Trào lưu live stream trên Facebook tại Việt Nam sắp bùng nổ mạnh hơn nhờ mạng 4G

Trào lưu live stream trên Facebook tại Việt Nam sắp bùng nổ mạnh hơn nhờ mạng 4G

Với sự xuất hiện của mạng 4G trong thời gian ngắn tới, các điều kiện thuận lợi cho sự bùng nổ tiếp theo của trào lưu phát video trực tiếp trên mạng xã hội ở Việt Nam đã được hội tụ đầy đủ.

Tháng 8/2015, Facebook lần đầu ra mắt tính năng phát video trực tiếp từ ứng dụng Facebook Mentions tới một số ít người dùng. Chỉ sáu tháng sau đó, tính năng phát video trực tiếp (live stream) với tên gọi mới là Facebook Live bắt đầu mở rộng tới mọi người dùng Facebook, ban đầu ở Mỹ rồi tiến dần đến các nước khác trên toàn cầu tróng đó có Việt Nam.

Từ khi có tính năng phát video trực tiếp Facebook Live, hoạt động này đã phát triển khá rầm rộ ở Việt Nam, nhất là trong giới giải trí. Nhiều ngôi sao giải trí nổi tiếng như Hoài Linh, Đàm Vĩnh Hưng, Khởi My hay các diễn viên thường xuyên sử dụng Facebook Live để giao lưu trực tiếp với các fan hâm mộ hoặc quảng bá sản phẩm âm nhạc, phim ảnh mới của mình. Vụ "live stream" đình đám và thu hút sự chú ý đông đảo nhất trong năm 2016 có lẽ thuộc về Đàm Vĩnh Hưng, với clip trực tiếp giãi bày nỗi lòng về người mẹ ruột dính vào nợ nần, khiến ca sĩ này phải gồng gánh trả nợ tới 20 tỷ đồng.

Trào lưu live stream trên Facebook tại Việt Nam sắp bùng nổ mạnh hơn nhờ mạng 4G

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng phát live stream trên Facebook giãi bày nỗi lòng về người mẹ ruột dính vào nợ nần

Các đài truyền hình VTV và VTC cũng bắt đầu sử dụng Facebook để phát trực tiếp các chương trình truyền hình trên mạng xã hội. Cách đây vài tháng, các biên tập viên thời tiết của VTV như Mai Ngọc, Quỳnh Hoa và Dương Huyền đều đặn lên Facebook "live stream" thông tin dự báo thời tiết trước khi lên sóng truyền hình.

Không chỉ các ngôi sao giải trí và các đài truyền hình, những người buôn bán lẻ trên Facebook cũng "live stream" để giới thiệu sản phẩm bán hàng một cách trực quan từ thỏi son, giày dép cho đến quần áo. Theo các chuyên gia công nghệ thông tin, trong năm 2017, trào lưu "live stream" ở Việt Nam dự báo sẽ còn bùng nổ mạnh mẽ hơn nữa nhờ sự xuất hiện của dịch vụ mạng 4G tốc độ cao. Trong khi hầu hết các điện thoại thông minh hiện nay đã hỗ trợ 4G, dịch vụ phát video trực tuyến đã phổ biến, chỉ có tốc độ mạng di động vẫn đang là nút thắt lớn nhất với trải nghiệm video trực tuyến được nhiều người đón đợi này.

Tốc độ mạng 3G hiện tại chưa đủ để có trải nghiệm video trực tiếp chất lượng dẫn đến việc thường xuyên bị gián đoạn, trục trặc và gây khó chịu cho người xem. Hình ảnh  "live stream" cũng mờ nhòe, không được sắc nét. Sự xuất hiện của 4G với tốc độ cao hơn 10 lần hứa hẹn sẽ mang lại trải nghiệm video trực tiếp mượt mà với chất lượng cao hơn, tương chuẩn HD đến Full HD, thậm chí là 4K đi kèm nhiều tiện ích đa dạng.

Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, Viettel, VinaPhone và MobiFone đang gấp rút cung cấp dịch vụ 4G trong năm nay. Trong đó, nhà mạng Viettel dự kiến sẽ chính thức cung cấp dịch vụ 4G trên toàn quốc ngay trong quý 1/2017. Hiện tại, Viettel đang nhanh chóng triển khai chương trình đổi SIM 4G miễn phí cho khách hàng với 1.600 điểm tại các cửa hàng, siêu thị, cửa hàng uỷ quyền, và điểm bưu chính Viettel, booth đổi sim lưu động trên cả nước. Nhà mạng này tuyên bố đến nay đã cơ bản hoàn thành hạ tầng và mạng lưới để cung cấp dịch vụ 4G và sẽ khai trương chính thức cung cấp dịch vụ ngay trong quý I/2017.

Trào lưu live stream trên Facebook tại Việt Nam sắp bùng nổ mạnh hơn nhờ mạng 4G

Viettel sắp cung cấp dịch vụ 4G trên toàn quốc vào quý 1/2017

Theo Viettel, tốc độ 4G sẽ giảm độ trễ của dịch vụ phát video trực tiếp khoảng 2,5 lần so với 3G, không còn hiện tượng giật, lag với trải nghiệm xem video trực tuyến. 4G cũng hỗ trợ phát nội dung video độ phân giải Full-HD và 4K mượt mà hơn. Trong thời gian thử nghiệm 4G tại Vũng Tàu, tốc độ 4G của Viettel đạt trung bình từ 40-80Mb/s, cao hơn 7 lần so với tốc độ trung bình của 3G trước đây và tương đương với mạng cáp quang hiện tại. Tại một số điểm tốc độ 4G có thể đạt đến 230Mb/s gần với tốc độ lý tưởng theo lý thuyết (công nghệ 4G LTE-A cao cấp hiện nay có thể đạt tốc độ download 300 Mb/s, upload 150 Mb/s).

Trên bình diện toàn cầu, báo cáo của Ericsson Mobility dự kiến tới năm 2021, video sẽ chiếm khoảng 70% lưu lượng dữ liệu di động với mức tăng trưởng lưu lượng hàng năm là 55%. Kể từ tính năng phát video trực tiếp ra mắt, trong 15 tháng vừa qua, việc xem video trên smartphone của giới trẻ trên toàn thế giới tăng 127%. Sự xuất hiện của mạng 4G trong năm 2017 sẽ giúp giới trẻ Việt Nam bắt nhịp với trào lưu của thế giới và trải nghiệm những dịch vụ ngày càng ưu việt hơn.

LA

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận