Truyền hình trả tiền: Oằn mình cõng chi phí mua bản quyền quốc tế

Truyền hình trả tiền: Oằn mình cõng chi phí mua bản quyền quốc tế

Trong 5 năm qua, ICTnews liên tục có bài phản ánh về những chiêu thức cạnh tranh không lành mạnh của thị trường truyền hình trả tiền, vi phạm Luật Cạnh tranh. Sự phát triển thiếu bền vững của thị trường truyền hình trả tiền thể hiện bằng những con số “bất thường”. Ba năm trở lại đây cho dù thuê bao truyền hình trả tiền liên tục năm sau cao hơn năm trước, chi phí mua bản quyền nội dung nước ngoài liên tục tăng, nhưng doanh thu của toàn ngành truyền hình trả tiền lại giảm ở mức đáng báo động.

Nghịch lý thuê bao tăng, doanh thu giảm

Cụ thể, theo số liệu từ Bộ TT&TT, năm 2017, doanh thu dịch vụ truyền hình trả tiền ước đạt 7.500 tỷ đồng, thuê bao đạt 14 triệu. Trong khi đó, năm 2016, truyền hình trả tiền đạt 12,5 triệu thuê bao, nhưng doanh thu đạt 12.000 tỷ đồng. Năm 2015, số lượng thuê bao truyền hình trả tiền đạt khoảng 9,9 triệu, tổng doanh thu dịch vụ truyền hình trả tiền là 9.624 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực báo chí nói chung và truyền hình nói riêng thì nội dung chính là “món hàng” để thu hút người xem, nội dung chính thế mạnh để cạnh tranh phát triển thuê bao, nhưng trong một thời gian dài do hầu hết các nhà cung cấp truyền hình trả tiền cung cấp nội dung na ná nhau, ít sự khác biệt, nhất là trong lĩnh vực nội dung mua bản quyền ở nước ngoài. Hầu hết các đơn vị truyền hình đều có gói kênh truyền hình nước ngoài gần giống nhau, một số ít đơn vị có tiềm lực thì sản xuất được nội dung trong nước riêng.

Nên trong vài năm qua các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền xoay sang cạnh tranh nhau chủ yếu bằng cách đua nhau hạ giá, khuyến mãi tràn lan, thậm chí cạnh tranh “bẩn” bằng các chiêu trò như cắt cáp của nhau, bêu xấu đối thủ trên mạng xã hội, tung khuyến mãi để giành giật thuê bao…

Truyền hình trả tiền: Oằn mình cõng chi phí mua bản quyền quốc tế

Trả lời phỏng vấn ICTnews, ông Nguyễn Thành Chung, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử đánh giá, trong vài năm trở lại đây, lĩnh vực truyền hình trả tiền có sự cạnh tranh khá khốc liệt, tuy nhiên chủ yếu các doanh nghiệp chỉ tập trung cạnh tranh nhau về giá cước, đua nhau giảm giá, khuyến mãi để thu hút khách hàng mà thiếu sự cạnh tranh về nội dung.

Các gói dịch vụ trên các hệ thống truyền hình trả tiền hiện nay không có sự khác biệt nhiều về nội dung, kể cả nội dung trong nước và các kênh truyền hình nước ngoài; trong khi với những nội dung hấp dẫn như các giải đấu thể thao lớn của quốc tế, các doanh nghiệp đã cạnh tranh nhau mua, đẩy giá bản quyền lên cao.

Những yếu tố này ảnh hưởng không tốt tới kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Một trong những vấn đề lớn đặt ra cho thị trường dịch vụ truyền hình trả tiền ở Việt Nam hiện nay là doanh thu trung bình trên một thuê bao truyền hình ở Việt Nam đang ở mức thấp so với trung bình trên thế giới và các nước trong khu vực. Ví dụ, cước thuê bao truyền hình Viettel thấp nhất chỉ tầm 35.000 đồng/tháng, các đơn vị cao nhất chỉ tầm 130.000 đồng/tháng, bình quân APRU ở Việt Nam chỉ tầm 4 USD, trong khi các nước trong khu vực ASEAN từ 10-15 USD. Phí bản quyền nội dung truyền hình cao khiến cho các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tái đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ và đặc biệt là đầu tư vào nội dung chương trình. Điều này ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của dịch vụ truyền hình trả tiền, khiến thị trường trở nên mất cân đối.

Truyền hình trả tiền phải tìm cách thay đổi

Tại Hội thảo được tổ chức hồi cuối tháng 3/2018 tại Đà Lạt, ông Trần Văn Úy, Chủ tịch Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam, Tổng giám đốc SCTV cũng nêu ra khó khăn chung của các đơn vị truyền hình trả tiền, đó là: Chi phí bản quyền các kênh quốc tế và các giải thể thao đỉnh cao ngày một tăng cao, trở thành gánh nặng đối với các đơn vị kinh doanh truyền hình trả tiền, trong khi mức thu nhập và sẵn sàng chi trả của đại bộ phận người dân nước ta còn khá thấp. Nếu đầu tư vào bản quyền này thì các đơn vị truyền hình trả tiền hầu như không còn ngân sách dành cho sản xuất nội dung đặc sắc và riêng biệt của mình nữa.

“Đơn cử trong năm 2018, tổng số tiền bản quyền thể thao, cộng với bản quyền các kênh và chương trình nước ngoài đã chiếm tới 80% ngân sách, có nghĩa là 80% tổng ngân sách nội dung của chúng tôi là trả cho các nhà cung cấp (chủ yếu là nước ngoài). Như vậy, để thấy số tiền còn lại để đầu tư những nội dung thật hấp dẫn, đặc sắc, thuộc quyền sở hữu của mình để sử dụng lâu dài, là rất hạn chế”, ông Úy phát biểu.

Trong bối cảnh ngành truyền hình thay đổi rất nhanh như hiện nay, bắt buộc các đơn vị truyền hình trả tiền phải tự thích nghi nhanh và mạnh với xu thế của người dùng, xu hướng công nghệ, đồng thời giữ vững và phát huy những giá trị cốt lõi đã gây dựng trong nhiều năm.

Theo ông Trần Văn Úy, song song với việc giữ vững và phát triển nhóm chuyên kênh đặc sắc, riêng có của SCTV trên truyền hình cáp, từ cuối năm 2017 SCTV đã bắt đầu đẩy mạnh sản xuất nội dung cho các nền tảng OTT. Trọng tâm đặt ra trong giai đoạn trước mắt là sản xuất các sản phẩm phái sinh, nghĩa là những nội dung cho các màn hình nhỏ (máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh,…) để bổ trợ cho màn hình chính (tivi).

“Đây là hướng đi tất yếu, bắt kịp xu hướng xem-nghe và tận dụng thời gian online hàng ngày của đông đảo người dùng các thiết bị kết nối Internet mọi lúc, mọi nơi”, ông Úy cho hay.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận