Xây dựng cơ chế thí điểm quản lý lao động, tiền lương với Viettel đến 2020

Xây dựng cơ chế thí điểm quản lý lao động, tiền lương với Viettel đến 2020

Xây dựng cơ chế thí điểm quản lý lao động, tiền lương với Viettel đến 2020

Trong giai đoạn 2011 - 2015, Viettel được Chính phủ cho phép thí điểm trả lương theo hiệu quả sản xuất kinh doanh. Cơ chế này đã tạo điều kiện để Viettel có thể trả lương cao cho người lao động nhằm khuyến khích, thu hút những lao động giỏi.

Theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ, cuối tháng 2/2016, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có báo cáo tổng kết thí điểm quản lý lao động, tiền lương đối với Công ty mẹ - Tập đoàn Viettel giai đoạn 2011 - 2015.

Ngày 11/3/2016, Văn phòng Chính phủ đã có công văn gửi Bộ LĐTB&XH  và Bộ Quốc phòng thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh về việc thí điểm quản lý lao động, tiền lương đối với Viettel giai đoạn 2016 - 2020.

Theo đó, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đồng ý với nội dung tổng kết, đánh giá việc thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương đối với Công ty mẹ - Tập đoàn Viettel giai đoạn 2011 - 2015.

Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng giao Bộ LĐTB&XH chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định thí điểm về quản lý lao động, tiền lương đối với Tập đoàn Viettel giai đoạn 2016 - 2020.

Trước đó, vào cuối 7/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định 65/2011/NĐ-CP quy định thí điểm quản lý tiền lương đối với Công ty mẹ - Tập đoàn Viettel giai đoạn 2011-2013, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/9/2011.

Theo Nghị định 65, Chính phủ chỉ đạo Tập đoàn Viettel hàng năm, căn cứ vào khối lượng, chất lượng, yêu cầu và nhiệm vụ SX-KD để tiến hành xác định kế hoạch sử dụng lao động, báo cáo Bộ Quốc phòng có ý kiến trước khi thực hiện. Trên cơ sở kế hoạch sử dụng lao động đã có ý kiến của Bộ Quốc phòng, Viettel trực tiếp tuyển dụng theo quy chế tuyển dụng lao động của Tập đoàn và giao kết hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động. Đồng thời, hàng năm Viettel còn có trách nhiệm đánh giá kế hoạch sử dụng lao động và giải quyết chế độ đối với lao động không có việc làm theo quy định cua pháp luật lao động.

Với công tác quản lý tiền lương, Chính phủ yêu cầu Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Tài chính giao ổn định đơn giá tiền lương theo chỉ tiêu tổng doanh thu trừ tổng chi phí chưa có lương đối với Viettel trong giai đoạn 2011-2013. Đơn giá tiền lương giao ổn định được xác định trên cơ sở đơn giá tiền lương bình quân tính theo chỉ tiêu tổng doanh thu trừ tổng chi phí chưa có lương của Tập đoàn Viettel thực tế thực hiện trong giai đoạn 2007-2010. Khi thực hiện đơn giá tiền lương ổn định theo quy định trên, Chính phủ yêu cầu Viettel phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện: hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh được Đảng và Nhà nước giao; nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật; mức tiền lương bình quân phải thấp hơn mức tăng năng suất lao động bình quân; và lợi nhuận thực hiện hàng năm phải cao hơn lợi nhuận thực hiện của năm trước liền kề ít nhất 5%.

Cũng theo Nghị định 65, quỹ tiền lương thực hiện hàng năm của Tập đoàn Viettel được xác định trên cơ sở đơn giá tiền lương và chỉ tiêu tổng doanh thu trừ tổng chi phí chưa có tiền lương thực tế thực hiện. Trường hợp Viettel không đảm bảo chỉ tiêu lợi nhuận và năng suất lao động thì phải giảm trừ quỹ tiền lương để đảm bảo các điều kiện theo quy định. Quỹ tiền lương thực hiện là căn cứ để Viettel triển khai xây dựng quy chế trả lương đối với người lao động đảm bảo dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch, gắn tiền lương với mức độ hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, khuyến khích được người lao động có tài năng, có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, năng suất lao động cao, đóng góp nhiều cho Tập đoàn. Ngoài ra, Chính phủ lưu ý, khi xây dựng quy chế trả lương người lao động, Tập đoàn Viettel phải lấy ý kiến Ban chấp hành Công đoàn của Tập đoàn, báo cáo Bộ Quốc phòng có ý kiến trước khi thực hiện và phổ biến đến từng người lao động.

Tiếp đó, ngày 23/7/2014, Chính phủ ban hành Nghị định 74/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 65 về thực hiện thí điểm quản lý tiền lương đối với Công ty mẹ - Tập đoàn Viettel. Theo đó, về xếp lương và phụ cấp lương, Nghị định mới sửa đổi, bổ sung: Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng, Kiểm soát viên, người lao động là sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp thực hiện xếp lương, phụ cấp lương theo bảng lương và phụ cấp lương quy định tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Còn với công nhân viên quốc phòng, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, thực hiện xếp lương và phụ cấp lương theo thang, bảng lương do Tập đoàn Viettel xây dựng theo quy định tại Nghị định 49/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương.

Nghị định 74 cũng sửa đổi, bổ sung một số quy định về việc quản lý tiền lương. Theo đó, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ LĐTB&XH, Bộ Tài chính giao ổn định đơn giá tiền lương theo chỉ tiêu tổng doanh thu trừ tổng chi phí chưa có lương đối với Tập đoàn Viettel giai đoạn 2014 - 2015. Đơn giá tiền lương giao ổn định được xác định trên cơ sở đơn giá tiền lương thực hiện tính theo tổng doanh thu trừ tổng chi phí chưa có lương của Tập đoàn Viettel giai đoạn 2011 - 2013. Đồng thời, theo Nghị định 74, căn cứ vào quỹ tiền lương thực hiện, Tập đoàn Viettel trích lập quỹ dự phòng để bổ sung vào quỹ tiền lương của năm sau và phân phối tiền lương cho người lao động theo quy chế trả lương của Tập đoàn Viettel. Quỹ dự phòng của Tập đoàn Viettel không được vượt quá 17% quỹ tiền lương thực hiện. Các quy định tại Nghị định 74 được thực hiện từ ngày 1/1/2014 đến hết ngày 31/12/2015. 

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận