Đánh giá card màn hình GIGABYTE GTX 1080 G1 GAMING: Thiết kế 3 quạt, hiệu năng cao, giá 17,5 triệu

Đánh giá card màn hình GIGABYTE GTX 1080 G1 GAMING: Thiết kế 3 quạt, hiệu năng cao, giá 17,5 triệu

Tại thời điểm này thì các phiên bản custom của GTX 1080 đã xuất hiện tại Việt Nam và bạn có thể mua chúng khá dễ dàng ở các cửa hàng bán linh kiện máy tính. Vậy thì so với phiên bản Founders Edition mà mình trên tay cách đây không lâu thì chúng có sự khác biệt như thế nào? Mình sẽ giúp các bạn có lời giải đáp thông qua bài đánh giáGIGABYTE GTX 1080 G1 GAMING, một trong những dòng card GTX 1080 custom tiêu biểu đang được bán trên thị trường.

Thông tin về GIGABYTE GTX 1080 G1 GAMING

Video đập hộp:


Thông số kỹ thuật
  • Chip đồ hoạ: GP104
  • Số bóng bán dẫn: 7,2 tỷ
  • Tiến trình sản xuất: TSMC 16 nm
  • Số nhân CUDA: 2560
  • Xung nhịp: 1695 MHz (Gaming Mode) và 1721 MHz (OC Mode)
  • Xung nhịp (Boost): 1835 MHz (Gaming Mode) và 1860 MHz (OC Mode)
  • Bộ nhớ đồ hoạ: 8 GB GDDR5X 256 bit
  • Băng thông bộ nhớ đồ hoạ: 320 GB/s
  • Giá bán lẻ tại Việt Nam: 17,5 triệu đồng (tặng kèm chuột XM300)
GIGABYTE GTX 1080 G1 GAMING là một trong những phiên bản custom của GTX 1080 hiện đang được bán rộng rãi tại thị trường Việt Nam. Về cơ bản, dòng card này có 3 điểm khác biệt chính so với Founders Edition:
  • Bo mạch được thiết kế lại với linh kiện tốt hơn
  • Tản nhiệt WindForce 3X do GIGABYTE phát triển thế cho tản lồng sóc của Nvidia
  • Chip đồ hoạ được tuyển chọn, ép xung ngay từ đầu (xung nhịp cao hơn Founders Edition)
GIGA1080G1-18.jpg

Vào thời điểm hiện tại, các nhà phân phối đã hạn chế (nếu không muốn nó là ngưng) nhập về các dòng card Founders Edition và ưu tiên các dòng card custom. Vì vậy bạn sẽ dễ dàng mua hơn khi quyết định lựa chọn các dòng card custom như GIGABYTE GTX 1080 G1 GAMING. Bên cạnh đó, phiên bản custom luôn có xung nhịp mặc định cao hơn đồng nghĩa với hiệu năng cũng tốt hơn. Ngoài ra việc sử dụng tản nhiệt custom với hiệu năng cao (thật ra là tuỳ trường hợp, nhưng thường thì vẫn sẽ mát và êm hơn tản lồng sóc của Nvidia), bo mạch được thiết kế lại với linh kiện cao cấp và pha nguồn 8+2 cho phép bạn có thể ép xung lên cao hơn bản Founders Edition (giả sử như 2 chip đồ hoạ bên trong tốt như nhau).

Thiết kế hầm hố với hệ thống tản nhiệt WindForce 3X

Nhắc đến card màn hình của GIGABYTE, người ta nhớ ngay đến tản nhiệt WindForce nổi tiếng của thương hiệu Đài Loan này. Đặc biệt là dòng WindForce 3X, vốn là một trong những hệ thống tản nhiệt hầm hố nhất, sử dụng đến 3 quạt. GTX 1080 G1 GAMING lần này cũng không là ngoại lệ, khi được trang bị tản nhiệt WindForce 3X phiên bản mới nhất.

GIGA1080G1-1.jpg
GIGA1080G1-3.jpgGIGA1080G1-4.jpgGIGA1080G1-5.jpgGIGA1080G1-24.jpg
Bộ sản phẩm của GIGABYTE GTX 1080 G1 GAMING chỉ có card, sách hướng dẫn và đĩa chứa driver. Theo mình biết thì vào thời điểm này thì tạm thời vẫn chưa có dòng card GTX 1080 custom nào bán tại Việt Nam có kèm theo cầu nối HB SLI mới cả. Vì vậy nếu muốn chạy SLI thì bạn phải mua thêm, giá vào khoảng 800.000 đồng. Ngoài ra thì hãng còn tặng kèm theo chuột XM300, mình sẽ có bài trên tay riêng sau.

GIGA1080G1-6.jpg

So với những thương hiệu khác, phong cách thiết kế của GIGABYTE khá đầm tính. Thay vì phối màu rực rỡ bắt mắt, GTX 1080 G1 GAMING sử dụng tông màu chủ đạo là đen với điểm nhấn là các chi tiết màu cam. Các chi tiết màu cam được sắp xếp tương tự như chữ X, phần nào cho thấy ảnh hưởng phong cách thiết kế của dòng XTREME đối với G1. Mặc dù sử dụng tông màu chủ đạo màu đen, dòng card này vẫn tạo được cảm giác ngầu nhờ áp dụng rất nhiều chi tiết chìm nổi góc cạnh trên khắp phần mặt nạ. Nếu các bạn chú ý, 3 quạt của tản nhiệt này có hình đáng cánh khá đặc biệt cũng như trên cánh có các đường vân. Yếu tố này giúp tăng cường lượng gió thổi từ quạt cũng như cho phép nó hoạt động êm hơn ngay cả khi quay ở tốc độ cao.

GIGA1080G1-21.jpg
GIGA1080G1-11.jpgGIGA1080G1-22.jpg

Nếu nhìn kỹ hơn vào tản nhiệt của GIGABYTE GTX 1080 G1 GAMING, bạn sẽ thấy nó được cấu tạo bởi 2 khối lá tản nhiệt bằng nhôm, liên kết với nhau bằng 3 ống dẫn nhiệt đồng chạy suốt chiều dài của card. Mỗi khối tản nhiệt sẽ được thổi mát bởi 1 quạt. Trong khi đó quạt ở giữa sẽ thổi vào cả 2 khối tản nhiệt và một phần của 3 ống dẫn nhiệt. Cá nhân mình đánh giá thì thiết kế này tuy hầm hố nhưng hơi phí vì quạt ở giữa không được tận dụng hết công suất (thổi chủ yếu vào ống đồng, vốn có khả năng phân tán nhiệt không tốt bằng lá nhôm). Cơ mà lỡ một ngày đẹp trời thì quạt giữa có hỏng cũng không ảnh hưởng nhiều đến khả năng tản nhiệt của hệ thống. Nói thì nói như vậy, nhưng về cơ bản thì tản nhiệt WindForce 3X của GIGABYTE đã khẳng định được thương hiệu từ nhiều năm nay rồi. Thực tế sử dụng thì nó khá êm và kiểm soát nhiệt độ GPU rất tốt.

GIGA1080G1-9.jpgGIGA1080G1-8.jpg
Phần lưng của GTX 1080 G1 GAMING cũng có một tấm ốp bằng kim loại (back plate) giúp bảo vệ các linh kiện phía sau bo mạch cũng như tránh tình trạng cong khi sử dụng thời gian dài. Những dòng card cao cấp như GTX 1080 thường được nhà sản xuất tích hợp các tản nhiệt hiệu năng cao, nhưng đồng thời các tản nhiệt này cũng có trọng lượng khá nặng. Nếu như không có ốp, gắn ở vị trí úp quạt xuống phổ biến thì sẽ khiến bo mạch bị trĩu xuống gây cong sau một thời gian sử dụng. Đó là chưa kể đến việc trọng lượng card nặng có thể khiến gãy luôn khe PCIe trên bo mạch chủ, đó là lý do mà bạn sẽ thấy các bo mạch cao cấp gần đây bọc thép luôn cả các khe PCIe 16x. Khoảng cách giữa tấm ốp và các linh kiện phía sau tương đối xa, vì vậy có vẻ như nó không thể hỗ trợ tản nhiệt như ở phiên bản Founders Edition, vốn có phần ốp gần như dính vào bo mạch.

GIGA1080G1-7.jpg
Về phần kết nối, GIGABYTE vẫn giữ nguyên mặc định của Nvidia với 3 cổng DisplayPort 1.4, 1 cổng HDMI 2.0 và 1 cổng DVI-D (chỉ hỗ trợ tín hiệu digital). Ở góc nhìn này, chúng ta có thể thấy được hệ thống tản nhiệt của GTX 1080 G1 GAMING cũng chiếm 2 slot tương tự như Founders Edition.

GIGA1080G1-10.jpgGIGA1080G1-17.jpg
GIGABYTE GTX 1080 G1 GAMING sử dụng chuẩn chân cắm PCIe 16x 3.0.

GIGA1080G1-12.jpg
GIGA1080G1-14.jpgGIGA1080G1-13.jpg
Phía trên của card, cũng là vị trí hướng ra ngoài khi bạn gắn vào thùng máy (loại đứng phổ biến), nổi bật nhất là logo GIGABYTE được tích hợp đèn LED. Bạn có thể sử dụng phần mềm XTREME để tuỳ biến màu sắc và cách phát sáng (cầu vồng, đổi màu ngẫu nhiên hoặc cố định,...). Bên cạnh nó là cụm đèn LED "Fan Stop", với mục đích là báo cho bạn biết rằng quạt đã tạm ngưng. Ngay cả khi không cần quạt thì bản thân các lá nhôm vẫn có khả năng tản nhiệt thụ động, kết hợp với việc các GPU đời mới nếu không chạy tác vụ quá nặng thì nhiệt lượng toả ra cũng tương đối khiêm tốn. Thật ra thì hầu hết các dòng card cao cấp đều hỗ trợ tính năng này, nhưng GIGABYTE tích hợp thêm đèn báo để giúp bạn dễ phân biệt với việc quạt bị hư. Dòng GTX 980 TI G1 năm ngoái thì góc đối diện còn có đèn báo chế độ OC, đáng tiếc là GTX 1080 năm nay lại không có và để trống nên tạo cảm giác hơi bị mất cân đối. Nhưng nói chung về cơ bản thì cũng không ảnh hưởng gì nhiều đến trải nghiệm.
GIGA1080G1-15.jpgGIGA1080G1-16.jpg

Ở phiên bản G1, GIGABYTE cũng chỉ sử dụng 1 cổng cấp nguồn phụ 8 pin tương tự như phiên bản Founders Edition. Kết hợp với nguồn cấp từ khe PCIe 16x, GTX 1080 G1 GAMING có thể được cấp tối đa 225W. So với TDP mặc định của Nvidia là 180 W thì nói chung là dư dả. Tuy nhiên nếu như bạn có ý định ép xung lên cao thì nó khó có thể sánh được với những dòng custom với đầu cấp nguồn 8+6 pin.

GIGA1080G1-19.jpg
Mặc dù vẫn có 2 chân cắm SLI, Nvidia khuyến cáo chỉ nên chạy SLI với 2 card mà thôi. Hãng giới thiệu cầu nối HB SLI mới sử dụng cùng lúc cả 2 chân cắm, tức là kết nối chỉ tối đa 2 card. Bạn vẫn có thể dùng cầu nối SLI đời cũ để nối bắt cầu tới 4 card nhưng tạm thời thì driver của Nvidia vẫn chưa hỗ trợ. Nvidia cho biết trong tương lai hãng sẽ tung ra driver hỗ trợ SLI 3-4 card, nhưng chỉ dùng để benchmark. Chơi game vẫn chỉ hỗ trợ tối đa 2 card.

Nhìn tổng thể thì năm nay GIGABYTE GTX 1080 G1 GAMING, cũng như hầu hết các dòng card GTX 1080 phiên bản custom hiện đang bán trên thị trường hiện nay, không có gì đột phá về thiết kế so với thế hệ trước. Thậm chí GTX 1080 G1 theo cá nhân mình thiết kế không được ấn tượng như phiên bản GTX 980 Ti G1. Nhưng điều này cũng tương đối dễ hiểu, vì năm nay các dòng custom đợt đầu đều bán dưới giá của Founders Edition (G1 là 17,5 triệu trong khi Founders Edition tới 18-19 triệu). Bên cạnh đó GIGABYTE vẫn còn 1 dòng cao hơn nữa là GTX 1080 XTREME, nên việc giấu hàng cũng không phải là lạ.

Đánh giá hiệu năng
Để đánh giá hiệu năng của GIGABYTE GTX 1080 G1 GAMING, mình sử dụng hệ thống có cấu hình như sau: CPU Core i7-6900K (3,2 GHz, 8 nhân, 16 luồng), bo mạch chủ MSI X99A Gaming Pro Carbon, 16 GB DDR4-2133 (4 x 4GB), SSD Intel 520 120 GB, PSU FSP Raider 650W, Windows 10 Pro 64 bit. Game thì mình sử dụng dịch vụ Steam. Mỗi bài test sẽ được thử ở độ phân giải FullHD và 4K, thiết lập cụ thể mình sẽ nói chi tiết ở từng phép thử..

testing-4.jpgtesting-3.jpg
Sử dụng ứng dụng Xtreme Engine của GIGABYTE, mình thiết lập GTX 1080 G1 GAMING ở chế độ OC. Tức là xung nhịp nhân của card sẽ là 1721 MHz (Boost lên 1860 MHz), cao hơn khoảng 7% so với phiên bản Founders Edition. Cần lưu ý là nếu bạn không xài ứng dụng, xung nhịp mặc định của card sẽ là 1695 MHz/1835 MHz, tức hiệu năng sẽ thấp hơn một chút.

3DMark

testing-2.jpg
Hệ thống đạt được 5288 điểm ở bài thử Fire Strike Ultra, riêng GPU đạt 5199 điểm. Đây là một con số rất ấn tượng.

Metro Last Light Redux

[IMG]

Metro Last Light Redux là cái tên mặc dù không quá quen thuộc như Call of Duty hay Battlefield, tuy nhiên đây là một trong những trò được xem là tiêu chuẩn để benchmark thể loại bắn súng góc nhìn người thứ nhất. Nói chung là cân được Metro Last Light thì các trò bắn súng khác cũng sẽ không thành vấn đề. Ở mức thiết lập Very High, khử răng cưa 2X và tắt Motion Blur thì tốc độ khung hình dao động trên dưới 100 fps đối với độ phân giải FullHD, cực kỳ mượt mà. Đẩy lên 4K thì tốc độ khung hình giảm đáng kể chỉ còn khoảng 45~49 fps, và có thể xuống thấp hơn nữa ở nếu như bạn bị "ăn đạn" quá nhiều. Nếu bạn tắt khử răng cưa và giảm hiệu ứng xuống thì việc đạt 60 fps là khả thi.

FullHD: Max 123 fps – Min 88 fps – Trung bình 105 fps
4K: Max 49 - Min 30 - Trung bình 39 fps

Bioshock Infinite

[IMG]

Bioshock Infinite nhìn chung không phải là đối thủ của GTX 1070 khi dù 4K hay FullHD thì tốc độ khung hình luôn vượt ngưỡng 60 fps ở mức thiết lập Ultra DX11 DOF. Lưu ý là trình benchmark tích hợp của Bioshock Infinite có vấn đề về việc đo tốc độ khung hình thấp nhất (min), vì vậy bạn chỉ nên tham khảo giá trị tối đa (max) và trung bình.

FullHD: Max 355 fps – Min 19 fps – Trung bình 156 fps
4K: Max 193 - Min 30 - Trung bình 68 fps

Fallout 4

[IMG]

Fallout 4 là game nhập vai theo phong cách góc nhìn người thứ nhất, với đồ hoạ thuộc hàng đỉnh. Ở mức thiết lập Ultra/1080p, tốc độ khung hình của mình luôn trên 150 fps khi đi dạo quanh thế giới mở của Fallout 4. Khung hình sẽ rớt xuống khoảng trên dưới 120 fps trong các trận đánh. Nói chung là đối với GTX 1080, chẳng có bất kỳ trò chơi nào có thể làm khó nó ở độ phân giải FullHD cả. 4K lại là câu chuyện khác, những cảnh ngoài trời dao động khoảng 70 fps, nhưng đến các cảnh bắn nhau gây cấn nhiều hiệu ứng thì đôi lúc tụt xuống dưới 60 fps. Nếu bạn xài khẩu Fat Man (súng bắn đạn hạt nhân) thì cứ xác định chơi dưới 60 fps mỗi lần bắn luôn Lưu ý nếu khung hình vượt quá 60 fps thì Fallout 4 khi chơi sẽ bị lỗi vật lý, vì vậy tốc độ khung hình cao chỉ để test sức mạnh cho vui thôi.

Ultra: Max 195 fps – Min 116 fps – Trung bình 155 fps
4K: Max 79 - Min 51 - Trung bình 65 fps

The Witcher 3: Wild Hunt

[IMG]

The Witcher 3: Wild Hunt là trò chơi điển hình của thể loại sandbox RPG, cho phép bạn thoải mái chơi trong một thế giới rộng lớn với góc nhìn người thứ 3. Mức độ đầu tư vào đồ hoạ cả về kỹ thuật lẫn nghệ thuật là rất cao, vì vậy cấu hình đòi hỏi cũng cực khủng. Với thiết lập hiệu ứng Ultra và bật tất cả Post Process (kể cả Nvidia HairWork), tốc độ khung hình ở 1080p dao động từ 76 đến 90 fps tuỳ theo cảnh. Khi chuyển qua 4K, đáng tiếc là GTX 1080 chỉ cầm cự được ở trên dưới 50 fps chứ chưa thể lên cao hơn. Dù vậy, đối với game nhập vai thì tốc độ khung hình chậm một chút cũng vẫn chấp nhận được.

FullHD: Min 76 - Max 90 - Trung bình 83
4K: Min 40 - Max 65 - Trung bình 53

Tomb Raider 2013

[IMG]

Tomb raider 2013 thì mình dùng luôn benchmark có sẵn, max hết thiết lập trừ tính năng khử răng cưa là để ở FXAA. FullHD thì kết quả cao tít mù, tuy nhiên khi qua 4K thì đáng tiếc là chưa thể đạt được chuẩn 60 fps.

FullHD: Max 236 fps - Min 136 fps - Trung bình 179 fps
4K: Max 66 - Min 38 - Trung bình 54

Nhiệt độ và tiếng ồn

Ở phòng máy lạnh đặt ở 20 độ, nhiệt độ theo ứng dụng Afterburner đo được không bao giờ quá ngưỡng 70 độ khi GPU ở 100% tải. Tốc độ quạt khi fullload là khoảng 60% trong điều kiện mình thử nghiệm, khá êm. Kích thử lên 100% thì tiếng phát ra lớn hơn rõ rệt, nhưng cũng không đến mức khó chịu.

Kết luận

Tóm tắt ưu nhược điểm của GIGABYTE GTX 1080 G1 GAMING

Ưu điểm
  • Thiết kế hầm hố
  • Tản nhiệt WindForce với 3 quạt
  • Có đèn LED RGB
  • Hiệu năng ấn tượng
  • Chạy êm, mát ngay cả khi fullload
  • Thống trị tuyệt đối ở độ phân giải FullHD
  • Giá rẻ hơn Founders Edition
  • Tặng kèm chuột XM300
Nhược điểm
  • Không có sự đột phá trong thiết kế
  • Chỉ 1 đầu cấp nguồn 8 pin
  • Chưa thể đạt Max setting 60 fps ở một số trò
Vậy ai là đối tượng của GIGABYTE GTX 1080 G1 GAMING?

Với mức giá 17,5 triệu đồng, GIGABYTE GTX 1080 thuộc phân khúc cao cấp mà chỉ có một phần nhỏ giới game thủ có thể với tới. Tuy nhiên một khi đã quyết định chơi tới nóc như thế này, bạn sẽ hoàn toàn hài lòng với những gì mà nó đem lại: hiệu năng mạnh mẽ, thiết kế hầm hố, có đèn LED RGB (dù có hơi khiêm tốn một chút). Và môt điểm cũng quan trọng không kém: bạn sẽ sở hữu một trong những dòng card màn hình mạnh nhất (vào thời điểm mình viết bài này).

GIGA1080G1-23.jpg

Mặc dù chỉ có một cổng cấp nguồn 8 pin, GIGABYTE tỏ ra khá mạnh tay trong việc ép xung sẵn GTX 1080 G1 GAMING với mức xung ở chế độ OC là 1721 MHz/1860 MHz, cao hơn một chút so với MSI GAMING X (1708 MHz/1847 MHz) và thấp một chút hơn ASUS STRIX (1759 MHz/1898 MHz), vốn đều sử dụng đầu cấp nguồn 8+6 pin. Liệu có sự khác biệt lớn về hiệu năng giữa chúng? Theo cá nhân mình nghĩ là không, và nếu có thì với một chút kỹ năng ép xung bạn cũng sẽ dễ dàng xoá bỏ nó (tăng vài trăm MHz là chuyện khó, chứ vài chục thì đơn giản). Nhiệt độ hoạt động thì thật ra nếu bạn đã xài card custom thì cũng không cần quá quan tâm, bởi lẽ những tản nhiệt custom nổi tiếng đều đã khẳng định được thương hiệu trong nhiều năm qua. Đó là chưa kể đến việc GPU đời mới hoạt động ngày càng mát và tiết kiệm năng lượng (so với đời trước).

Về lý thuyết, GIGABYTE GTX 1080 G1 GAMING hơi thiệt thòi một chút do chỉ sở hữu 1 đầu cấp nguồn 8 pin, giới hạn mức năng lượng vào khoảng 225W. Nhưng thực tế thì điều này không quá quan trọng, bởi TDP của GTX 1080 chỉ là 180 W. Nếu xét ra, bạn vẫn có thể tương đối thoải mái ép nó lên nữa với định mức năng lượng giới hạn mà cổng cấp nguồn 8 pin cho phép. Ép được lên cao bao nhiêu thì thực ra tuỳ thuộc vào kỹ năng và độ may mắn (vì GPU có con tốt con bình thường, bạn chẳng thể biết trước được cho đến khi ép thử).

Cũng cần phải lưu ý rằng tuy GTX 1080 là dòng GPU đơn nhân mạnh nhất tại thời điểm này, bạn đừng kỳ vọng nó có thể max setting tất cả các trò chơi ở độ phân giải 4K. Để đảm bảo được 60 fps, giảm một số hiệu ứng là điều khó tránh khỏi. Có lẽ muốn thoải mái mà đẩy hiệu ứng tối đa ở 4K với chỉ 1 card thì chúng ta phải tiếp tục chờ thôi.
 

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận