“Uber Việt Nam” đi giao hàng, cạnh tranh các anh lớn

“Uber Việt Nam” đi giao hàng, cạnh tranh các anh lớn

Ra mắt chỉ mới trước Tết nhưng hiện nay ShipS đã có khoảng 1.200 nhân viên giao hàng tại Hà Nội. Nhìn bản đồ phủ kín các chấm màu cam hiển thị các nhân viên giao hàng đang lấp đầy thủ đô, nhiều người sẽ ngạc nhiên vì startup ShipS mới chỉ ra mắt được mấy tháng, với ứng dụng được xây dựng trong vòng 25 ngày bởi 4 nhân viên lập trình.

“Uber Việt Nam” đi giao hàng, cạnh tranh các anh lớn

Các shipper của ShipS (biểu tượng màu cam) đang hoạt động ở Hà Nội - Ảnh: H.Đ

“Mô hình này khá dễ bị sao chép, nên khi thấy có tăng trưởng chúng tôi quyết đi nhanh để mở rộng thị trường”, Nguyễn Tuấn Minh – sáng lập ShipS nói trong buổi gặp mặt phóng viên hôm 29/3, với mục đích đưa ShipS vào TP.HCM trong tháng 4 này, sau khi đã có 1.200 shipper (nhân viên giao hàng) tại Hà Nội.

ShipS có mô hình tương tự Uber, lấy nguồn lực từ cộng đồng, nhưng lại hoạt động trong lĩnh vực giao hàng. Tuy có mô hình khá giống với mô hình kinh tế chia sẻ đang thịnh hành, nhưng ShipS lại có những cải biến sao cho giống nhất với thị trường Việt Nam.

Khi một cửa hàng cần giao hàng sẽ mở ứng dụng ShipS lên để thông báo đến các shipper, shipper nào ở gần cửa hàng sẽ nhận đơn hàng. Giữa nhiều shipper nhận đơn hàng thì chủ cửa hàng sẽ chọn một shipper để người này vận chuyển. Khi shipper đến lấy hàng sẽ phải ứng toàn bộ số tiền bằng với giá trị hàng cho chủ cửa hàng, sau đó shipper đem hàng giao cho khách, lấy đúng số tiền hàng từ khách, cộng với chi phí giao hàng.

Mô hình này giải quyết được khá nhiều vấn đề đặc thù của dịch vụ giao hàng hiện nay tại Việt Nam. Thứ nhất là người bán hàng được nhận tiền ngay và tin tưởng giao hàng cho shipper. Bản thân shipper được nhận tiền công ngay sau khi giao hàng, khác với việc được trả lương theo tháng hay theo tuần. Tất nhiên mô hình này bắt buộc shipper phải có tiền để ứng cho chủ cửa hàng. ShipS chỉ xây dựng ứng dụng trung gian như Uber hay Grab, các shipper không phải là nhân viên của ShipS.

Nguyễn Tuấn Minh, sinh năm 1979, từng kinh qua nhiều công ty như VCCorp, Viettel, FPT, cho biết mô hình này sẽ giúp người giao hàng niềm nở hơn với khách hàng, vì đã ứng tiền trước cho chủ hàng. Tỷ lệ hủy đơn hàng với mô hình này chỉ khoảng 5%, thấp hơn so với các hình thức giao hàng khác.

“Uber Việt Nam” đi giao hàng, cạnh tranh các anh lớn

Nguyễn Tuấn Minh, sáng lập ShipS - Ảnh: H.Đ

Ngoài ra, theo Tuấn Minh, người giao hàng có thể thu nhập cao hơn xe ôm vì đặc thù của xe ôm là chở 1-2 người, đi từ điểm A đến điểm B xong rồi mới được chở khách hàng mới. Tuy nhiên nhân viên giao hàng có thể nhận cùng lúc nhiều đơn để giao nhiều nơi trên cùng tuyến được.

Với mức trung bình mỗi đơn hàng 20.000 đồng, một người giao hàng lao động tốt có thể kiếm được 300-500.000 đồng/ngày, sáng lập ShipS cho biết.

Ngoài ra, theo Tuấn Minh, 80% shipper hiện nay hoạt động trên ShipS là sinh viên. Những người này có thể làm việc sau giờ học, thậm chí khi đi chơi vẫn có thể tận dụng thời gian rảnh để giao hàng. Vào những dịp lễ như 14/2 hay 8/3 vừa qua, số lượng shipper tăng lên rất đông vì sinh viên có nhu cầu làm thêm để… có tiền đi chơi. Tuy nhiên, vào các dịp thi cử, cần ôn bài thì lượng nhân viên giao hàng giảm xuống rõ rệt.

Sáng lập ShipS cho biết rất ngạc nhiên về sự tăng trưởng số lượng shipper chỉ sau mấy tháng triển khai ở Hà Nội. Anh nói rất tin tưởng thị trường TP.HCM cũng sẽ tăng trưởng tương tự do các cửa hàng mà anh tiếp xúc đều khá cởi mở, cho biết sẵn sàng thử các ứng dụng mới. Hiện nay Tuấn Minh vẫn chỉ nhắm đến đối tượng shipper là sinh viên, và đang tích cực đến các trường học để phổ biến ứng dụng ShipS.

“Phương thức truyền miệng hiện vẫn là cách tiếp thị chủ yếu của ShipS. Khi các bạn sinh viên thấy có thể kiếm thêm thu nhập từ ShipS thì họ sẽ rỉ tai nhau để tham gia”, Tuấn Minh quả quyết.

Hiện nay ShipS chưa thu phí shipper hay cửa hàng. Tuy nhiên trong tháng 7 tới ShipS sẽ thu mỗi đơn hàng thành công mức phí 1.000 đồng từ shipper, bằng cách mỗi shipper tham gia ứng dụng sẽ đóng khoản tiền 100.000 đồng “ký quỹ”, sẽ trừ dần trên mỗi đơn hàng giao thành công.

ShipS thời điểm sáng lập chỉ có 5 người, gồm Tuấn Minh và 4 lập trình viên. Hiện nay công ty mở văn phòng tại TP.HCM với khoảng 3 người nữa. Trong khi đó, so sánh với Giao Hàng Nhanh – một startup chuyên về giao hàng mới nổi – có khoảng hơn 1.000 nhân viên giao hàng và bộ máy vận hành thì mô hình của ShipS rõ ràng tinh gọn hơn rất nhiều.

Ngoài ra, theo Tuấn Minh, các công ty giao hàng truyền thống hiện nay – bao gồm giaohangnhanh.vn – đều giữ lại tiền hàng của cửa hàng vài ngày sau mới trả lại, đồng thời cũng trả lương cho nhân viên theo tháng hay tuần; khác với ShipS trả tiền ngay cho chủ hàng và shipper cũng nhận tiền công ngay sau giao hàng nên có những lợi thế cạnh tranh nhất định.

Mô hình hoạt động của ShipS còn nhiều vấn đề cần giải quyết, tương tự bất kỳ startup nào giai đoạn mới khởi nghiệp. Tuy nhiên sự tăng trưởng nhanh chóng của mô hình này là điều sẽ khiến các đàn anh khác như Giao Hàng Nhanh, Viettel Post, Vietnam Post… phải chú ý.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận