Từ lập trình viên trở thành CEO: Hành trình gian nan!

Từ lập trình viên trở thành CEO: Hành trình gian nan!

Từ lập trình viên trở thành CEO: Hành trình gian nan!

Founder/CEO Trueplus Ngô Văn Trung, một trong ba diễn giả tham gia talkshow "Từ lập trình viên trở thành CEO" vừa được Innovatube tổ chức tại Hà Nội.

Innovatube vừa tổ chức buổi talkshow với chủ đề “Từ lập trình viên trở thành CEO” dành cho các lập trình viên có mong muốn khởi nghiệp tại Hà Nội. Đây là sự kiện bên lề của Apprentice 2016 - chương trình huấn luyện kinh doanh khởi nghiệp được Innovatube thiết kế riêng cho những cá nhân có xuất phát điểm là lập trình viên nhưng lại sở hữu mong muốn kinh doanh mạnh mẽ, muốn bắt đầu một công ty công nghệ của riêng mình.

Tham gia chia sẻ tại buổi talkshow này là 3 nhà sáng lập có xuất phát điểm là lập trình viên đã thành công trong cộng đồng startup: ông Nguyến Bá Thành, Founder/CEO Weplay; ông Ngô Văn Trung, Founder/CEO Trueplus và ông Trương Mạnh Quân, Founder/CEO Beeketing. Qua những câu chuyện hết sức chân thành, cởi mở, cả 3 diễn giả đã kể lại chặng đường khởi nghiệp đầy gian nan của mình.

Vô vàn khó khăn

Đã có tới 5 năm gắn bó với ứng dụng di động của mình, ông Nguyễn Bá Thành, Founder/CEO của Weplay (công ty đứng sau sản phẩm game “Bắt chữ” quen thuộc với 10 triệu lượt download cho cả hai nền tảng) nhận thấy một lập trình viên khi điều hành startup sẽ có lợi thế trong việc hiểu và đáp ứng kịp thời những nhu cầu cơ bản của các lập trình viên khác - những người trực tiếp làm việc với mình.

“Đồng thời, khi cần nói chuyện với mentors hoặc các nhà đầu tư, họ còn có thể giải thích sâu sắc và đúng trọng tâm hơn, vì họ chính là người nhìn thấy “đứa con tinh thần” của mình lớn lên từng ngày. Những vấn đề về kỹ thuật tất nhiên cũng sẽ được gỡ rối một cách nhanh chóng và tối ưu hơn”, ông Thành chia sẻ.

Tuy nhiên, theo ông Thành, thách thức cũng không phải là ít: “Với một nền tảng kỹ thuật, khi bắt đầu xây dựng công ty của mình, bạn sẽ phải tập làm quen với vô vàn vấn đề mới lạ khác như cách xâm nhập thị trường, quản lý tài chính, tuyển dụng nhân tài, sales, marketing,… đòi hỏi nhiều thời gian và công sức tìm hiểu”.

Từ kinh nghiệm của người sáng lập cũng là CEO đã đưa Trueplus từ một công ty chỉ có 2 người vào năm 2009 trở thành một công ty hàng đầu trong lĩnh vực cung cấp và phát triển các giải pháp kinh doanh trực tuyến, cán mốc 1 triệu USD doanh thu với 50.000 khách hàng trên toàn cầu (năm 2015), ông Ngô Văn Trung cũng khẳng định: việc dấn thân vào con đường startup, trở thành một CEO là vô cùng khó khăn và càng khó khăn hơn nếu bạn là một lập trình viên.

“Sẽ có hàng tá công việc bạn phải giải quyết, từ to lớn như gặp nhà đầu tư, định hướng phát triển sản phẩm cho đến những việc nhỏ nhặt như tự tay dọn dẹp văn phòng của mình, đi tuyển dụng từng nhân viên đầu tiên… Cũng sẽ có những giây phút chạnh lòng như mỗi dịp lễ Tết, trong khi bạn bè của bạn được nhân viên gọi điện hỏi thăm thì bạn vẫn đang quay cuồng trong vòng quay công việc, không có một ai quan tâm. Thế nhưng mọi nỗ lực đều sẽ được trả công xứng đáng, sau khi nhìn lại quãng đường mình đã đi, chắc chắn bạn cảm thấy vô cùng tự hào”, ông Trung chia sẻ.

Phải luôn giữ được “lõi kỹ thuật”

Mày mò khởi nghiệp ngay từ khi còn học năm thứ nhất đại học, sau gần 8 năm làm việc, Founder/CEO của Beeketing Trương Mạnh Quân hiểu hơn ai hết những khó khăn mà một CEO với xuất phát điểm là một lập trình viên gặp phải như làm sao để xây dựng một mô hình kinh doanh hoàn chỉnh, làm sao để hệ thống vận hành trơn tru, lên kế hoạch chiến lược, sales, marketing và gọi vốn… Đến nay, Beeketing đã là startup thứ 3 của Việt Nam gọi được vốn đầu tư từ Quỹ đầu tư 500 Startup (Mỹ); và trong năm 2015 Founder/CEO của Beeketing Trương Mạnh Quân đã được chọn vào Top 30 cá nhân xuất sắc nhất Việt Nam dưới 30 tuổi 2016 do Forbes Việt Nam bình chọn.

Từ lập trình viên trở thành CEO: Hành trình gian nan!

Nhà sáng lập cũng là CEO của Beeketing, ông Trương Mạnh Quân chia sẻ kinh nghiệm với các lập trình viên mong muốn khởi nghiệp.

Chia sẻ với các lập trình viên có mong muốn khởi nghiệp tại buổi talkshow, diễn giả Trương Mạnh Quân đã gợi ý cách giải quyết, tháo gỡ những khó khăn dựa trên những điều chính ông đã thử nghiệm và thành công ở Beeketing.

Đơn cử như việc tuyển dụng nhân sự, theo ông Quân, các CEO có xuất phát điểm là lập trình viên sẽ cảm thấy việc này dễ dàng hơn rất nhiều nếu họ dành ra một chút thời gian tìm hiểu vể vị trí mà mình sắp đăng tuyển. “Nếu bạn đang dự định tìm kiếm một marketer giỏi, trước hết hãy thử tự mình chạy Facebook ads, seeding… để có thể biết được công việc marketing sẽ bao gồm những gì. Tương tự như vậy, đừng ngần ngại nhấc điện thoại lên và gọi tới từng khách hàng, giới thiệu, rao bán sản phẩm của bạn như một nhân viên sales thực thụ. Chỉ khi hiểu rõ từng vai trò trong chuỗi làm việc của bạn, bạn mới có thể chiêu mộ được nhân tài và vận hành công ty một cách thuận lợi”, ông Quân chia sẻ.

Ông Quân cho biết, một khi đã kéo được những người giỏi về với mình, việc làm thế nào để duy trì được sự gắn bó của họ cũng quan trọng không kém: “Hãy cố gắng tạo một môi trường làm việc thật thoải mái, luôn đảm bảo rằng mỗi ngày, các nhân viên của bạn đều học được những điều mới và thường xuyên khích lệ cả nhóm bằng những thành tích nho nhỏ của sản phẩm… chính là những cách giữ lửa tốt nhất, xóa nhòa khoảng cách giữa ông chủ và người làm thuê”.

Với Founder/CEO Weplay Nguyễn Bá Thành, đúc kết từ những năm tháng “code thuê”, “code dạo” của mình, ông đã chia sẻ với các lập trình viên có mong muốn khởi nghiệp 3 bài học: “Thứ nhất, bạn cần phải biết cách thu phục lòng người. Thứ hai, chỉ nên làm cái mình đã hiểu rõ, nghiên cứu kỹ lưỡng về nó và cố gắng dự đoán càng nhiều rủi ro càng tốt. Và bài học cuối cùng chính là phải tìm ra điểm khác biệt đủ lớn cho sản phẩm/ dịch vụ của bạn”.

Xin được mượn lời khuyên tâm đắc nhất của ông Nguyễn Bá Thành cho những lập trình viên đang nung nấu ý định khởi nghiệp để kết lại bài viết, rằng dù có điều gì xảy ra, hãy nhớ “phải luôn giữ được “cái lõi kỹ thuật” của mình”.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận