Vượt Đà Nẵng, Hải Phòng vươn lên xếp thứ 3 về chỉ số thương mại điện tử 2018

Vượt Đà Nẵng, Hải Phòng vươn lên xếp thứ 3 về chỉ số thương mại điện tử 2018

Vượt Đà Nẵng, Hải Phòng vươn lên xếp thứ 3 về chỉ số thương mại điện tử 2018

Dựa trên khảo sát hàng nghìn doanh nghiệp của VECOM, báo cáo EBI 2018 cho thấy hiện vẫn còn sự chênh lệch rất lớn về mức độ phát triển thương mại điện tử giữa 2 trung tâm kinh tế của đất nước là Hà Nội và TP.HCM với các địa phương khác (Ảnh minh họa)

Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam - EBI 2018 vừa được Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) công bố hôm nay, ngày 14/3 tại Hà Nội, trong khuôn khổ Diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam (Vietnam Online Business Forum - VOBF) năm nay.

Báo cáo EBI do VECOM xây dựng từ năm 2012 là một công cụ định lượng hữu ích giúp xác định tình hình phát triển thương mại điện tử trên cả nước cũng như từng địa phương.

Theo VECOM, năm nay, chỉ số thương mại điện tử tiếp tục được xây dựng dựa trên 4 trụ cột là hạ tầng và nguồn nhân lực, giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C), giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) và dịch vụ công  trực tuyến (B2G). Các yếu tố liên quan đến tên miền Internet, thu nhập bình quân đầu người và số doanh nghiệp tại mỗi địa phương cũng được VECOM cân nhắc khi xây dựng chỉ số.

VECOM cũng cho biết, trong số 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có 9 tỉnh không xuất hiện trong Chỉ số. Đây là những tỉnh có số tên miền quốc gia .VN quá thấp và trung bình từ 3.000 dân trở lên mới có 1 tên miền. Trong 9 tỉnh này, có 5 tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc là Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Lai Châu, Sơn La và 4 tỉnh miền Tây Nam bộ là Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Sóc Trăng.

Báo cáo EBI 2018 chỉ ra rằng, trong khi thương mại điện tử trên phạm vi cả nước tiếp tục phát triển nhanh chóng thì chỉ số năm nay cho thấy TP.HCM và Hà Nội tiếp tục giữ vai trò tiên phong. Hai thành phố lớn nhất cả nước vẫn bỏ xa các địa phương còn lại.

Cụ thể, TP.HCM tiếp tục là địa phương dẫn đầu về Chỉ số thương mại điện tử với điểm tổng hợp là 82,1% điểm, cao hơn 3,5 điểm so với năm 2017. Biểu đồ các chỉ số thành phần của TP.HCM phản ánh mức độ phân cách lớn so với mức trung bình trong cả nước, đặc biệt là 2 chỉ số thành phần Nguồn nhân lực & hạ tầng và Giao dịch B2B. Mức chênh lệch này khá tương đồng với năm trước.

Xếp ở vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng chỉ số thương mại điện tử năm nay, Hà Nội có điểm tổng hợp là 79,8 điểm, cao hơn 4 điểm so với năm trước.

Kết quả khảo sát cho thấy, năm nay Hải Phòng vươn lên vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng Chỉ số thương mại điện tử, với điểm số tổng hợp là 54,9 điểm, tăng tới 12,7 điểm so với năm trước. Với kết quả này, Hải Phòng cũng là địa phương có số điểm EBI tăng so với năm trước cao nhất trong cả nước.

Đứng thứ 4 là Đà Nẵng với 54,1 điểm; thành phố này có sự phát triển mạnh trong giao dịch B2C. Theo phân tích của VECOM, sự phát triển mạnh này có thể do sự đóng góp cao của lĩnh vực du lịch và dịch vụ. Với điểm số tổng hợp đạt 50,7 điểm, tăng 7,4 điểm so với năm trước, Bình Dương xếp vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng EBI 2018.

Đáng chú ý, tuy 5 địa phương dẫn đầu trong bảng xếp hạng chỉ số thương mại điện tử Việt Nam năm nay vẫn là TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và Bình Dương song khoảng cách giữa 2 trung tâm kinh tế lớn là TP.HCM và Hà Nội với 3 địa phương còn lại vẫn rất lớn. Ngay cả khoảng cách giữa Hà Nội (xếp thứ 2) và Hải Phòng (xếp thứ 3) đã cách nhau tới 24,9 điểm.

Báo cáo EBI 2018 cũng cho thấy, khoảng cách giữa địa phương xếp thứ nhất là TP.HCM và địa phương đứng cuối bảng xếp hạng - Bắc Kạn lên tới 56,1 điểm.

VECOM cho hay, chênh lệch về sự phát triển thương mại điện tử giữa các địa phương vẫn rất cao, được thể hiện rõ qua chỉ số thương mại điện tử  qua các năm. Theo thống kê, điểm trung bình của Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2018 là 37,5 điểm. Cách biệt giữa điểm trung bình của nhóm 5 địa phương thấp nhất (27,5) và điểm trung bình của nhóm 5 địa phương cao nhất (64,3) lên tới 36,7 điểm, cao hơn khoảng cách 36 điểm của năm 2017, 31 điểm của năm 2015, 20 điểm của năm 2014 và 18 điểm của năm 2013.

Đại diện VECOM nhận định, mặc dù trong năm 2017 vừa qua, đã có nhiều hoạt động từ các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức và doanh nghiệp để thu hẹp khoảng cách về mức độ phát triển thương mại điện tử giữa 2 trung tâm kinh tế lớn với các địa phương khác nhưng kết quả thu được còn thấp.

Cho rằng việc thu hẹp khoảng cách số tiếp tục là một thách thức lớn đối với Việt Nam, đại diện VECOM khuyến nghị: “Việt Nam cần có những chính sách và giải pháp mạnh mẽ để vừa thúc đẩy vai trò đầu tàu về thương mại điện tử của 2 trung tâm kinh tế ở 2 đầu đất nước, vừa hỗ trợ sự phát triển của các địa phương khác, tạo sự phát triển nhanh và bền vững trên phạm vi cả nước.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận