone 6, 6 Plus và bộ đôi iPhone 6s mới ra mắt năm nay.

Hai hệ điều hành kế tiếp – Windows Phone và BlackBerry OS bị bỏ lại khá xa, lần lượt chỉ chiếm 2,47% và 1,06% thị phần. Microsoft đang trong giai đoạn đại phẫu Windows cho phù hợp với kỷ nguyên hội tụ thiết bị mới. Hãng này kỳ vọng bộ đôi smartphone đầu bảng Lumia 950 và 950 XL sẽ giúp cải thiện thị phần cho Windows Phone (nay là Windows 10 Mobile) sau một thời gian dài giậm chân tại chỗ. Về phần BlackBerry, những tăng trưởng nhỏ nhoi ở các thị trường như Indonesia hầu như không giúp ích được cho hệ điều hành BlackBerry.

  1. Doanh thu từ các quầy ứng dụng

Hoạt động kinh doanh của các quầy ứng dụng cũng phản ánh chính xác ngành công nghiệp smartphone. Dù điện thoại Android tiêu thụ nhiều nhất nhưng iPhone mới là dòng máy kiếm tiền tốt nhất. Tương tự, Google Play tuy dẫn trước App Store về số lượt download, nhưng doanh thu mà App Store bỏ túi thì vượt xa đối thủ. Nói cụ thể bằng các con số, thì số lượt download của Google Play nhiều hơn App Store 90%, nhưng doanh thu từ App Store lại nhiều hơn Google Play 80%.

Trung Quốc đã trở thành thị trường quan trọng nhất của Apple sau thời iPhone 6. Nước này dẫn đầu về số lượt tải ứng dụng iOS lẫn doanh thu mang về cho Apple trong năm qua, trong khi Ấn Độ và Đông Nam Á là hai khu vực tăng trưởng chính của Google Play.

Quả thực, châu Á đang tác động mạnh đến cả hai quầy ứng dụng này, nhưng theo những hướng khác nhau: Đó là tải ứng dụng Android nhiều hơn nhưng chi tiền cho ứng dụng iOS nhiều hơn. Nếu như người dùng Trung Quốc mua iPhone để khẳng định địa vị của mình trong xã hội, thì những mẫu smartphone Android siêu bèo lại được lòng người dùng Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam.

Về số lượng ứng dụng đang góp mặt trên hai quầy ứng dụng, iOS App Store vẫn được các nhà lập trình ưu tiên hơn với hơn 2 triệu ứng dụng, vượt trên con số 1,8 triệu ứng dụng của Google Play. Mỗi tháng, có khoảng 45.000 – 50.000 ứng dụng mới được bổ sung lên 2 quầy này.

Kết luận

Có một vài điểm có thể rút ra từ những phân tích nói trên. Trước hết, sự thống trị của Apple và Samsung đối với thị trường smartphone sẽ còn được duy trì trong tương lai gần, bởi chưa có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy các đối thủ còn lại sẽ tạo được đột phá vượt bậc và hạ bệ được hai thương hiệu này ngay trong năm 2016. Dù là hệ điều hành đông người nhất thế giới, các hãng phần cứng vẫn chưa nghĩ được cách kiếm tiền hiệu quả từ Android – Apple sẽ vẫn chiếm thị phần áp đảo về lợi nhuận từ smartphone cũng như ứng dụng mang lại.

Và dù 2015 là một năm khắc nghiệt đối với các hãng sản xuất thì nó lại tỏ ra vô cùng hòa nhã, thân thiện với người dùng. Các smartphone chất lượng chưa bao giờ rẻ như hiện tại, còn nhiều mẫu smartphone cao cấp cũng đang được bán với giá chưa đầy 500 USD.

Ngoại trừ việc thiếu vắng những bom tấn đầu bảng thực sự ấn tượng, 2015 vẫn là một năm sôi động, tuyệt vời dành cho những ai mê smartphone. Hy vọng rằng 2016 sẽ phát huy được điều này, trong khi hạn chế những thất vọng và thất bại từ các thương hiệu.

UYÊN LAM (Theo e-CHÍP Mobile)

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận