Yahoo và cái chết của gã khổng lồ công nghệ

Yahoo và cái chết của gã khổng lồ công nghệ

Những gì đã và đang xảy đến với Yahoo là một sự minh họa hoàn hảo cho cái chết của những công ty Internet khổng lồ - họ không kịp thích nghi và dần trở nên lạc lõng.

Yahoo và cái chết của gã khổng lồ công nghệ

Có thể coi thương vụ hãng viễn thông Verizon mua lại Yahoo là một thời điểm mang tính bước ngoặt trong lịch sử Internet, bởi dường như nó đã đặt dấu chấm hết cho cả một thời đại – ta hãy tạm gọi đó là thời đại Web 1.0. Chẳng bao lâu nữa, người ta sẽ nhớ về Yahoo của những năm "một nghìn chín trăm hồi ấy"như nhớ về điện tín hay điện thoại quay số của một thời đã quá đỗi xa xôi. Giữa vô vàn những lựa chọn hấp dẫn ngày nay như Instagram, Snapchat, Musical.ly và Spotify, hẳn các cư dân mạng của tương lai có nằm mơ cũng không thể nghĩ tới chuyện mình sẽ quay trở về sử dụng các dịch vụ của Yahoo. Hơn nữa, công nghệ phần mềm đang vận động và phát triển theo những chiều hướng ngày càng xa rời với thế hệ Web đời đầu, khi mà các giao diện kích hoạt bằng giọng nói như Alexa và Google's Home đang phá vỡ dần quan niệm truyền thống của chúng ta về Internet với lỉnh kỉnh những trình duyệt và smartphone. Thực ra, nhiều chuyên gia trong làng công nghệ từ lâu đã nhất trí với nhau rằng cơn hấp hối của Yahoo đã bắt đầu từ cách nay gần một thập kỷ rồi. Việc cái tên Yahoo sẽ bị xóa sổ chỉ còn là vấn đề thời gian. Và thời gian ấy đã điểm.

Bước lùi dài của kẻ tiên phong

Những gì đã và đang xảy ra với Yahoo ngày nay nhắc cho chúng ta nhớ rằng, khác với Wall Street, ở thung lũng Silicon, không có gì là quá-lớn-không-thể-sụp-đổ cả. Chỉ có điều, sự sụp đổ của Yahoo không đến một cách bất ngờ: họ đã "lết" một chặng đường dài để đến với cái kết đã được báo trước này.

Nhiều người trong chúng ta, đặc biệt là các cư dân mạng thế hệ đầu tiên, hẳn vẫn còn lưu giữ những kỷ niệm đầy trìu mến về Yahoo, người bạn đồng hành đã đưa chúng ta vào thế giới kết nối gần như vô tận của Internet. Từ một công ty cung cấp dịch vụ tổng hợp danh bạ các website đơn thuần (dịch vụ Yahoo Directory vẫn hoạt động cho tới đầu năm 2014), Yahoo đã vươn mình trở thành một cỗ máy tìm kiếm khổng lồ và dần dần tích hợp thêm những dịch vụ mới như e-mail, trang nhà tùy chỉnh, MyYahoo, bản tin tài chính, bản tin chứng khoán… Thời điểm ấy, Yahoo đã thu hút được hàng triệu người sử dụng trung thành, và giá trị của Yahoo trên thị trường chứng khoán cũng nhờ đó mà ngày một tăng cao như diều gặp gió.

Nhưng Yahoo đã thất bại trong việc thích nghi với sự phát triển của băng thông rộng và sự bùng nổ của các trang web. Những danh bạ website và hyperlink của họ trở nên lạc hậu so với phương pháp sử dụng từ khóa đơn giản. Trong khi đó, sự nhanh nhẹn của Google đã biến nó trở thành công cụ được yêu thích cho kỷ nguyên Web 2.0, và các dịch vụ khác của họ cũng phát triển một cách mau chóng trong khi Yahoo dần dần bị tụt lại đằng sau. Sự trỗi dậy của mạng lưới truyền thông xã hội như Facebook và Twitter càng góp phần đẩy nhanh đà đi xuống của Yahoo. Không chắc là thế hệ Snapchat bây giờ còn biết Yahoo là gì.

Cơ hội bị bỏ lỡ gần đây nhất của Yahoo là thời điểm bùng phát của web di động. Thực ra, năm 2012, Yahoo đã có trong tay một ứng dụng tin nhắn rất phổ biến, nhưng sự trì trệ và lưỡng lự đã khiến họ không thể tận dụng được lợi thế này để phát triển thành một dịch vụ di động khả dĩ. Ngày nay, các ứng dụng khác của họ, chẳng hạn như Yahoo Weather, có chưa đến 5 triệu người sử dụng hàng tháng, trong khi công cụ tìm kiếm và các ứng dụng mới chỉ thu hút được khoảng trên 1 triệu người sử dụng mỗi tháng. Nếu như Yahoo là một startup thì có lẽ họ đã phải đóng cửa từ lâu rồi.

Yahoo là một sự minh họa hoàn hảo cho cái chết của những công ty Internet khổng lồ - họ không kịp thích nghi và dần trở nên lạc lõng. Một dịch vụ Internet bền vững sở hữu ba tính chất: (1) nó khuyến khích sự hình thành thói quen sử dụng của cư dân mạng; (2) nó hấp dẫn với thế hệ trẻ, sao cho thế hệ này có thể lớn lên và già đi cùng nó; và (3) nó có thể vận động và phát triển theo thời gian. Đã có thời Yahoo sở hữu cả ba yếu tố trên, còn bây giờ họ chẳng còn lại gì.

Những nỗ lực cuối cùng

Theo nhận định của giới chuyên gia, nguyên nhân chính cho những thất bại trên của Yahoo nằm ở quản lý yếu kém, không có mục tiêu rõ ràng, những "luẩn quẩn" khi tuyển dụng và sử dụng CEO, những thương vụ mua lại và sáp nhập tốn kém hàng tỉ đô la mà hiệu quả chưa thấy đâu, và sự thiếu dứt khoát trong việc quyết định nên tập trung phát triển công nghệ hay truyền thông. (Thực ra, sự tồn tại của Yahoo là nhờ vào một thứ "thập cẩm" gồm truyền thông, công nghệ, và dịch vụ, tuy có tập trung hơn vào truyền thông.)

Marissa Mayer gia nhập Yahoo từ tháng 7/2012 và được ca ngợi là nhân tố lý tưởng có thể cứu giúp cho Yahoo đang trên đà lão hóa. Nhưng có vẻ như Mayer thất bại vì vướng vào một loạt những sai lầm tương tự các CEO tiền nhiệm. Khi được hỏi về những vấn đề gặp phải dưới triều đại của Mayer, một cựu nhân viên đưa ra một câu trả lời đơn giản: "Cứ hỏi bất kỳ vị CEO nào trước bà ấy thì biết."

Theo nhận định của một chuyên gia tại Jackdaw Research, "Mayer đã đầu tư sai chỗ; [bà] đã bỏ ra rất nhiều tiền nhưng không thu được kết quả gì khả quan." Dưới thời Mayer, Yahoo đã mua lại hàng tá startup để đẩy mạnh mảng dịch vụ di động của mình; tuy nhiên, theo nhiều nguồn tin khác nhau, do những lộn xộn trong quản lý mà những nhân viên mới được sát nhập vào được giao việc một cách rất "ngẫu hứng", làm giảm đi hiệu quả hoạt động của cả công ty. Họ còn bỏ ra 1,1 tỉ USD để mua lại Tumblr nhằm mở rộng cơ sở người dùng, bất chấp thực tế rằng bản thân mạng xã hội này đã và đang chật vật hoạt động từ trước đó khá lâu rồi. Không chỉ có thế, tin tức về những quyết định tuyển dụng các "sếp lớn" của Mayer luôn luôn là điều khiến giới truyền thông giật mình, song kết quả công việc của những người này lại tỏ ra rất kém thuyết phục. Những hình ảnh lòe loẹt và rẻ tiền như những tờ báo lá cải trên website của Yahoo vẫn liên tục xuất hiện và khiến không ít người ngao ngán lắc đầu. Một điều khá thú vị ở đây, theo lời một cựu lãnh đạo Yahoo, là không hiểu vì lý do gì mà Mayer lại không thể tuyển dụng được những tài năng lãnh đạo từ công ty cũ của mình, Google. Vị lãnh đạo duy nhất của Google mà Mayer "lôi kéo" được là Henrique de Castro, nhưng ông này chỉ tại nhiệm được vẻn vẹn 15 tháng rồi bị sa thải kèm theo một khoản bồi thường hấp dẫn: 58 triệu USD.

Verizon sắp trở thành nhà sưu tập "đồ cổ"?

Tất cả những điều trên làm nảy sinh câu hỏi: tại sao Verizon lại quyết định bỏ ra gần 5 tỉ USD để mua Yahoo? Tim Armstrong, CEO của AOL, người sẽ quán xuyến quá trình sáp nhập của Yahoo tới đây, phát biểu rằng Verizon mơ ước được trở thành một lựa chọn thứ ba, sau Google và Facebook, trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến. Bằng cách kết hợp cơ sở người dùng của AOL và Yahoo, cùng với lượng khách hàng của chính mình, Verizon hi vọng sẽ có được khoảng 2 tỉ người dùng – một con số mà họ cho rằng cần thiết để có thể trở thành một nền tảng bền vững. Nhưng với Google và Facebook đang kiểm soát khoảng 85% trong tổng số doanh thu từ quảng cáo trực tuyến như hiện nay, có vẻ như Verizon đang bỏ ra một nỗ lực lớn để giành lấy phần nào trong mẩu bánh bé xíu còn lại mà thôi.

Trên blog cá nhân, nhà đầu tư mạo hiểm Fred Wilson cho rằng mục tiêu của Verizon có phần hơi… lạc quan tếu. Ông viết: "Những mảng kinh doanh này không còn trong giai đoạn phát triển nữa mà đã chuyển sang giai đoạn chín muồi. Vì thế, đây phải là lúc gặt hái lợi nhuận chứ không phải là lúc tập trung đẩy mạnh doanh thu nữa." Yahoo nói rằng họ có 1 tỉ người sử dụng tích cực hàng tháng, trong đó có 600 triệu người sử dụng dịch vụ di động. Những con số này xuất phát từ các thông số nội bộ của Yahoo và rất nên nghi ngờ. Bởi lẽ, nếu cơ sở người dùng của họ lớn và tích cực đến vậy thì làm gì có chuyện doanh thu của Yahoo liên tục bị thu hẹp, từ 4,7 tỉ USD năm 2013 xuống còn 3,6 tỉ USD năm 2016. Doanh thu ròng từ quảng cáo hiển thị trực tuyến của họ dậm chân tại chỗ ở mức 1,7 tỉ USD từ năm 2013 đến nay, trong khi doanh thu ròng từ hoạt động tìm kiếm của họ giảm đi từ 1,7 tỉ USD năm 2013 xuống còn 1,2 tỉ USD năm 2016.

Giấc mơ của Verizon về việc trở thành một lựa chọn thứ ba dường như là phi thực tế. Hiện không rõ cả Yahoo và AOL – cả hai đều đã trở thành những gã khổng lồ lạc hậu – còn được bao nhiêu người sử dụng và mức độ gắn kết của họ tới đâu. Dường như cũng chưa có kế hoạch cụ thể để hợp nhất nguồn dữ liệu của Yahoo và AOL một cách hiệu quả. Trong khi đó, các đối thủ mà họ tự nhận là của mình – Google và Facebook – được xây dựng để thu thập dữ liệu, phân tích dữ liệu thời gian thực, và cung cấp quảng cáo cá nhân hóa trên quy mô lớn. Có vẻ như cả Yahoo và AOL đều không thể cạnh tranh nổi trên lĩnh vực này.

Dẫu vậy, đây không phải là nước đi ban đầu cực kỳ đắt đỏ đối với Verizon – giá trị họ bỏ ra mua Yahoo bây giờ chỉ vào khoảng 1 1/3 doanh thu dự tính của Yahoo cho năm nay. Nếu kế hoạch của họ thành công, đó sẽ là một kỳ tích sánh ngang với việc tạo nên một chiếc xe hơi thời thượng từ những phụ tùng cũ kỹ. Nếu không thành công, họ sẽ có thêm một "di tích Internet" nữa trong bộ sưu tập của mình.

Theo Tia Sáng

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận