Xây dựng “hệ thần kinh” cho các thành phố thông minh

Xây dựng “hệ thần kinh” cho các thành phố thông minh

Theo báo cáo của Liên Hợp quốc (U.N), đến năm 2025, 57% dân số thế giới sẽ sống ở các thành phố, và đến năm 2030, tỷ lệ này sẽ tăng lên đến 2/3. Dân số đô thị ở các nước đang phát triển sẽ tăng gấp đôi, và khu vực bao phủ bởi các thành phố có thể tăng lên gấp ba. Quá trình đô thị hoá nhanh chóng này đang gia tăng áp lực đối với cơ sở hạ tầng và dịch vụ của thành phố. Theo các chuyên gia, một giải pháp quan trọng cho những thách thức này là xây dựng các thành phố thông minh (smart cities), mang đến chất lượng dịch vụ công cao cấp và hiệu quả, đảm bảo tính bền vững cho tương lai.

Huawei, Internet of Things, trí tuệ nhân tạo, Thành phố thông minh, vạn vật kết nối, IoT platform, chuyển đổi số,

Tại Smart Industry World 2017 diễn ra ngày 5/12 tại Hà Nội, nhiều tham luận đã được đưa ra quanh chủ đề này. Trong đó, Huawei đã giới thiệu một cái nhìn tổng thể về “Xây dựng thành phố thông minh hơn với các công nghệ ICT mới hàng đầu”, nhằm tạo điều kiện để phát triển đô thị bền vững. Đại diện Huawei cho biết, các giải pháp Thành phố thông minh của Huawei hiện được triển khai tại hơn 120 thành phố của 40 quốc gia. Cốt lõi của giải pháp này là hệ thần kinh công nghệ cao, bao gồm một Trung tâm Điều hành Thông minh (IOC) làm bộ não kết nối thế giới kỹ thuật số và thế giới vật lý.

Ông Nick Guang Lu - chuyên gia Thành phố thông minh Toàn cầu của Huawei - đã chia sẻ về chiến lược xây dựng “hệ thần kinh” cho thành phố thông minh, trong đó mọi vật cảm biến, kết nối và vận hành một cách thông minh hơn. Hệ thần kinh đó bao gồm một “bộ não” (trung tâm điều khiển) và “thần kinh ngoại vi” (hệ thống mạng và bộ cảm biến) thu thập thông tin thời gian thực về sức khoẻ và tình trạng của thành phố, môi trường và cơ sở hạ tầng thành phố.

Cụ thể hơn, Huawei cung cấp các hệ thống mạng băng thông rộng hữu tuyến và vô tuyến, tạo ra một vùng phủ sóng băng thông rộng khắp nơi hỗ trợ các dịch vụ dữ liệu, video và thoại tốc độ cao. Cùng đó là nền tảng Internet of Things (IoT) bao gồm LiteOS - một hệ điều hành an toàn, gọn nhẹ và thông minh, và IoT băng hẹp (NB-IoT) - một công nghệ mạng phạm vi rộng công suất thấp dựa trên tiêu chuẩn (LPWA) được phát triển cho các thiết bị và dịch vụ IoT mới.

Trong quá trình vận hành, nền tảng IoT sẽ sử dụng cảm biến thông minh để thu thập và hình thành thông tin trên khắp thành phố và kết nối với IOC của Huawei để tích hợp, xử lý và phân tích số lượng lớn dữ liệu khác nhau trong thời gian thực để có thể đưa ra hành động thích hợp.

Cơ sở hạ tầng căn bản của IOC bao gồm các trung tâm dữ liệu điện toán đám mây phân tán và các hệ thống mạng thành phố phổ quát để thu thập, tích hợp và chia sẻ thông tin thành phố, cho phép hiển thị thời gian thực của thành phố. IOC sử dụng một nền tảng truyền thông hợp nhất (ICP) cho phép kết hợp thông minh giữa các chức năng của thành phố và công việc khẩn cấp của tất cả các dịch vụ. Bằng cách sử dụng công nghệ Big Data, máy học (machine learning) và trí tuệ nhân tạo (AI), IOC cung cấp những hiểu biết có giá trị để tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động quản lý thành phố và giúp các chính quyền thành phố phản ứng nhanh chóng với các sự kiện đang biến động tại thành phố.

Bên cạnh đó, việc xây dựng Thành phố thông minh cũng đòi hỏi sự cộng tác chặt chẽ của các bên tham gia trên tất cả các lĩnh vực kiến tạo. Ngoài nền tảng công nghệ, còn cần đến một hệ sinh thái mở đáp ứng các nhu cầu của bất kỳ đô thị hiện đại nào. Huawei đã đưa ra Chương trình Global OpenLab nhằm tạo điều kiện cho sự sáng tạo chung trong một hệ sinh thái mở, hiện triển khai tại 5 thành phố: Tô Châu (Trung Quốc); Munich (Đức); thành phố Mexico; Singapore; và Dubai (UAE).

Năm 2017, Huawei xây dựng thêm 7 OpenLab mới, trong đó có các cơ sở ở London (Anh); Paris (Pháp); Moscow (Nga); và Johannesburg (Nam Phi). Đến cuối năm 2019, Huawei có kế hoạch triển khai 20 OpenLab trên khắp thế giới.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận